Thiêng liêng Tết Độc lập 2/9

(VOH)-Người Việt Nam, dù là ai, đang ở đâu, ngày 2/9 trong tâm khảm mỗi người luôn là ngày đặc biệt: ngày “Nước Việt Nam từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (trích thơ “Đất nước” -Nguyễn Đình Thi).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 là sự kiện vĩ đại của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên ở đông nam châu Á, là thời khắc chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

thieng-lieng-tet-doc-lap-2-9-voh.com.vn-anh1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). (Ảnh tư liệu)

Bản tuyên ngôn được vang lên trong thời khắc lịch sử ngày này năm ấy, đã khái lược hơn 80 năm mất mát đau thương đến cùng cực của dân tộc trước ách thực dân, đế quốc và phong kiến và sự vùng lên của nhân dân giành quyền độc lập, để rồi kết thúc bằng lời tuyên bố trịnh trọng và thiêng liêng với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.

Những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập cũng là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật.

Tinh thần ngày 2/9 bất diệt ấy chính là khởi nguồn cho dòng chảy của tinh thần yêu nước cuộn trào mạnh mẽ trong lòng người dân nước Việt, là tiền đề quan trọng để đất nước can trường đi hết chặng đường thử thách còn dài đằng đẵng phía sau thời điểm 2/9/1945.

Giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập ngày ấy vẫn vẹn nguyên đến hiện tại, và cả tương lai. Tết Độc lập vì thế mang ý nghĩa nhắc nhớ nhau về nguồn cội, về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Muốn biết giá trị của hòa bình, hãy hỏi những người đã đi qua những cuộc chiến thảm khốc. Thế hệ hôm nay, dù không được sống trong không khí thiêng liêng ngày trời thu bừng sáng ấy vẫn có thể hình dung và tự hào về ngày Độc lập qua hồi ức của những người đương thời, qua những trang sử sách còn lưu.

Trong mỗi người dân đều cảm thấy tự hào trước những thành quả to lớn mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức đồng lòng xây dựng nên. Để rồi 76 năm qua, nhân dân ta đã nhẫn nại, bền bỉ xây dựng đất nước, hiện thực hóa ước vọng ấm no, hạnh phúc. Lời thề độc lập chính là nền tảng vững chãi để từ trong gian khó, thiếu thốn, đói nghèo và lạc hậu, bằng ý chí và niềm tin, bằng sự đoàn kết gắn bó toàn dân tộc, dân ta vươn lên thoát đói, khỏi nghèo, đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng no ấm.

Tết Độc lập năm nay đến trong bối cảnh thật đặc biệt. Trước trận chiến chống COVID-19 căng thẳng và đầy phức tạp, tình yêu nước, sự đồng lòng quyết tâm cao độ được đặt lên trên hết. Yêu nước là người dân ở yên, yêu nước là các bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế trở thành những “chiến binh” mạnh mẽ, là lực lượng quân đội, công an tăng cường về miền Nam tham gia chống dịch, các lực lượng thanh niên tình nguyện, phụ nữ, cựu chiến binh, dân quân, các tổ COVID-19 cộng đồng… kề vai sát cánh để bảo vệ và mở rộng những “vùng xanh”. Nhiều tổ chức, cá nhân, các nhóm thiện nguyện đóng góp công sức, tiền và hiện vật vào việc ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ những người xung quanh, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn do bị phong tỏa, cách ly. Yêu nước cần những hành động thiết thực và gần gũi, ai cũng làm được và làm ngay được.

Có thể nói lực lượng công an, quân đội chi viện miền Nam chống dịch Covid-19 những ngày qua là đợt ra quân chưa có tiền lệ trong lịch sử nhưng hết sức cần thiết vào lúc này. Nhiều người có thể chỉ nhìn thấy hình ảnh bộ đội “đi chợ hộ”, làm nhiệm vụ test nhanh COVID-19 tại các vùng đỏ nhưng những chiến sĩ cụ Hồ đang cáng đáng biết bao việc trong đợt dịch này.

thieng-lieng-tet-doc-lap-2-9-voh.com.vn-anh2
Học viên Học viện Quân y tiếp tục lên đường vào TPHCM và các tỉnh phía nam làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: baochinhphu)

Tính đến nay, đã có gần 2.000 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, học viên quân y tăng cường vào TPHCM hỗ trợ đợt thắt chặt giãn cách, nâng tổng số lực lượng quân y hỗ trợ TPHCM lên hơn 4.000 người. Lực lượng quân y được chia thành khoảng 400 tổ y tế lưu động. Mỗi tổ có 1-2 bác sĩ và 2-3 nhân viên quân y cùng các tình nguyện viên đến từng khu phố, hộ gia đình để thăm khám, chăm sóc người bệnh. Bộ Quốc phòng cũng chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông để điều trị bệnh nhân COVID-19; thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng thuộc Bệnh viện 175.

Quân đội tham gia các tổ, chốt, trạm kiểm soát cố định và cơ động. Bộ đội tham gia trực chốt, phối hợp cùng với công an, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, các lực lượng khác theo chức năng. Bộ đội cũng tham gia các tổ cơ động kiểm soát dọc tuyến giao thông, giữ gìn trật tự an ninh trong thực hiện giãn cách xã hội. Lực lượng vận tải quân sự giữ vai trò quan trọng trong việc cơ động lực lượng, trang bị phương tiện, lương thực thực phẩm... Tất cả các hình thức vận tải đều được sử dụng, kết hợp cả vận tải đường không, đường sắt, đường thủy, đường bộ, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, an toàn để hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh phía nam. Cán bộ, chiến sĩ quân đội vừa cung ứng nhu yếu phẩm, vừa thông tin, cập nhật chính sách, thông tin mới, hướng dẫn phòng, chống COVID-19 và giúp dân những việc cần thiết. Từ 9/7 đến 14/8, 43 chuyến xe đã vận chuyển hơn 8 triệu liều vaccine cho TPHCM.

Quân đội đã tham gia vào việc lo chuyện hậu sự cho những người không may qua đời vì COVID-19. Những người thân không thể có mặt ngay để lo hậu sự cho người đã mất vì dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy Bộ Tư lệnh TPHCM đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để giúp đỡ người dân thực hiện công việc nghĩa tình này. Đội công tác thay mặt gia đình thực hiện từ khâu khâm liệm đến lúc bàn giao tro cốt cho người nhà. Những gia đình chưa thể nhận tro cốt thì Bộ Tư lệnh TPHCM lưu giữ, hương khói đầy đủ, chu đáo cho đến khi trao tận tay cho gia đình.

Chúng ta tin tưởng rằng, dù trước mắt còn bộn bề khó khăn, thách thức, dù hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đang trải qua những ngày cam go, chống dịch như chống giặc nhưng chỉ cần trên dưới đồng lòng, cùng nhau chống dịch, ai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chặn đứng sự lây lan thì một ngày không xa, nếp sinh hoạt bình yên, quang cảnh nhộn nhịp sẽ trở lại trong đời sống xã hội.

Hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương và hạnh phúc của biết bao thế hệ cha anh. Cùng với niềm tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình, ngày Quốc khánh 2/9 cũng là lúc chúng ta đặt mình trong vai trò, trách nhiệm để cả nước sớm đón những ngày bình thường mới, dần tạo nên sự đổi thay, đất nước tiếp tục “vươn mình”.

Bình luận