Một sự xâm phạm bản quyền tác giả
(VOH) - Là một doanh nghiệp luôn chấp hành đúng các qui định của luật pháp về sở hữu trí tuệ nên khi tổ chức sản xuất các đầu máy mang nhãn hiệu Ariang; Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận MASECO đã làm những thủ tục pháp lý đầy đủ để bảo vể quyền tác giả. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có quyết định cho phép Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận MASECO sản xuất các chương trình băng đĩa, ca nhạc, sân khấu. Năm 2008, Công ty cũng được Cục bản quyền tác giả, thuộc bộ văn hóa, thể thao và du lịch cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tác phẩm. Công ty cũng đã ký hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Nói một cách khác, Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận MASECO đã có đầy đủ cơ sở pháp lý về quyền sử hữu tác phẩm. Thế nhưng, trên thị trường lại diễn ra cảnh bát nháo, lấy của người ta làm của mình, lấy những sản phẩm do Công ty MASEco sản xuất để kinh doanh, thu lợi mà không được sự chấp thuận của chủ sở hữu là Công ty MASECO.
Khi phát hiện ra sự xâm phạm bản quyền, Công ty MASECO đã rất thiện chí, nhắc nhở, thông báo cho các doanh nghiệp này nhưng đáp lại sự thiện chí ấy là sự gian dối, thiếu trung thực của những người đã xâm phạm bản quyền tác giả. Khi nhận được thông báo về sự vi phạm quyền tác giả, Công ty điện tử Cali lại cho rằng đơn vị của họ không có chức năng sản xuất và phát hành bang đĩa nhạc có nội dung hình ảnh. Nhưng theo giấy phép do Sở kế hoạch và đầu tư cấp cho Công ty điện tử Cali ngày 25-09-2000 đều có ghi rõ bổ sung ngành sản xuất băng đĩa nhạc. Như vậy rõ ràng, Công ty điện tử Cali đã có sự lấp liếm, không rõ ràng trong khi làm việc với các đối tác. Còn với Công ty Đông Hải, khi trả lời thông báo về xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm của Công ty MASECO đã yêu cầu cung cấp những bằng chứng về sự vi phạm này. Theo hồ sơ của chúng tôi hiện có: Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyết định của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc đã khẳng định tính pháp lý đầy đủ về sở hữu của MASECO. Doanh nghiệp thưa kiện nhau ra tòa là chuyện chẳng đặng đừng vì thiếu sự hợp tác, thiếu thiện trí, cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp xâm phạm bản quyền.
Chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường cũng có mặt trái của nó. Nhưng, với chúng ta là nền kinh tế thị trường có sự quản lý nhà nước theo định hướng XHCN. Mà ở đây là quản lý nhà nước theo hiến pháp và pháp luật. Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này có hiệu lực 4 năm nay. Không ai có thể đứng trên luật pháp. Sự vi phạm pháp luật mà ở đây là xâm phạm quyền tác giả cần phải được xử lý theo các qui định của luật pháp để ngăn chặn sự làm ăn và cạnh tranh không lành mạnh. Không phải ngẫu nhiêu mà khi gia nhập WTO, tổ chức này đã yêu cầu chúng ta phải qui định rõ thi hình hành Luật Sở hữu trí tuệ. Luật sở hữu trí tuệ không thực hiện nghiêm túc sẽ rất khó làm ăn với các đối tác nước ngoài và khó trong quản lý nhà nước. Rồi đây, vụ khởi kiện của Công ty MASECO sẽ được tòa án xem xét và xử lý. Hi vọng với sự nghiêm minh của pháp luật sẽ có phán quyết đủ sức răn đe những kẻ làm ăn phi pháp, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính./.
Sơn Hải