Chờ...

Đưa ra xét xử vụ giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt hơn 99 tỉ đồng

(VOH) - Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền Long và Loan đã chiếm đoạt là hơn 99 tỷ đồng.

Ngày 18/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hoa Hữu Long (57 tuổi, giám đốc Công ty TNHH phát triển Long Nhật) và Cao Thị Kim Loan (51 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần dược phẩm Nhật Mỹ, vợ Long) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Long chính là người giả danh "Thiếu tướng quân đội" để lừa đảo hơn 950 bị hại, chiếm đoạt trên 83,5 tỉ đồng.

Đưa ra xét xử vụ giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt hơn 99 tỉ đồng 1
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TTO

Cùng ra tòa với Hoa Hữu Long  có 12 bị cáo gồm:

Nguyễn Minh Sơn (50 tuổi), Trần Duy Hưng (40 tuổi), Lê Hồng Giang (45 tuổi), Ngô Tuấn Anh (42 tuổi, cùng trú tại Cầu Giấy, Hà Nội).

Vũ Khắc Thư (41 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội), Mạc Phúc Hải (57 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội), Phùng Thị Thanh Huế (43 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội), Hoa Bách Tùng (55 tuổi), Nguyễn Tân Mão (58 tuổi, cùng trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Phạm Thế Hùng (43 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội), Lê Chí Thành (50 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội), Hoàng Văn Khải (47 tuổi, trú tại tỉnh Bắc Ninh).

Theo cáo trạng, năm 2015, Hoa Hữu Long nói với nhiều người rằng Bộ Quốc phòng có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị trực thuộc và thành lập Tập đoàn Đông Dương, lấy phiên hiệu S10. Long được bổ nhiệm làm Tư lệnh, Chủ tịch S10 và mang quân hàm Thiếu tướng. Các đồng phạm khác được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh, Chánh văn phòng… của S10 và mang quân hàm từ cấp úy đến Thiếu tướng. Long chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động liên quan đến S10, trực tiếp chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện việc tuyển nhân sự về làm việc cho S10, thu chi phí từ 65-110 triệu đồng/nhân sự. Long nói để được làm việc trong Tập đoàn Đông Dương thì phải nộp tiền để đi học các lớp bồi dưỡng như sơ cấp chính trị, sĩ quan tham mưu...

Trong đó, anh Đ.A.T. ở Hà Đông, Hà Nội đã đến gặp Long nhờ xin việc vào Tập đoàn Đông Dương. Do tin tưởng nên anh T. đã nộp 110 triệu đồng cho Cao Thị Kim Loan và Nguyễn Minh Sơn (tự xưng là phó tư lệnh binh đoàn S10) và không có biên nhận.

Long nhiều lần hứa hẹn nhưng anh T. vẫn chưa được vào làm việc. Anh T. tìm hiểu thông tin thì biết Tập đoàn Đông Dương (S10) là không có thật nên đã làm đơn tố cáo Long về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tập đoàn Đông Dương của Long không có hoạt động kinh tế gì nhưng các bị cáo đưa ra nhiều giấy tờ, lừa đảo những người có nhu cầu xin việc vào doanh nghiệp của quân đội nộp tiền.

VKSND cáo buộc từ năm 2015 đến tháng 11-2017, Long và đồng phạm đã tiếp nhận hồ sơ xin việc của 950 người, thu của các nạn nhân hơn 83,5 tỉ đồng.

Viện Kiểm sát kết luận, Long đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Cao Thị Kim Loan, Nguyễn Minh Sơn, Trần Duy Hưng, Phùng Thị Thanh Huế, Phạm Thế Hùng, Nguyễn Tân Mão, Hoa Bách Tùng cùng một số đối tượng khác thu tiền, hồ sơ của các lao động, sau đó không thực hiện như đã hứa và chưa trả lại tiền cho họ.

Quá trình giải quyết vụ án, cảnh sát thu giữ nhiều quân phục, quân hàm, quyết định phong quân hàm, văn bản liên quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu…

Bộ Quốc phòng khẳng định, tập đoàn Đông Dương (S10) không có thật; các bị cáo trong vụ cũng không phải sĩ quan quân đội. Giám định cũng thể hiện nhiều văn bản liên quan quân đội được tạo ra bằng cách in màu kỹ thuật số, không do cơ quan thẩm quyền ban hành…

Ngoài vụ án trên, Long và vợ còn bị cáo buộc lừa anh Mạc Phúc Hải (ở Hà Nội) góp vốn thực hiện dự án kinh tế, chiếm đoạt của người này 16 tỉ đồng. Tổng số tiền Long và Loan đã chiếm đoạt là hơn 99 tỉ đồng

Đến nay, vợ chồng Long mới khắc phục được 4,2 tỉ đồng. Vụ án dự kiến được xét xử trong 4 ngày.

Bình luận