Trẻ bị sốt phát ban: Dấu hiệu dễ nhận biết và cách chăm sóc tại nhà

(VOH) – Sốt phát ban là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị phát ban do sốt nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách rất dễ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.

1. Sốt phát ban ở trẻ em là gì?

Sốt phát ban là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bệnh thường gây ra hiện tượng nóng sốt và cơ thể sẽ xuất hiện những nốt ban, kèm theo mệt mỏi, ngứa ngáy. Thông thường, cơ thể trẻ sẽ bị phát ban sau sốt khoảng 2 – 3 ngày.

Trẻ em có thể bị phát ban đỏ do sốt ít nhất là một lần, thậm chí là nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Mặc dù vậy, phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt phát ban thường không gây ra nhiều ảnh hưởng nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tự lành sau 5 – 7 ngày.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây sốt cao và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác chẳng hạn như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não....

2. Nguyên nhân trẻ bị phát ban do sốt

Trẻ em bị phát ban do sốt hầu hết là do nhiễm virus (70 – 80%), trong đó virus đường hô hấp luôn chiếm đa số, bao gồm: virus sởi, virus gây bệnh rubella, adenovirus, echo virus, nhóm enterovirus... Trong đó, sốt phát ban do virus sởi và virus gây bệnh rubella chính là 2 nguyên nhân thường gặp nhất (bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh rubella gọi là ban đào).

Sốt phát ban ở trẻ em là bệnh rất dễ lây, nhất là trong những môi trường có tính tập thể như: nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo... Vì bệnh lây chủ yếu thông qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chảy mũi làm văng những giọt nước li li, người khác vô tình hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

3. Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị sốt phát ban

Các triệu chứng trẻ em bị sốt phát ban thường thể hiện ra từ 1 đến 2 tuần sau khi mắc bệnh. Đôi khi, các dấu hiệu có thể không thấy hoặc triệu chứng nhẹ. Những biểu hiện của bệnh có thể bao gồm:

  • Sốt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, trẻ có thể bị sốt cao trên 39 độ C ngay khi nhiễm bệnh. Ngoài sốt, trẻ còn có thể bị viêm họng, sổ mũi, ho. Các hạch bạch huyết cũng bị sưng lên ở phần cổ của trẻ. Tình trạng sốt kéo dài từ 3 – 5 ngày.
  • Phát ban: Trong phần lớn các trường hợp, trẻ sẽ bị phát ban theo sau những cơn sốt. Da trẻ sẽ xuất hiện các đốm đỏ nhỏ bằng hoặc bị sưng lên. Một số đốm có thể có một vòng màu trắng bao quanh nó. Vùng da trẻ bị phát ban sẽ lan rộng từ từ, bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ và cánh tay... và cuối cùng bé sẽ bị phát ban khắp người. Sau đó các nốt phát ban sẽ lặn xuống và kèm theo ngứa ngáy, khiến trẻ khó chịu.

tre-bi-phat-ban-do-sot-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-cham-soc-tai-nha-oh

Vùng da trẻ phát ban sẽ lan rộng từ từ và gây ngứa ngáy khó chịu (Nguồn:Internet)

Một số dấu hiệu và triệu chứng khác:

  • Tiêu chảy nhẹ.
  • Chán ăn.
  • Có thể bị sưng mí mắt.

2.1 Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị sốt phát ban có những dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ sốt cao trên 39.4 độ C và tình trạng sốt phát ban kéo dài trên 7 ngày.
  • Thay đổi tri giác: lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê.
  • Trẻ thở mệt, thở nhanh, khó thở.

3. Cách chăm sóc trẻ bị phát ban do sốt tại nhà

Sốt phát ban ở trẻ nhỏ thường là lành tính, tuy nhiên, cha mẹ cũng cần biết cách nhận biết các dấu hiệu để có thể chăm sóc cũng như sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị nếu không thể tự chăm sóc đúng cách tại nhà.

tre-bi-phat-ban-do-sot-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-cham-soc-tai-nha-1-voh

Trẻ bị sốt phát ban có thể chăm sóc tại nhà cha mẹ nếu biết cách chăm sóc (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp muốn chăm sóc trẻ bị phát ban do sốt tại nhà, cha mẹ cần nhớ một số nguyên tắc chăm sóc như sau:

  • Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Nếu trẻ sốt từ 38 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần.
  • Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ: Khi trẻ ho nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược để làm dịu tình trạng sưng viêm, đau ở cổ họng. Lưu ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
  • Làm thông mũi trẻ bằng dung dịch nước muối pha loãng và khăn giấy mềm.
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Trẻ ăn uống quá khó khăn phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi trên giường đến khi bệnh khỏi hẳn.
  • Giữ vệ sinh da luôn sạch và khô thoáng thông qua việc tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày.
  • Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ bị co giật do sốt cao.

Nếu tình trạng sốt phát ban của trẻ không thuyên giảm, trẻ có những biểu hiện bất thường như hôn mê, co giật... cha mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

4. Phòng ngừa sốt phát ban cho trẻ bằng cách nào?

Sốt phát ban rất dễ lây lan trong các môi trường như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học. Vì thế, cha mẹ cần cách ly và để trẻ ở nhà khi trẻ bị bệnh.

Hiện chưa có vắc-xin phòng sốt phát ban. Tuy nhiên đã có vắc-xin phòng bệnh sởi và rubella, vì thế cha mẹ có thể đưa bé đi chích ngừa nếu bé nằm trong độ tuổi có thể chích ngừa. Ngoài ra, để phòng tránh bệnh cha mẹ không nên để trẻ tiếp xúc với người bệnh.

Nên cho trẻ ăn nhiều loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus.

Cùng với sốt phát ban, sốt xuất huyết hay sốt siêu vi cũng là những loại sốt rất dễ mắc phải ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Vì thế, cha mẹ cần chú ý đến việc chăm sóc trẻ, tìm hiểu các biện pháp để có thể chủ động phòng ngừa kịp thời.

Bình luận