Chờ...

TPHCM phát triển đô thị gắn kết giao thông theo mô hình TOD

VOH - Không chỉ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Nghị quyết 98 của Quốc hội mở cơ chế thí điểm những gì mà pháp luật chưa cho phép, hoặc đã có quy định những chưa rõ ràng.

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua và có hiệu lực, TPHCM đã bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình chưa từng có như: TOD, xây dựng đề án thực hiện tín chỉ carbon…

TPHCM cũng từng rất nhiều lần đề xuất triển khai mô hình TOD, nhưng phải chờ đến khi có Nghị quyết 98 thì mới mở ra được cơ chế để thành phố thực hiện.

TOD là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, không còn xa lạ trên thế giới. Mô hình này được Nhật Bản ứng dụng và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX và đang mang lại hiệu quả tích cực tại các thành phố lớn như: NewYork (Mỹ), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore...

Khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, TPHCM lên kế hoạch triển khai đề án để biến khu vực dọc các tuyến Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 2, Vành đai 3… trở thành những trung tâm đô thị trong tương lai. Đây là “chìa khóa” để  TPHCM giải quyết vấn đề giao thông đô thị và khơi thông nguồn lực để phát triển.

TPHCM phát triển đô thị gắn kết giao thông theo mô hình TOD
TPHCM đang rà soát các khu đất quanh các nhà ga metro số 1 để làm mô hình TOD

Lãnh đạo TPHCM cho biết sẽ kết hợp giữa Nghị quyết 98 với Kết luận 14 của Bộ Chính trị để biến giấc mơ TOD thành hiện thực.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho biết, "Đề án được khai thác những tài sản là không gian ở các ga dọc theo tuyến metro. Ở những ga đó, chúng ta phát triển các tiện ích, để quảng cáo, để làm các dịch vụ phụ trợ, tuy nhiên pháp lý hiện tại chưa đủ. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện tại, chúng ta xác định đối tượng, xác định được cách thức để phát huy tài sản này. Nó vừa phục vụ cho hoạt động của metro nhưng vừa quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công".

Cơ chế này là điều kiện để TPHCM điều chỉnh quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất vùng phụ cận các đầu mối giao thông lớn để phát triển khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, hạ tầng đồng bộ. Mô hình cũng giúp khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thành phố đã chủ động đề xuất mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) mấy năm qua.

Trong quá trình triển khai dự án metro số 1 và vành đai 3, các sở ngành cũng đã rà soát các khu đất quanh nhà ga, vùng phụ cận.

"Đến nay, nghị quyết 98 đã mở ra cơ chế cho thành phố triển khai dọc tuyến vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị. Để thực hiện các dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, phát triển đô thị", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, thời gian thực hiện nghị quyết 98 chỉ trong 5 năm, vì vậy TPHCM sẽ triển khai theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ triển khai ở tuyến metro số 1 và các nút giao vành đai 3 TPHCM. Hiện các nhà ga, nút giao hai dự án này đã được xác định và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Thành phhoos có thể triển khai thực hiện ngay một số dự án thí điểm.

TPHCM đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 theo nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Để triển khai giai đoạn 2 mô hình TOD cần lập đề án để cụ thể lộ trình phát triển TOD gắn với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai, đảm bảo việc triển khai đồng bộ.

Bình luận