5 tác dụng của yến sào với trẻ em và những lưu ý khi dùng

(VOH) – Yến sào (tổ yến) hay nước yến đều có giá trị dinh dưỡng rất cao, chính vì thế nhiều bậc cha mẹ thường mua yến sào cho bé ăn với hy vọng cơ thể trẻ sẽ được tiếp nạp thêm nhiều dưỡng chất.

Yến sào (tổ yến) là thực phẩm nổi tiếng, bổ dưỡng cho nhiều lứa tuổi và đối tượng sử dụng, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người vẫn còn chưa biết tác dụng của yến sào với trẻ em là như thế nào dù đã cho trẻ ăn rất thường xuyên.

1. Những tác dụng của yến sào với trẻ em là gì?

Trong tổ yến sào có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng, bao gồm: protein, các loại axit amin, nguyên tố vi lượng... những dưỡng chất này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật ở trẻ.

Dưới đây là một tác dụng của yến sào dành cho trẻ nhỏ:

1.1 Thúc đẩy tiêu hóa, giúp hấp thu dinh dưỡng

Tổ yến chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng như các axit amin, khoáng chất, điển hình như canxi, sắt và Cr - một nguyên tố quý hiếm, Lysine - axit amin đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích, thúc đẩy hệ tiêu hóa, giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn qua màng ruột.

1.2 Cung cấp nguồn năng lượng tốt

tre-em-an-yen-sao-voh-0
Trẻ em ăn yến sào có thể giúp cơ thể có nguồn năng lượng tốt (Nguồn: Internet)

Một trong những tác dụng của yến sào đối với trẻ em là chúng có thể giúp cung cấp nguồn năng lượng tốt cho cơ thể. Nhờ có nguồn chất sắt dồi dào, lượng đường galactose hoàn toàn không có chất béo nên trẻ ăn yến sào sẽ giúp cơ thể có được nguồn năng lượng tốt.

1.3 Giúp trẻ phát triển

Các thành phần dinh dưỡng đặc biệt trong yến sào dều đóng góp những vai trò đặc biệt trong sự phát triển của trẻ, điển hình như:

  • Axit glutamic củng cố chức năng não bộ cho trẻ
  • Axit aspartic và axit proline có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào
  • Axit threonine có tác dụng tốt cho hoạt động gan, tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy cơ thể em bé hấp thụ mạnh các dưỡng chất

1.4 Tăng cường hệ thần kinh ở trẻ

Sử dụng đúng các loại yến sào dành cho trẻ sẽ giúp tăng cường hệ thống thần kinh của bé. Trong yến sào có các hoạt chất quan trọng giúp tăng cường tuần hoàn máu, giúp não bộ của bé phát triển hoàn thiện.

Đặc biệt, các vi chất quan trọng như mangan, đồng, kẽm... rất hữu ích trong việc ổn định thần kinh và tăng cường trí nhớ cho trẻ.

1.5 Hạn chế suy dinh dưỡng, biếng ăn, còi xương

Cho trẻ ăn yến sào cũng có thể giúp hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, biếng ăn và coi xương. Các thành phần dinh dưỡng trong yến sào sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp trẻ hấp thu và tiêu hóa tốt hơn. Trẻ được dùng yến sào thường xuyên sẽ chóng lớn, tăng cường kích thích sinh trưởng của các tế bào…

Xem thêm: Dấu hiệu giúp kiểm tra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và người lớn

2. Thời điểm thích hợp cho trẻ ăn yến sào

Có thể nói, những tác dụng của yến sào với trẻ em là cực quan trọng trong giai đoạn trẻ đang cần tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ đều không biết trẻ mấy tháng ăn được yến sào để có thể cho bé ăn đúng thời điểm nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.

Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo, trẻ em dưới 1 tuổi không nên ăn yến sào dưới bất kỳ hình thức nào. Lý do là vì trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, bé sẽ không thể hấp thu được hết những dưỡng chất quý giá từ yến.

