Chờ...

Câu chuyện của người lính Điện Biên năm xưa vẫn vang vọng

VOH - Những nhân chứng lịch sử kể lại câu chuyện hào hùng 70 năm trước của chiến trường Điện Biên Phủ đã đi vào huyền thoại.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và hưởng ứng “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ 3 năm 2024, ngày 19/4/2024, Ban Đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM tổ chức buổi giao lưu chủ đề "Ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và giao lưu chiến sĩ Điện Biên kể chuyện".

z5364918315440_68d9636a96d281e5224519089ba31ea6
Các cựu chiến binh giao lưu tại buổi lễ - Ảnh: Nguyễn Á

Hơn 70 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn sống mãi trong ký ức của dân tộc Việt Nam. Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, người dân TPHCM có dịp được lắng nghe những nhân chứng lịch sử kể lại câu chuyện hào hùng của trận đánh đi vào huyền thoại.

Tham dự buổi giao lưu có các cựu chiến binh: Đại tá Trần Thịnh Tần, Đại tá Hoàng Ngọc Thương là Trưởng và Phó ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại TPHCM; Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung, chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM người có nhiều tác phẩm về Điện Biên.

Giọng nói đầy cảm xúc của hai vị cựu chiến binh Hoàng Ngọc Thương và Trần Thịnh Tần với những lời kể chân thực từ người trong cuộc đã giúp khán giả hiểu thêm về sức mạnh vĩ đại của khí phách Việt Nam trong cuộc chiến này.

Khi được hỏi về khó khăn của cuộc chiến, người lính Hoàng Ngọc Thương nhớ lại cảnh tượng anh em phải tháo gỡ súng pháo ra từng bộ phận, chặt nứa đan bè dọc theo con sông để vận chuyển vũ khí về chiến trường Điện Biên. "Việc vận chuyển pháo về rất gian khổ, chúng tôi phải đi trong những ngày rét mướt, bị vắt cắn, bị luồng nứa cắt. Anh em chặt luồng đã có người hy sinh. Nỗi khổ lớn nhất là mãi ở trong cảnh đạn lửa những ngày đấy, hy sinh nhiều đồng đội" - Ông nói trong nước mắt.

Ông Trần Thịnh Tần - cựu chiến sĩ phụ trách lương thực và hậu cần cũng kể về sự đoàn kết mật thiết giữa quân và dân trong cuộc chiến. "Dân Tây Bắc đã ủng hộ hơn 10 ngàn tấn nếp nương cho bộ đội trong cuộc chiến. Nhờ vậy, sau khi giành chiến thắng, chúng ta còn đủ gạo để cứu đói cho cả dân địa phương. Chúng tôi phải sống liền với rừng, với ruộng, với ngày với đêm. Có lúc cả tuần không rửa mặt. Nhưng tình thương của đồng bào đã giúp bộ đội vượt qua khó khăn" - Ông nói.

z5364918320105_751a032a6e16d204796146a8e0b7c3a2
Tặng hoa cho các cựu chiến binh tại buổi giao lưu - Ảnh: Nguyễn Á

Đại diện cho những cây bút viết về Điện Biên Phủ, Đại tá Đoàn Hoài Trung cho biết cuốn sách “Điện Biên Phủ Bản hùng ca còn mãi” là tập ký sự từ những nhân chứng sống đã chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Qua cuốn sách, mọi người được biết những câu chuyện thú vị ở chiến trường Điện Biên như đám cưới trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ba cây bưởi trước hầm Đại tướng, tác giả tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ chưa từng tới Điện Biên Phủ, ba anh em trai đất Hà thành đến với chiến dịch Điện Biên Phủ, hay việc đào hầm cho Sở chỉ huy chiến dịch độc đáo như thế nào và những chiến công của "dũng sĩ tay cụt" Hà Văn Nọa…

Câu chuyện về tình quân dân gắn bó đã làm dấy lên niềm tự hào dân tộc trong lòng người nghe. Cả buổi lễ như vỡ òa trong tiếng vỗ tay của khán giả khi hiểu rằng đằng sau chiến thắng vĩ đại không chỉ có công lao của quân đội anh hùng mà còn có sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân.

Dịp này, NXB Quân đội Nhân dân đã cho ra mắt bộ sách đồ sộ gồm hơn 30 đầu sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bao gồm hồi ký, hồi ức của các vị tướng lĩnh, những nghiên cứu phân tích về mặt trận, chiến lược cũng như những tác phẩm tái hiện chân thực cảnh ngộ của bộ đội, nhân dân trong chiến dịch lịch sử này.

Điển hình có thể kể đến các ấn phẩm "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử", "Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ", "Đại tướng Lê Trọng Tấn với Chiến dịch Điện Biên Phủ", "Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên", v.v... Tác phẩm mới của Nhà thơ Lão thành Hữu Thỉnh viết về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng nằm trong số các ấn phẩm mới ra mắt lần này.

Các cựu chiến binh Điện Biên Phủ sinh sống tại TPHCM ngày càng vơi dần do tuổi cao sức yếu. Đến với buổi giao lưu hôm nay là những nhân chứng quý báu của lịch sử, những người đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đây không chỉ đơn thuần là một buổi ra mắt sách, mà còn giúp gìn giữ những giá trị lịch sử hào hùng, để truyền cho thế hệ mai sau hiểu rằng nền tự do, hòa bình hôm nay có được nhờ biết bao xương máu và mồ hôi của các bậc tiền nhân.

Với những câu chuyện xúc động từ các chiến sĩ lão thành và sự ra mắt của bộ sách ý nghĩa, buổi lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện đáng nhớ, đánh dấu tình cảm sâu nặng của nhân dân với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Những giá trị lịch sử to lớn ấy sẽ mãi mãi được lưu giữ và tôn vinh qua các thế hệ mai sau.

Bình luận