Chờ...

10 mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa

VOH - Hóa đơn tiền điện tăng cao khi sử dụng điều hòa khiến nhiều người lo lắng. Áp dụng ngay các mẹo dưới đây để tiết kiệm một khoản tiền điện mỗi tháng nhé!

1. Không để nhiệt độ dưới 25 độ C

Nhiều người thường có thói quen giảm điều hòa xuống mức 16 - 18 độ C để làm mát nhanh chóng. Thế nhưng, mỗi khi giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng. Ngoài gây lãng phí điện, thói quen này còn khiến thiết bị hoạt động quá tải và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

10 mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa 1
Mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa - Ảnh: Allied Experts

Để tiết kiệm điện, hãy khởi động điều hòa ở mức nhiệt 23 - 24 độ C, sau đó tăng dần lên mức mong muốn. Trong đó, 26 - 28 độ C là mức nhiệt tối ưu cho sức khỏe lẫn ví tiền của bạn. 

Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp. Cách này giúp tiết kiệm khoảng 2 - 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn. 

2. Không bật tắt liên tục và nhớ ngắt Aptomat

Thêm một thói quen sai lầm mà nhiều người mắc phải là để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng mát thì tắt điều hòa rồi bật quạt, đến khi cảm thấy nóng lại bật điều hòa. Hành động này không chỉ khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt, mà còn khiến điều hòa nhanh hỏng. 

Mỗi lần khởi động, điều hòa phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để bật máy nén, động cơ quạt và làm lạnh không khí đến mức nhiệt yêu cầu. Thao tác Bật/Tắt liên tục cũng khiến điều hòa giảm độ bền. 

Theo các chuyên gia, trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, hãy tắt máy điều hòa.

Sau khi tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, hãy tắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy). Bởi trên thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ điện ngầm.

3. Đóng kín các cửa, khe hở, không mở cửa thường xuyên

Khi sử dụng điều hòa, cần đóng kín cửa phòng, bịt các khe hở để tránh làm thất thoát nhiệt. 

Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách ra bên ngoài, đặt tay vào các khe hở của cửa. Nếu cảm thấy tay mát thì chắc chắn không khí trong nhà bị lọt ra ngoài. Vì vậy, hãy bịt kín các kẽ hở bằng băng keo hoặc nhờ thợ đến để kiểm tra, xử lý. 

Khi đi ra ngoài cũng không nên để cửa mở hoặc đóng mở cửa thường xuyên. Việc ra vào nhiều lần không đóng kín cửa là cơ hội để khí nóng bên ngoài xâm nhập vào bên trong, làm nhiệt độ tăng lên, khiến điều hòa phải hoạt động nhiều hơn để trở về nhiệt độ mong muốn. 

Ngoài ra, cần che kín phòng bằng rèm vải dày. Bởi rèm có tác dụng ngăn chặn ánh sáng chiếu trực tiếp vào căn phòng, giảm nhiệt độ bên trong, đồng thời cũng ngăn cách cửa sổ, tránh không khí trong nhà thất thoát ra ngoài.

4. Lắp điều hòa ở vị trí hợp lý

Để điều hòa mát, bền và tiết kiệm điện, dàn nóng nên được lắp ở khu vực thoáng khí, râm mát. Nếu đặt dàn nóng ở nơi bí bách sẽ khiến hơi nóng khó thoát, gây lãng phí điện năng.

10 mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa 2
Lắp đặt điều hòa ở vị trí thích hợp - Ảnh: Cielo WiGle

Không nên lắp dàn lạnh ở những nơi dễ thoát khí như cửa ra vào, cửa sổ. Phòng có cửa kính cũng khiến máy tốn nhiều điện năng để làm lạnh. Do đó, bạn nên thả rèm khi dùng điều hòa. 

Nếu điều hòa bị che khuất hay bị chắn bởi các vật dụng trong phòng sẽ làm luồng khí lạnh không thể trực tiếp tỏa tới nơi bạn mong muốn.

5. Hẹn giờ tắt 

Hãy sử dụng chế độ hẹn giờ của máy điều hòa để lựa chọn thời gian tắt, nhất là vào ban đêm. Việc này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, mà còn tiết kiệm điện rất hiệu quả. 

6. Không sử dụng điều hòa 24/24

Không nên bật điều hòa 24/24, kể cả vào những ngày nắng nóng. Trong môi trường điều hòa, không khí không được lưu thông, độ ẩm trong phòng bị giảm đi khá lớn, dễ khiến cơ thể mất nước, khô da, khô tuyến hô hấp… 

Thêm vào đó, việc bật máy lạnh cả ngày khiến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, chi tiết máy bên trong cũng bị hao mòn, làm giảm tuổi thọ sản phẩm.

Vì vậy, hãy dùng quạt thay cho điều hòa vào những lúc thời tiết không quá nóng để vừa tiết kiệm điện, vừa giúp không gian thông thoáng hơn. 

7. Sử dụng chế độ "Dry"

Dùng điều khiển để chuyển từ chế độ lạnh “Cool” (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết” sang chế độ “Dry” (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước). Thao tác đơn giản này sẽ giúp giảm đáng kể công suất tiêu thụ điện của điều hòa, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không chênh lệch lớn với nhiệt độ bên ngoài.

Phương pháp này giúp tiết kiệm điện bởi khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiêu thụ cho hoạt động này là khá nhiều.

Trong khi đó, nếu ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.

Lưu ý, chỉ nên sử dụng chế độ Dry khi nhiệt độ bên ngoài không quá chênh lệch với nền nhiệt trong nhà, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng chế độ Dry khi nhiệt độ bên ngoài không quá 34 độ C.

8. Điều chỉnh hướng gió và kết hợp với quạt công suất nhỏ

Để rút ngắn thời gian làm mát của điều hòa, bạn có thể điều chỉnh hướng gió cho phù hợp với không gian, đồng thời sử dụng thêm quạt để phân bố hơi lạnh đều hơn. Nhờ đó, khí lạnh có thể đến tận các ngõ ngách trong phòng, điều hòa nhanh chóng đạt nền nhiệt ổn định và tiết kiệm điện hơn.

10 mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa 3
Kết hợp điều hòa với quạt công suất nhỏ - Ảnh: The Build with Ferguson

9. Xem chỉ số tiết kiệm điện trên tem năng lượng

Để minh bạch thông số máy, Bộ Công Thương yêu cầu nhà sản xuất dán nhãn năng lượng màu xanh, ghi rõ số sao năng lượng từ 1 đến 5 (trong đó mức 5 là tiết kiệm điện nhất). 

Nếu thiết bị đạt mức sao năng lượng như nhau, người mua có thể xem thêm chỉ số hiệu suất năng lượng (CSPF) trên tem. Chỉ số này càng cao thì máy càng tiết kiệm điện.

10. Thường xuyên bảo trì và vệ sinh máy

Người dùng nên vệ sinh lớp lọc bụi trên dàn lạnh 2 tuần/lần sẽ giúp tiết kiệm điện từ 15 - 20%. Sau 6 tháng, máy điều hòa nên được vệ sinh chuyên sâu, cả dàn nóng và dàn lạnh. 

Bình luận