Trẻ từ 1 – 3 tuổi, mẹ có thể cho bé tập ăn yến sào hoặc uống nước yến. Tuy nhiên, do yến sào là thực phẩm giàu dinh dưỡng và nhiều đạm nên mẹ cần đặc biệt chú ý đến liều lượng ăn của trẻ để tránh trường hợp nạp quá nhiều dưỡng chất trong một lần, không tốt cho cơ thể của bé.

Riêng với những trẻ từ 3 – 10 tuổi thì việc cho trẻ ăn yến sào hoặc uống nước yến là cần thiết, bởi đây là giai đoạn trẻ đang tập trung phát triển não và thể chất, tìm hiểu mọi thứ xung quanh và cần có năng lượng đầy đủ cho các hoạt động ngày.

3. Trẻ em ăn yến vào lúc nào là tốt nhất?

Hai thời điểm cho trẻ ăn yến sào tốt nhất trong ngày mẹ nên nắm rõ để có thể phát huy công dụng của tổ yến đó là:

3.1 Buổi sáng: Trước khi ăn sáng khoảng 1 tiếng

Sau khi ngủ dậy, trước khi ăn sáng tầm 1 tiếng chính là lúc mẹ nên cho bé ăn tổ yến sào, bởi vì lúc này cơ thể bé sẽ hấp thụ tất cả các chất dinh dưỡng có trong tổ yến sào tốt hơn vì bụng còn rỗng, chưa ăn gì.

tre-em-an-yen-sao-voh-1
Có 2 thời điểm mẹ nên cho trẻ ăn yến sào trong ngày (Nguồn: Internet)

3.2 Buổi tối: Trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng

Trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng, mẹ cũng có thể cho trẻ ăn yến sào bởi theo lý giải của các nhà khoa học, khi con người rơi vào giấc ngủ sâu, nồng độ của nội tiết tố tăng cao, cơ thể thực hiện quá trình thanh lọc, thải độc tố nên những chất dinh dưỡng cũng sẽ được hấp thu tốt hơn.

4. Liều lượng sử dụng yến sào cho trẻ em bao nhiêu là hợp lý?

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, liều lượng yến sào cho bé sử dụng cũng sẽ khác nhau:

  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Mỗi lần mẹ có thể cho bé ăn khoảng 1-2 gram yến sào.
  • Trẻ từ 3 – 10 tuổi: Mẹ có thể cho bé ăn 2-3 gram yến sào trong mỗi lần ăn.

Để nguồn dưỡng chất quý giá trong tổ yến đem lại lợi ích cho trẻ nhỏ, tốt nhất mẹ nên cho con ăn đều đặn mỗi ngày theo liều lượng do nhà sản xuất cung cấp, không nên cách quãng quá lâu và cũng không ăn quá nhiều trong 1 ngày.

5. Một số lưu ý khi cho trẻ ăn yến sào

Khi cho trẻ ăn yến sào mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Thời gian chưng yến vừa đủ: Khi chưng tổ yến mẹ nên chưng trong khoảng từ 25 – 30 phút là đủ. Không nên chưng yến quá lâu vì sẽ khiến yến bị nhão và tan, chất dinh dưỡng cũng bị giảm dần.
  • Không cho trẻ vận động mạnh khi ăn yến sào: Trẻ có những vận động mạnh sau khi ăn yến sào rất dễ gặp phải các vấn đề tiêu hóa như đau dạ dày, cơ thể toát nhiều mồ hôi...
  • Một số trường hợp không nên ăn yến sào: Những trẻ đang mắc bệnh viêm gan, vàng da, ho nhiều đờm loãng và trong, viêm đường tiết niệu, viêm phế quản, viêm nhiễm ngoài da... tốt nhất không nên ăn yến sào.

Tóm lại, những tác dụng của yến sào đối với trẻ em và vô cùng tốt. Tuy nhiên, mẹ cần cho trẻ ăn đúng liều lượng để bé có thể nhận được những lợi ích sức khỏe , nâng cao thể chất và tinh thần ở mức tối ưu.

Bình luận