Xử lý khi trẻ bị chảy máu cam theo hướng dẫn của bác sĩ

( VOH ) - Khi thấy trẻ bị chảy máu cam đột ngột thì nhiều bậc cha mẹ đã vô cùng bối rối và lo lắng vì không biết xử trí sao cho đúng cách.

Thắc mắc của thính giả

Chào bác sĩ,

Bé nhà em năm nay được 9 tuổi, nhưng bé thường xuyên bị chảy máu cam. Bác sĩ cho em hỏi, liệu tình trạng này xảy ra liên tục thì có bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé hay không và có thể xử lý bằng cách nào? Mong bác sĩ có thể tư vấn giúp em ạ!

cach-xu-ly-khi-tre-bi-chay-mau-cam-theo-chia-se-tu-bac-si-voh

Trẻ bị chảy máu cam xử lý như thế nào mới đúng cách và khoa học? (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Vũ Quang Vinh (Khoa Nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc) tư vấn tình trạng trẻ bị chảy máu cam:

Chào chị,

Thực tế, chảy máu cam là một hiện tượng rất thường gặp ở lứa tuổi trẻ bắt đầu đi học, bởi vào thời điểm này, các hệ mạch máu trong đường mũi của bé phát triển rất mạnh và nhanh. Khi các hệ mạch máu này giao thoa lại với nhau sẽ tạo thành những vùng chứa rất nhiều mạch máu nhỏ.

Những vùng mạch máu này khi gặp điều kiện bất lợi như vào mùa cảm cúm như hiện nay, trẻ thường bị ho nhiều, hắt hơi, sổ mũi... hoặc những trẻ ở trong phòng máy lạnh quá nhiều sẽ khiến cho niêm mạc mũi khô và từ đó rất dễ xảy ra tình trạng chảy máu cam.

Khi thấy trẻ bị chảy máu cam thì có rất nhiều bậc phụ huynh lại vô cùng hoảng hốt. Tuy nhiên, trong trường hợp này cha mẹ cần phải hết sức bình tĩnh và xử lý đúng cách.

  • Đầu tiên cần cho để trẻ cúi mặt về phía trước hoặc cúi xuống đất để xác định bên chảy máu.
  • Tiếp theo, dạy cho trẻ cầm máu bằng cách dùng một ngón tay (thông thường là ngón tay trỏ) ấn mạnh vào cánh mũi bên chảy máu và ép sát vào vách mũi, ít nhất trong khoảng thời gian từ 15 – 20  phút để máu ngừng chảy. Sau đó cho trẻ nằm nghỉ ngơi.
  • Cha mẹ cũng có thể cải thiện tình trạng chảy máu cam ở trẻ như: cho bé uống thuốc ho, vệ sinh mũi cho sạch... Nếu phòng bé sử dụng máy lạnh, khiến độ ẩm phòng xuống thấp thì cha mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm để môi trường đỡ bị khô.

Lưu ý: Người bị chảy máu cam không nên ngửa mặt lên trời vì như thế máu sẽ chảy xuống cổ họng đi xuống bao tử, gây nôn ói và lúc đó sẽ không thể phân biệt máu nôn ra là do bị nôn ra máu hay do chảy máu cam. Nếu máu chảy xuống họng,hãy cho trẻ nằm nghiêng và nói trẻ dùng lưỡi đẩy máu ra sau 2 - 4 phút để theo dõi lượng máu mất.

Trong trường hợp, trẻ bị chảy máu cam thường xuyên kèm theo các triệu chứng như xuất huyết, nôn ra máu, sốt cao liên tục, hoa mắt, choáng váng, tim đập nhanh... thì cha mẹ nên đưa đi đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xem bé có bị rối loạn đông máu hay các vấn đề nào khác hay không.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Vũ Quang Vinh tại audio bên dưới:

Bình luận