Những điều cha mẹ cần biết khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa

(VOH) - Rối loạn tiêu hóa ở là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hậu quả của chứng rối loạn tiêu hóa có thể khiến trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Một nghiên cứu mới được thực hiện tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát trên 1.000 bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi từ 0 - 5 tuổi ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ cho thấy, có đến 93% các bà mẹ nhận thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, diễn ra vào những năm đầu đời.

1. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là gì ?

Rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở trẻ, đặc là những bé trong giai đoạn những năm đầu đời. Đây là một thuật ngữ y khoa dùng để chi những bất thường ở đường tiêu hóa của trẻ dẫn đến các hiện tượng như: tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày, đầy hơi, chướng bụng…

2. Nguyên nhân nào dẫn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

Theo bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Hạnh Lê – Khoa Nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị rối loạn tiêu hóa gồm có:

  • Sức đề kháng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn khá yếu khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài.
  • Trẻ dùng kháng sinh quá nhiều, tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại trong hiệu tiêu hóa gây ra tình trạng phân sống, tiêu chảy…
  • Chế độ dinh dưỡng của trẻ không hợp lý như cho trẻ ăn dặm quá sớm, chế độ ăn không cân bằng, ăn thức ăn không được vệ sinh…
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa do ảnh hưởng tâm lý tiêu cực như: căng thẳng, lo lắng, bồn chồn…
  • Môi trường sống của trẻ không được vệ sinh cũng có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

3. Những ảnh hưởng có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Bác sĩ Hạnh Lê cho biết, đối với trẻ nhỏ sức đề kháng của trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện. Thế nhưng, chính vì sức đề kháng của trẻ chưa được hoàn thiện, các vi khuẩn có lợi hoạt động chưa hiệu quả nên rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu hóa ở trẻ em.

Ngoài ra, những trường hợp mẹ cho bé ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện thì có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như nôn, ói, tiêu chảy, trẻ không hấp thu được thức ăn dẫn đến suy dinh dưỡng,…

Trong trường hợp trẻ bị vi khuẩn tấn công khi đường ruột quá yếu có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng, gây ra ngộ độc thức ăn. Nếu không được khám và điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.

khi-tre-bi-roi-loan-tieu-hoa-cha-me-phai-lam-sao-VOH

Ăn dặm không đúng thời điểm cũng khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa (Nguồn: Internet)

4. Ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa cho trẻ bằng cách nào?

4.1 Tiêm vắc-xin ngừa virus rota

Theo bác sĩ Hạnh Lê, để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa thì người mẹ trong giai đoạn mang thai cần tiêm phòng đầy đủ, đồng thời trẻ vừa được sinh ra cũng cần phải được tiêm phòng để phát huy các tác dụng phòng ngừa bệnh tật.

Chúng ta đều biết rằng, phần lớn trẻ bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa là do virus rota gây ra. Thế nhưng, rất may là hiện nay chúng ta đã có vắc-xin chống lại loại virus này. Mặc dù loại thuốc này vẫn chưa nằm trong chương trình quốc gia, tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể tự chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng khi bé được 2 tháng tuổi trở lên.

khi-tre-bi-roi-loan-tieu-hoa-cha-me-phai-lam-sao-1-VOH

Tiêm vắc-xin cho trẻ đầy đủ là cách giúp bé phòng ngừa bệnh tật (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp trẻ bị bệnh cần dùng kháng sinh thì cha mẹ cần tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ về số lượng, liều dùng, cách dùng. Không được tự ý ngưng cho trẻ uống kháng sinh vì có thể dẫn đến tình trạng lờn thuốc sau này.

4.2 Cần lưu ý đến vấn đề ăn dặm ở trẻ

Như bác sĩ Hạnh Lê có chia sẻ, ăn dặm sai thời điểm, sai cách là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Do đó, cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm là yếu tố giúp trẻ không bị chứng rối loạn tiêu hóa.

Quá trình tập cho trẻ ăn dặm cũng phải được thực hiện từng chút một, việc cho trẻ ăn dặm vội vàng có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí trẻ sẽ không còn hứng thú trong việc ăn uống dẫn đến biếng ăn, suy dinh dưỡng.

Hiện nay, theo các khuyến cáo y khoa, trẻ chỉ nên ăn dặm khi đã được 6 tháng tuổi. Việc cho trẻ ăn dặm sớm hơn thời gian trên sẽ không mang lại nhiều hiệu quả do đường ruột trẻ chưa thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng có trong thức ăn.  

4.3 Cung cấp men vi sinh cho trẻ đúng cách và khoa học

Theo nguyên tắc, việc bổ sung men vi sinh cho trẻ tại thời điểm trẻ bị rối loạn tiêu hóa là cần thiết và có lợi. Dùng nhiều men vi sinh cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ lạm dụng men vi để bé được khỏe mạnh, phát triển thì hoàn toàn không đúng, vì bên cạnh lợi khuẩn thì cơ thể trẻ  cũng cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác như vitamin, canxi, đạm, đường, chất béo, chất đường bột… thông qua các hình thức ăn uống, vận động khác để cơ thể trẻ phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, một trong những cách giúp phòng ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em chính là hãy tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái để trẻ có thể ăn uống một cách hào hứng và ngon miệng nhất.

Bạn có thể nghe lại những trao đổi của bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê tại audio bên dưới:

Bình luận