Chờ...

Kinh tế xanh nhận được động lực từ Nghị quyết 98

VOH - Nghị quyết 98 vừa ban hành đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn cho TPHCM, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Thế giới đang ngày càng quan tâm đến môi trường. Các nền kinh tế lớn trên thế giới dần đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn liên quan đến môi trường áp cho các doanh nghiệp, công ty. Ngay cả các tập đoàn lớn cũng không tránh khỏi sự siết chặt này.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng nhận diện xu hướng này, ban hành nhiều quy định, chính sách thúc đẩy bảo vệ môi trường. TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, càng phải áp dụng mạnh mẽ hơn các quy định mới này.

TPHCM được xếp hạng cao về phát triển kinh tế xanh trong khu vực Đông Nam Á. Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc giảm ô nhiễm không khí, quản lý chất thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là kết quả cho sự nỗ lực bền bỉ nhiều năm trong mục tiêu xây dựng kinh tế xanh và bền vững.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển dân số quá nhanh, ngày càng nhiều lao động trên cả nước đổ về, khiến thành phố không tránh khỏi các tác động hệ quả của nền công nghiệp như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải….Đây là những thách thức mà thành phố đang đối mặt và cật lực tìm giải pháp triệt để nhằm kịp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về kinh tế xanh, đô thị bền vững, đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 98.

kinh tế xanh
Kinh tế xanh nhận được động lực từ Nghị quyết 98 - Ảnh minh họa

Thực tế, TPHCM đã quan tâm và có nhiều quy định thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh từ năm 2012 đến nay. Một số ngành, lĩnh vực đã cho kết quả bước đầu như: phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, năng lượng tái tạo, phát triển giao thông thân thiện với môi trường….

Báo cáo nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế xanh tại TPHCM của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững và Báo cáo đánh giá và đề xuất về quy trình phát triển kinh tế xanh tại TPHCM của Ban quản lý dự án Cải cách hành chính chỉ ra một số điểm vướng mắc.

Hệ thống giao thông của TPHCM vẫn chủ yếu là phương tiện cá nhân, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu di chuyển. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải vẫn chưa được triển khai rộng rãi, đúng tiêu chuẩn dẫn đến vẫn còn tình trạng xả thải ra sông, kênh rạch, gây ô nhiễm nguồn nước.

Chính sách phát triển kinh tế xanh chưa triển khai đồng bộ, khiến một số doanh nghiệp gặp khó khi muốn tham gia lĩnh vực này. Chưa đề ra các chính sách khuyến khích tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào kinh tế xanh, năng lượng xanh.

Tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 4 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định “Về cơ bản, nền kinh tế của Thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ, song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn”.

Nghị quyết 98 đã giúp “gỡ khó” cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh của TPHCM với các quy định như cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; Được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT với điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách.

Thành phố được thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch; Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), Chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch.

Thành phố được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân với một số trường hợp nhằm khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Thành phố được giao quyết định các lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm giải pháp công nghệ mới và nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ…

Cụ thể hóa mục tiêu cho kinh tế xanh, TPHCM đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. Khung chiến lược xác định 4 trụ cột chính: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Bình luận