Chờ...

Nhìn lại lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam

VOH - Nền báo chí cách mạng Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xây dựng và phát triển từ năm 1925 đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và phát triển đất nước.

Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị và mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng sau này.

Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí thực hiện công việc trọng đại này trên căn gác nhỏ thuộc khu phố buôn bán sầm uất ở trung tâm Quảng Châu. Đây cũng là nơi thành lập và là trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Lúc này, các số báo Thanh niên được thực hiện, nhân ra trên những bản bằng giấy sáp, rồi được chuyển bí mật về nước. Ở Việt Nam, tờ báo Thanh niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi chuyền tay cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới nhân dân.

Số đầu tiên của tờ Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được xuất bản ngày 21/6/1925, và tiếp tục xuất bản đều đặn hàng tuần. Với gần 90 số, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhân dân ta, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông Nông (1926), Báo Đường Kách Mệnh (1927). Ngày 1/10/1929, báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng ra số đầu tiên.

Tháng 8/1929, chi bộ An nam Cộng sản ở Thượng Hải ra báo Đỏ viết tay trên giấy sáp. Kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng và 2 tổ chức Cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

GỬI CHỊ THI 1
Ảnh minh họa

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 - qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự phát triển mạnh mẽ, đến nay là một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng ngoại ngữ, với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhằm nhiều loại đối tượng và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại.

Điểm đặc sắc của báo chí cách mạng Việt Nam là Diễn đàn của nhân dân. Báo chí thực hiện chức năng là diễn đàn của nhân dân không chỉ thể hiện ở chỗ đăng tải nhiều ý kiến độc giả, ý kiến của bạn nghe, xem đài, bình luận của người truy cập vì đây là điều kiện tiên quyết, mà báo chí còn phản ánh được thực chất ý chí, trí tuệ, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng.

Ngoài ra, báo chí cần tổ chức và khuyến khích nhân dân tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và góp phần thực thi chính sách pháp luật trong cuộc sống.

Báo chí rộng mở cho nhân dân tham gia cuộc đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và tham gia cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm, tiêu cực xã hội.

Năm nay, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023) nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra. Trong đó, tuần lễ Sách của Người làm báo chính thức được khai mạc tại Đường sách TPHCM. Đây là lần đầu tiên tại TPHCM có hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các tác phẩm sáng tác bởi lực lượng phóng viên, bởi các cơ quan báo đài trên cả nước tham gia. 

Tuần lễ trưng bày 291 ấn phẩm, là những trang viết mang đậm hơi thở thời cuộc, gắn liền với dòng chảy thời sự từ chất liệu sống của chính những người làm báo, góp phần đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam. 

Tuần lễ sách cũng nhằm hưởng ứng các đợt thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam phát động.

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức - cho biết sau khi kết thúc Tuần lễ hoạt động này, Ban tổ chức sẽ trao tặng số sách trưng bày đến Bảo tàng báo chí Việt Nam (Hà Nội) và Khoa báo chí, Đại học KHXH&NV TP.HCM để phục vụ nhu cầu tìm đọc và nghiên cứu của độc giả, giảng viên, sinh viên.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận định: Mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng và tôi tin rằng chúng ta sẽ nhìn thấy khía cạnh mới, sẽ tìm ra được nhiều giá trị, những cuốn sách giúp cho bạn đọc, người dân thành phố, người dân Việt Nam có được những kiến thức, ý tưởng hay. Mong rằng Tuần lễ sách của Người làm báo sẽ tiếp tục được duy trì hằng năm để giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm có giá trị.

Bình luận