Hiểu đúng về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em

Viêm da cơ địa là căn bệnh khá phổ biến, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp nhiều nhất là ở trẻ em.

Trẻ em trong những năm đầu đời thường hay gặp phải tình trạng ngứa ngáy ngoài da, nổi mẩn đỏ, khiến cho cha mẹ vô cùng lo lắng. Khi đi thăm khám lại được bác sĩ chẩn đoán bị viêm da cơ địa. Vậy viêm da cơ địa là như thế nào, căn bệnh này có gây nguy hiểm không, phòng tránh ra sao để đảm bảo cho sức khỏe của bé…?

Những thắc mắc xoay quanh chủ đề này sẽ được Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Viêm da cơ địa là gì ?

Viêm da cơ địa còn được gọi là chàm da, chàm thể tạng, đây là một dạng viêm da dị ứng. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em sau đó kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Một số ít trường hợp bệnh còn xuất hiện ở cả người lớn.

Bệnh viêm da cơ địa được chia thành 2 cấp độ là viêm da cơ địa cấp tính và viêm da cơ địa mãn tính:

  • Viêm da cơ địa cấp tính: Đặc trưng của bệnh là những đốm ban đỏ hình tròn, bong trợt da, trên bề mặt da có mụn nước, phù nề và ở giai đoạn này trẻ thường rất ngứa.
  • Viêm da cơ địa mãn tính: Là sự xuất hiện những đốm sẩn đỏ rất dày và sần, dẫn đến bong vảy, gây rối loạn sắc tố da, kèm theo hiện tượng chảy nước vàng cực kỳ khó chịu.

Viêm da cơ địa thường không gây ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là trẻ em.

hieu-dung-ve-benh-viem-da-co-dia-o-tre-em-VOH

Viêm da cơ địa ở trẻ có thể do di truyền hoặc do cơ địa (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em

Theo thống kế của ngành Da Liễu, có khoảng 60% trẻ sơ sinh đến 1 tuổi gặp phải tình trạng viêm da cơ địa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da cơ địa thường bắt nguồn từ các yếu tố như:

  • Do di truyền: Trong gia đình cho cha hoặc mẹ bị bệnh chàm da, viêm da… thì khả năng cao trẻ sinh ra cũng sẽ mắc phải những căn bệnh này.
  • Do cơ địa: Những người có cơ địa dịa ứng khi gặp phải các tác nhân gây nên bệnh viêm da sẽ kích bệnh phát triển nặng hơn thành viêm da thể cấp tính, mạn tính.
  • Do sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt là vào mùa lạnh

3. Những biểu hiện gây nên tình trạng viêm da cơ địa

Chia sẻ từ bác sĩ Hạnh Lê, viêm da cơ địa có biểu hiện bên ngoài thường khá giống với một số căn bệnh ngoài da nên khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn.Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ cha mẹ vẫn có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh như:  

  • Trẻ vừa mới sinh ra cha mẹ sẽ thấy da trẻ bị khô, nhám. Vị trí da nhám nhiều nhất là ở đầu gối, mắc cá chân, vùng bụng, mặt.
  • Khi trẻ được 3 – 6 tháng tuổi xuất hiện những mảng đỏ phồng ở mặt, 2 bên má. Những mảng này sau đó sẽ khô, trầy và rỉ nước, gây ngứa ngáy cho trẻ.
  • Từ 6 tháng – 1 tuổi: Các triệu chứng như trên sẽ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khi bé được 1 tuổi thì những triệu chứng bệnh viêm da cơ địa lại giảm dần đi, do hệ miễn dịch của cơ thể trẻ đã có thể chống đỡ được 1 phần.
  • Trẻ từ 1 tuổi – 2 tuổi: Biểu hiện bệnh sẽ còn rất ít.
  • Khi trẻ được 3 tuổi thì gần như tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ không còn nữa.

Bác sĩ cũng cho biết thêm, 90% trẻ bị viêm cơ địa dị ứng sẽ khỏi hoàn toàn khi trẻ được 3 tuổi. Da trẻ sẽ không để lại sẹo hay bất kỳ một dấu vết của bệnh. Tuy nhiên, với những bé này sẽ tiềm ẩn những bệnh lý về dị ứng như: viêm xoang, suyễn, nổi mề đay …

4. Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em bằng cách nào ?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, bệnh viêm da cơ địa sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu như nó không bị bội nhiễm hay nhiễm trùng vào máu.

Do đó, cha mẹ không nên nghe theo và sử dụng các biện pháp dân gian như tắm lá ổi, bôi thuốc mỡ, thuốc xanh, thuốc đỏ… lên da trẻ đang bị viêm da, bởi sử dụng các biện pháp này có thể sẽ khiến bệnh ngày càng nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng da.

Đối với những trẻ bị viêm da cơ địa thì cách điều trị tốt nhất cho trẻ chính là chăm sóc da cho trẻ, cha mẹ nên giúp trẻ giữ ẩm da thật tốt. Vì tình trạng này thường khiến trẻ khô da, gây ngứa ngáy. Nếu da trẻ được giữ ẩm tốt, da sẽ mềm hơn, từ đó giúp trẻ bớt khó chịu, ngứa ngáy hơn.

hieu-dung-ve-benh-viem-da-co-dia-o-tre-em-1-VOH

Giữ ẩm tốt làn da của trẻ để giúp trẻ không bị ngứa ngáy (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải lưu ý để những vấn đề sau đây:

  • Khi lựa chọn các loại mỹ phẩm dưỡng da, cha mẹ nên chọn loại sản phẩm dành riêng cho da mẫn cảm,  không nên sử dụng các loại sản phẩm có mùi thơm.
  • Với quần áo mới mua về cần đem giặt sạch trước khi cho bé mặc.

Với những trường hợp bé bị viêm da cơ địa nặng thì cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều điều trị thích hợp.

Bệnh viêm da cơ địa có thể được điều trị  bằng các loại thuốc kháng viêm, tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên lạm dụng thuốc kháng viêm để chữa trị cho trẻ vì điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của bé về sau.

5. Phòng tránh bệnh viêm da cơ địa ở trẻ bằng cách nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, với những trường hợp viêm da cơ địa do di truyền thì không thể phòng ngừa được. Còn với những trẻ bị viêm da cơ địa do dị nguyên (cơ địa) thì cha mẹ có thể chủ động phòng ngừa bằng cách cho trẻ thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị ứng ở trẻ.

Tìm và loại trừ được các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp trẻ phòng ngừa được căn bệnh này một cách tốt hơn. Việc xác định các yếu tố gây bệnh có thể thông qua khai thác tiền sử bệnh hoặc thực hiện xét nghiệm dị ứng tại các cơ sở y tế, để các bác sĩ sẽ có thể đưa ra được những lời khuyên tốt nhất cho bệnh nhân.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện với bác sĩ tại audio bên dưới:

Bình luận