Tiền sản giật: Biến chứng nguy hiểm nhất ở phụ nữ mang thai

( VOH ) - Tiền sản giật là một biến chứng đặc biệt nghiệm trọng xuất hiện trong thai kỳ, có khả năng làm tăng nguy cơ rủi ro thai chết lưu hoặc sinh non, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ.

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một rối loạn thai nghén đặc trưng bằng việc làm tăng huyết áp trong có thể và thường có lượng lớn protein trong nước tiểu. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là thận.

Tiền sản giật thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ, do nhau thai gặp phải tình trạng thiếu máu vì nhu cầu máu quá cao (trường hợp mang song thai, đa thai) hoặc do các động mạch trong cổ tử cung của người mẹ không mở đủ rộng khi nhau thai hình thành, làm cho thai nhi không đủ oxy để thở.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng tiền sản giật khi mang thai

Để nhận biết chứng tiền sản giật khi mang thai, mẹ bầu có thể dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Huyết áp đột ngột tăng cao. Cụ thể: huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg. (Lưu ý, tiền sản giật nặng khi huyết áp tối thiểu > 110mmHg. Đạm niệu > 3g/l, thiểu niệu < 100ml/4 giờ)
  • Có hàm lượng protein trong nước tiểu > 0.3g/l và có những vấn đề liên quan đến thận.
  • Mẹ thường bị đau đầu trong giai đoạn mang thai.
  • Thay đổi thị lực tạm thời như mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Thường xuyên bị đau bụng trên rốn khi mang thai.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Đi tiểu ít.
  • Giảm lượng tiểu cầu trong máu.
  • Suy giảm chức năng gan.
  • Thường bị khó thở do có dịch trong phổi.

Ngoài ra, tình trạng tăng cân bất ngờ hay tay chân bị phù cũng có thể là một dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai. Tuy nhiên, khi mang thai phụ nữ thường gặp hay phải hiện tượng này nên không được tính là biểu hiện phổ biến của bệnh tiền sản giật.

3. Nguyên nhân nào gây ra tiền sản giật?

Hiện nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng tiền sản giật khi mang thai. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân có thể xuất phát từ nhau thai – cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ.

tien-san-giat-bien-chung-nguy-hiem-o-phu-nu-mang-thai-voh

Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra chứng tiền sản giật khi mang thai (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, các mạch máu bắt đầu phát triển để đưa máu đến nhau thai, tuy nhiên với những phụ nữ bị tiền sản giật, các mạch máu có thể đã phát triển không đầy đủ khiến cho lượng máu đến nhau thai bị giảm.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do không đủ lượng máu vào tử cung, tổn thương mạch máu hoặc do hệ miễn dịch đang xảy ra vấn đề do ADN của người mẹ.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng có thể là tác nhân gây tiền sản giật thai kỳ là do chế độ dinh dưỡng khi mang thai kém hoặc người mẹ phải làm nhiều việc nặng nhọc.

3.1 Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật

  • Tiền sử bản thân hoặc gia đình từng mắc tiền sản giật.
  • Mang thai lần đầu, mang song thai, đa thai.
  • Phụ nữ mang thai khi trên 40 tuổi.
  • Khoảng thời gian giữa 2 lần mang thai ngắn hơn 2 năm hoặc dài hơn 10 năm.
  • Những người đã hoặc đang bị cao huyết áp, đau nửa đầu, tiểu đường tuyp 1 hoặc tuyp 2, bệnh thận, bệnh lupus... đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiền sản giật thai kỳ.

4. Tiền sản giật có nguy hiểm không?

Diễn tiến của tiền sản giật là đi vào sản giật, đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và con. Biến chứng thành hội chứng HELLP bao gồm tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu lan tỏa, phù phổi cấp, nhau bong non, suy thận cấp,  xuất huyết não…

5. Điều trị tiền sản giật như thế nào?

Hiện vẫn chưa có 1 xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh tiền sản giật. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng như: huyết áp tăng và khó thở.

tien-san-giat-bien-chung-nguy-hiem-o-phu-nu-mang-thai-1-voh

Bác sĩ sẽ chẩn đoán tiền sản giật bằng cách kiểm tra huyết áp và lượng protein trong nước tiểu (Nguồn: Internet)

Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ thực hiện xét nghiệm máu và kiểm tra protein trong nước tiểu. Ngoài ra, bác sĩ còn tiến hành siêu âm và kiểm tra nhịp tim thai nhi khi em bé chuyển động.
Và cách duy nhất để điều trị tiền sản giật chính là sinh sớm. Tuy nhiên, nếu em bé còn quá nhỏ thì đây không phải là phương pháp tốt nhất. Vì thế, nếu được chẩn đoán bị tiền sản giật mẹ bầu cần phải đến khám thai và tiến hành xét nghiệm máu, siêu âm thường xuyên hơn để được theo dõi, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Bên cạnh đó, để hạn chế diễn tiến của bệnh tiền sản giật, thai phụ cần:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nằm nghỉ ngơi thường xuyên với tư thế nghiêng về phía bên trái.
  • Kiểm tra nước tiểu theo hướng dẫn bác sĩ.
  • Báo cho bác sĩ biết nếu gặp phải tình trạng bị sưng tay, chân, mặt, thị lực thay đổi, đau đầu hoặc đau bụng dữ dội.
  • Đến bệnh viện ngay nếu bị tăng cân đột ngột vượt quá 1kg trong vòng 24 giờ.

5.1 Cần phòng ngừa chứng tiền sản giật

  • Phụ nữ nên lên lịch khám thai sản định kỳ ngay từ sớm để có thể phát hiện những nguy cơ của tiền sản giật.
  • Nên chú ý tránh các nguy cơ có thể dẫn đến chứng tiền sản giật thai kỳ như: Không có con quá sớm hoặc quá muộn, không làm việc nặng nhọc, quá sức trong thời gian mang thai...
  • Cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Vì tiền sản giật là biến chứng nguy hiểm nhất trong quá trình mang thai và chỉ được phát hiện thông qua khám thai định kỳ, do đó mẹ nhớ đừng bỏ lỡ bất kỳ cuộc hẹn nào với bác sĩ trong giai đoạn thai kỳ, mẹ nhé!

Bình luận