Chờ...

Bảo quản cồn trong gia đình ra sao để đảm bảo an toàn?

(VOH) - Để sát trùng tay, chân, nhà cửa, đồ dùng trong mùa dịch, không ít gia đình đã tích trữ khá nhiều cồn, mà không quan tâm tới những nguy cơ do cồn gây ra.

Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, gia đình anh G.P – Thành phố Thủ Đức bắt đầu có thói quen dự trữ cồn để diệt khuẩn.

Vốn kỹ tính, anh dùng cồn để xịt tay khi đi từ ngoài về, dùng cồn để lau các tay nắm cửa, thậm chí dùng cồn xịt mọi loại túi đựng thực phẩm, rau củ khi mang về nhà. Do dùng nhiều, anh luôn trữ trong nhà can lớn 10 lít. Khi hết thì sớt ra chai, pha loãng và sử dụng.

Anh G.P cho biết: “Các đợt dịch trước, mấy đồ y tế như khẩu trang, cồn sát khuẩn thường khó mua nên khi nhờ được người quen mua giùm, lúc nào mình cũng mua cả can lớn 10 hoặc ít nhất là 5 lít. Ngoài ra, mua nhiều, giá thành cũng rẻ hơn so với mua lẻ. Do dịch bệnh kéo dài nên việc mua như vậy tiết kiệm hơn”.

cồn sát khuẩn, pccc
Cồn sát khuẩn được bày bán tại các cửa hàng (Ảnh: M.N.)

Cách sử dụng cồn của anh G.P cũng là cách làm chung của không ít gia đình trong mùa dịch. Thực tế, nhiều người chỉ nghĩ đơn thuần về việc trữ cồn để dùng dần chứ không để ý tới các vấn đề an toàn, cháy nổ nếu bảo quản không đúng cách.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM: Việc trữ cồn không đúng cách sẽ gây ra nguy cơ mất an toàn như dễ cháy, gây cháy lan, ảnh hưởng tới những người sử dụng, nhất là tại các gia đình có không gian nhỏ, hẹp.

Thực tế, cồn được bán trên thị trường hiện nay (thường là cồn 90 độ) là một chất được kết hợp ethanol 96% và nước tinh khiết tạo thành. Loại cồn này có khả năng diệt vi khuẩn, virus và các loại nấm mốc khá tốt.

Cồn ethanol (70 – 90%) được chỉ định dùng để sát trùng vết thương ngoài da và khử trùng các dụng cụ y tế đã qua sử dụng. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhu cầu xịt khuẩn, diệt khuẩn tăng lên khiến cồn được sử dụng phổ biến hơn, nhất là tại các nhà dân. Cồn được ưa chuộng bởi dễ pha, dễ dùng, giá thành rẻ hơn nhiều so với các dung dịch diệt khuẩn, nước rửa tay khô trên thị trường.

Tuy nhiên, cồn bản chất là một chất dễ cháy nên việc lưu trữ và sử dụng cũng cần tuân theo các quy tắc nhất định để đảm bảo an toàn cho người xung quanh.

Bảo quản cồn như thế nào là an toàn?

Tại các cơ sở sản xuất, buôn bán, việc về cất, trữ cồn, hóa chất có những nguyên tắc riêng, theo quy định của pháp luật. Tại các gia đình, việc cất trữ cồn cần chú ý một số điểm sau – theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM:

Cồn dạng lỏng chứa ethanol (từ 50 độ trở lên) là chất dễ cháy và dễ bắt lửa. Nó hầu như không gây nổ nhưng rất dễ cháy lan và cháy lan nhanh khi ở dạng lỏng, gây thiệt hại về tài sản và con người nếu không bảo quản đúng cách.

Do đó, người dùng phải chú ý:

  • Cồn cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh lửa và ánh nắng mặt trời.
  • Cất, trữ các can/chai cồn xa bếp, khu vực đun, nấu; tránh xa các nguồn gây cháy và các nguồn nhiệt khác..
  • Nên dán nhãn trên các can, chai đựng cồn để tránh nhầm lẫn.
  • Cồn 90 độ cần phải được để xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi để tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra.

Cách xử trí cháy cồn

Cồn ethanol cháy tạo ra ngọn lửa màu xanh lam, không có khói, có thể không nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng bình thường. Khi xảy ra cháy cồn ở quy mô nhỏ tại nhà, chỉ sử dụng bột hóa chất khô, cát hoặc đất để dập lửa. Không nên đổ nước vào đám cháy cồn để dập lửa vì dễ gây cháy lan.

Bỏng do loại cồn này thường để lại những vết thương sâu, dễ gây biến chứng. Nên khi gặp phải tình huống bỏng do cồn cần sơ cứu theo những chỉ dẫn sau đây:

  • Đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, loại bỏ tác nhân gây bỏng. Phải tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, ủng, vòng, nhẫn… trước khi vết bỏng sưng nề.
  • Giữ sạch vùng bỏng. Để tránh nhiễm khuẩn không được bôi dầu, mỡ… lên vùng bỏng; Không làm vỡ các đám da phỏng nước; Không được bóc da hoặc mảnh quần áo dính vào vết bỏng; Có điều kiện thì phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn nếu không thì dùng vải sạch.
  • Cách cấp cứu tốt nhất vẫn là nước lã dội liên tục trong 20 – 30 phút, sau đó dùng băng ép và đưa đến cơ sở y tế. Nếu quãng đường đến viện xa thì có thể bù dịch cho bệnh nhân bằng uống nước orezon để tránh sốc.
Bình luận