Tăng động giảm chú ý ở trẻ là gì, làm sao nhận biết?

(VOH) – Trẻ con thường hiểu động, tuy nhiên điều quan trọng là hiếu động ở mức nào được xem là bình thường và ở mức nào thì được coi là tăng động giảm chú ý.

Theo thống kê thì cứ 100 trẻ thì có từ 3 – 5 bé mắc phải chứng tăng động giảm chú ý với một số triệu chứng bắt đầu trước khi trẻ lên 7 tuổi. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có rất nhiều cha mẹ còn mơ hồ về chứng bệnh này và nghĩ rằng trẻ con hiếu động là điều bình thường mà không hề biết rằng, chứng tăng động giảm chú ý có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tới việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý tương lai của trẻ.

1. Bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (tên tiếng anh là Attention-deficit hyperactivity disorder – ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Đặc điểm chung của ADHD là trẻ có những hành vi hiếu động quá mức đi kèm với khả năng giảm chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người xung quanh.

Có 3 kiểu rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp là:

  • Hiếu động - bốc đồng: Những người bị ADHD hiếu động - bốc đồng phải đối mặt với tình trạng hiếu động và bốc đồng quá mức, không kiểm soát được hành vi của mình ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
  • Không chú ý: Những người bị ADHD nhóm này có triệu chứng nổi bật nhất là ít chú ý để những việc diễn ra xung quanh.
  • Kết hợp hiếu động - bốc đồng và thiếu chú ý: Những người thuộc nhóm này có triệu chứng của cả 2 nhóm kia.

2. Các triệu chứng tăng động giảm chú ý thường gặp

Trẻ chỉ được xác định là ADHD khi có tối thiểu 6 triệu chứng (hoặc hơn) trong thời gian tối thiểu 6 tháng với ít nhất ở 2 môi trường khác nhau. 

2.1 Biểu hiện của trẻ khi bị tăng động

  • Cựa quậy bàn tay, chân hoặc ngọ nguậy trên ghế.
  • Không thể ngồi yên một chỗ
  • Thường đứng lên bỏ ghế lúc đang học.
  • Chạy hoặc leo trèo khắp nơi mà không cảm thấy mệt và cũng không màng đến lời dọa nạt của người lớn.
  • Khó có thể chơi một cách yên ắng
  • Thường đi hoặc làm như đang ngồi trên lò xo
  • Thường nói quá nhiều

tang-dong-giam-chu-y-o-tre-la-gi-lam-sao-nhan-biet-voh

Trẻ tăng động giảm chú ý thường có những hành vi hiếu động quá mức kiểm soát (Nguồn: Internet)

2.2 Biểu hiện của trẻ kém tập trung

Khả năng tập trung của trẻ tăng động giảm chú ý rất kém, điều này được thể hiện cụ thể như sau:

  • Trẻ gặp nhiều khó khăn khi phải lắng nghe, làm theo hướng dẫn hoặc thực hiện một việc gì đó trọn vẹn.
  • Trẻ có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không được lâu.
  • Trẻ tăng động giảm chú ý thường có xu hướng chuyển một cách nhanh chóng từ sở thích này sang sở thích khác.
  • Trẻ không đủ kiên trì, thường bỏ dở giữa chừng khi đang làm một công việc.
  • Chỉ một tiếng động nhỏ, hay một đồ vật lạ đặt trước mặt cũng có thể làm trẻ bị phân tâm.
  • Trẻ khó có thể chú ý ngay cả khi đang nói chuyện trực tiếp với người khác hay đang bị người lớn nhắc nhở.
  • Thường khó khăn khi tiến hành các hoạt động cần tính tổ chức
  • Trẻ nói là đang nghe lời bạn nhưng khi được yêu cầu lặp lại lời của bạn, trẻ sẽ không biết nói gì.
  • Thường để thất lạc những vật dùng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút, sách, vở...)

2.3 Biểu hiện của trẻ có tính bốc đồng

  • Thốt ra câu trả lời khi người khác vẫn chưa hỏi xong.
  • Ít kiên nhẫn chờ đến phiên mình.
  • Thường cắt ngang hoặc xâm lấn, áp đặt đối với người khác.

Lưu ý: Những người bị chứng ADHD có thể hành xử một cách nguy hiểm mà không cần quan tâm đến hậu quả.

3. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng tăng động giảm chú ý

Vẫn chưa có đủ thông tin về nguyên nhân gây ra chứng ADHD, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, hội chứng này có thể liên quan tới các hóa chất trong não. Khi các hóa chất trong não mất cân bằng, chúng có thể làm ảnh hưởng đến hành vi của con người.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn rất phổ biến và thường gặp nhất ở trẻ. Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ADHD, chẳng hạn như:

  • Di truyền học (rối loạn tăng động giảm chú ý có tính gia đình)
  • Do môi trường tác động
  • Trẻ từng bị chấn thương vùng não
  • Thai phụ sử dụng rượu hoặc thuốc lá khi mang thai hoặc thuốc paracetamol con sinh ra dễ bị tăng động.

4. Chẩn đoán và điều trị tăng động giảm chú ý bằng bằng cách nào?

Người bệnh có thể làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh ADHD, nhưng thông thường các bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên quan sát hành vi người bệnh và cách họ phản ứng với những tình huống nhất định.

Hiện nay, không có phương pháp can thiệp nào là phù hợp nhất và tốt nhất cho trẻ bị ADHD. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho căn bệnh này thường là phối hợp nhiều phương pháp với nhau như can thiệp hành vi, ngôn ngữ, điều hòa cảm xúc, đồng thời sử dụng các thuốc bổ não hỗ trợ cho trẻ.

tang-dong-giam-chu-y-o-tre-la-gi-lam-sao-nhan-biet-1voh

Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ cần phải phối hợp nhiều phương pháp với nhau (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng đã thử nghiệm một số biện pháp khác ngoài dùng thuốc để điều trị chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ, bao gồm:

  • Cho trẻ tập yoga hay thiền để giúp trẻ thư giãn và học tính kỷ luật
  • Chế độ ăn đặc biệt: Hầu hết các chế độ ăn cải thiện ADHD đều chú ý liên đến việc loại bỏ một số thực phẩm, chẳng hạn như đường và chất gây dị ứng phổ biến như lúa mì, sữa và trứng... Sử dụng công thức độc quyền được làm từ các loại vitamin, vi chất dinh dưỡng. Axit béo thiết yếu bao gồm các loại dầu omega-3 cần thiết cho bộ não hoạt động đúng cách
  • Luyện tập cách phản hồi thần kinh giúp trẻ học cách giữ cho các sóng não ở phía trước hoạt động tốt
  • Tập thể dục có tác động tích cực đến hành vi của trẻ em với bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý.

5. Đối phó với bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Ngoài việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì sự hỗ trợ của cha mẹ chính là liều thuốc hữu hiệu giúp các em sớm hòa mình vào thế giới xung quanh và phát triển như bao trẻ bình thường khác. Vì thế, cha mẹ cần phải phối hợp để giúp trẻ đối phó với căn bệnh này bằng cách giáo dục hành vi cho con như:

  • Trao đổi với thầy cô để nhận được sự giúp đỡ trong việc giáo dục hành vi cho trẻ. Nên đề nghị giáo viên để trẻ ngồi bàn đầu tiên nhằm tránh sự phân tâm bởi hoạt động của các bạn phía trên.
  • Trẻ tăng động giảm chú ý thường có lòng tự trọng rất cao do vậy đừng bao giờ chê bai hay quát mắng trẻ, đặc biệt là khi có mặt người khác vì điều này còn có thể làm trẻ nảy sinh tư tưởng chống đối.
  • Nên khen ngợi khi trẻ có những hành vi đúng đắn, trẻ sẽ thấy cái ‘tôi’ của mình được khẳng định và có xu hướng làm theo lời khen, nó đặc biệt hiệu quả khi thầy cô khen ngợi trước lớp.
  • Chỉ nên hứa hẹn khi chắc chắn có thể làm được, bởi vì trẻ ADHD rất dễ thất vọng và chán nản.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, chơi thể thao ngoài trời hoặc tập luyện các môn thể thao để rèn luyện tính kỷ luật và khả năng tập trung.
  • Khi nói chuyện với trẻ hãy dùng những lời lẽ đơn giản, cụ thể thay vì nói chung chung. Ví dụ thay vì nói ‘con chuẩn bị để đi học đi’ thì cha mẹ nên nói là ‘con mặc quần áo vào’, ‘con lấy cặp sách đi’...
  • Cố gắng tạo cho trẻ các thói quen tốt bằng cách cho con ăn, nhắc con đi ngủ, thức dậy đúng giờ.
  • Người lớn không nên xem ti vi, nói chuyện hay đặt những đồ vật lạ trên bàn trong khi trẻ đang học bài.

Hi vọng với một vài chia sẻ về bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về những dấu hiệu nhận biết trẻ bị ADHD, từ đó giúp con cải thiện để có thể hòa nhập với cộng đồng được tốt hơn.

Bình luận