Chờ...

Nghị quyết 18: Chuyển đổi số tạo nền tảng phát triển bền vững cho bất động sản

(VOH) - Chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 18, Luật đất đai (sửa đổi) và cùng hòa chung vào mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia.

Chính phủ đặt mục tiêu về chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Trong đó, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai… Toạ đàm Nghị quyết 18, Luật đất đai (sửa đổi) kỳ 3 đề cập chuyển đổi số.

Tham gia tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời:

- PGS TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường;

 - Ông Chu Vĩnh Lăng, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM;

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM; Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam;

- Ông Phan Công Chánh, Chuyên gia tài chính bất động sản;

- Ông Võ Đình Bảo, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Vạn Lộc Phát.

Nghị quyết 18: Chuyển đổi số tạo nền tảng phát triển bền vững cho bất động sản 1
Chuyển đổi sổ giúp mọi người có thể tiếp cận thông tin của bất động sản đầy đủ và minh bạch hơn - Ảnh minh họa: Internet

*VOH: Xin được hỏi ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, việc chuyển đổi số được chú trọng như thế nào trong Nghị quyết 18 - Luật Đất đai sửa đổi lần này, thưa ông ?

PGS TS Nguyễn Đình Thọ: Chuyển đổi số hiện nay đã chương trình quốc gia và trong Nghị quyết 18 có những quy định cụ thể nhằm mục tiêu định danh các thừa đất vào cơ sở dữ liệu về đất đai, bao gồm CSDL về tài chính, quy hoạch, giá đất, đăng ký đất đai. Với các thông tin ấy, sẽ hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất và trong giá đất. Mọi thông tin về lịch sử giá đất, lịch sử giao dịch của đất sẽ được lưu trữ cho từng mảnh đất.  

Nguồn cơ sở dữ liệu này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong việc quản lý đất đai. Người dân khi giao dịch từng thửa đất sẽ có thể truy suất rõ các thông tin thuận lợi hơn so với trước đây.

*VOH: Thưa ông Chu Vĩnh Lăng, Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng chuyển đổi số vào những nội dung nào và qua đó chúng ta thấy là sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp ra sao ?

Ông Chu Vĩnh Lăng: TPHCM đang có những đề án số hóa toàn bộ hồ sơ tài liệu. Hiện nay Sở Tài nguyên Môi trường cũng thành lập phần mềm quản lý giá đất, tức là sau này (khi bỏ khung giá đất) chúng ta sẽ quản lý được thông tin đến từng thửa đất. Khi ấy, người dân hoặc doanh nghiệp sẽ truy suất được thông tin rất cụ thể về số thửa, giá bao nhiêu, vị trí thế nào. Thậm chí có thể biết được xung quanh thửa đất đó có bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu cửa hàng…

Cơ sở dữ liệu được xây dựng liên thông với các ngành chức năng. Ví dụ khi người dân làm xong thủ tục mua bán đất thì văn phòng đăng ký sẽ tự động chuyển thông tin về cho Chi cục thuế và trên cơ sở đó cơ quan Thuế thông báo hoàn thành giao dịch, như vậy rất tiện lợi cho người dân khi nộp hồ sơ.

Áp dụng số hóa các thủ tục sẽ vừa tiện lợi, cách cải cách hành chính và cũng là biện pháp cắt giảm nhân lực trước đây dùng để thực hiện công tác đó.

Thành phố Thủ Đức là địa phương đầu tiên của TPHCM được chọn để đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực đất đai. Mới đây, Sở Tài nguyên Môi trường cũng vừa kết hợp với Thành phố Thủ Đức công bố nền tảng số của địa phương này.

Về góp ý Luật đất đai sửa đổi, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đang góp ý kiến đề nghị sẽ cấp giấy chứng nhận điện tử, tức là nếu người dân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận bằng văn bản thì cấp, còn nếu như người dân không có yêu cầu thì cấp bằng văn bản điện tử và thông tin đó được liên thông. Việc này giúp giảm rất nhiều thủ tục cho người dân và cơ quan chức năng.

*VOH: Về phía góc độ doanh nghiệp cũng đã có những bước chuyển đổi số, với doanh nghiệp của ông Võ Đình Bảo đã có những quy trình chuyển đổi số như thế nào ?

Ông Võ Đình Bảo: Các doanh nghiệp rất hào hứng với chuyển đổi số ! tập trung và quyết tâm làm nhanh.

Theo tôi, nhà nước cần làm toàn diện, đồng bộ việc số hóa trong đất đai. Ngay cả với việc định giá đất hàng năm cũng chỉ cần nhập vào quy trình và công thức sau đó sử dụng thuật toán để tính ra. Người dân chỉ cần vô mạng là biết cụ thể thông tin về miếng đất giá bao nhiêu, giá trị chuyển nhượng bao nhiêu, đền bù bao nhiêu... Theo tôi, quan trọng nhất là tính công khai, minh bạch, rõ ràng về vấn đề tài nguyên đất.

*VOH: Hiện có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng chuyển đổi số. Với  góc độ của một chuyên gia tài chính bất động sản, ông Phan Công Chánh có ý kiến như thế nào về câu chuyện này?

Ông Phan Công Chánh: Việc áp dụng tiến bộ công nghệ là một xu thế mà chúng ta không thể nằm ngoài. Tuy vậy, một số vấn đề cần lưu ý, đầu tiên là mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ. Bởi vì thực sự là công nghệ chỉ giúp cho những quy trình có sẵn được thao tác nhanh hơn thôi, chứ hoàn toàn không thể nào thay thế 100% con người làm việc. Nhưng việc số hóa cũng đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất từ người đứng đầu cho đến những thừa hành, tuy nhiên khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin thì lại có sự khác biệt, đó là cái rào cản lớn nhất.

Tôi cho rằng khi áp dụng chuyển đổi số, mọi thứ đều được minh bạch rõ ràng, mọi người đều có thể tiếp cận thông tin như nhau. Lúc đó sẽ thể hiện được tài năng của doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong cách tạo dựng ra giá trị. Và nó cũng sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy cho thị trường bất động sản phát triển bền vững và minh bạch.

*VOH: Luật sư Nguyễn Văn Hậu có góc nhìn như thế nào về câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai ?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo tôi, để chuyển đổi số đáp ứng được yêu cầu thì chúng ta phải xây dựng cả phần cứng phần mềm, đặc biệt là ở khâu lưu trữ dữ liệu, chúng ta phải đầu tư thì mới đáp ứng được.

 

 

Bình luận