Chờ...

Người dân trực tiếp đến trụ sở các đội/trạm CSGT cung cấp hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông

(VOH) - Người dân có thể trực tiếp đến trụ sở các đơn vị Đội/Trạm thuộc Phòng CSGT-Công an TPHCM, cũng như có thể cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm qua hộp thư điện tử.

Thực hiện Thông tư số 65 năm 2020 của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM đã triển khai việc tiếp nhận các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp. Theo đó, người dân có thể trực tiếp đến trụ sở các đơn vị Đội/Trạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM cũng như có thể cung cấp những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm qua hộp thư điện tử của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.

Ảnh minh họa

Đài TNND TPHCM (VOH) trao đổi với Trung tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin cũng như những vấn đề cần lưu ý để có thể sử dụng hiệu quả nhất thông tin phản ánh của người dân.

*VOH: Thưa ông, ông cho biết, quy trình tiếp nhận và xử lý những thông tin, hình ảnh người dân cung cấp theo Thông tư số 65 của Bộ Công an là như thế nào?

Trung tá Đoàn Văn Quới: Theo Thông tư 65 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, hiện nay Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), chúng tôi tổ chức trực ban 24/24 để triển khai việc tiếp nhận các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên từng địa bàn, khu vực. Bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.

Khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ Cảnh sát giao thông phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định thì ghi chép vào sổ và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền.

Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp tổ kiểm soát đang làm nhiệm vụ trên đường không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

*VOH: Khi cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm, người dân cần lưu ý những gì để đảm bảo cơ sở xử lý, cũng như CSGT có thể sử dụng hiệu quả thông tin phản ánh của người dân?

Trung tá Đoàn Văn Quới: Các tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin, hình ảnh, để chúng tôi có cơ sở, căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì thông tin hình ảnh phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.

*VOH: Việc xử phạt qua hình ảnh, phạt nguội trên thực tế cũng đã được triển khai thời gian qua. Ông đánh giá hiệu quả ra sao?

Trung tá Đoàn Văn Quới: Công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh đã được Phòng CSGT đường bộ đường sắt tổ chức triển khai thực hiện nhiều năm trước đây. Nhưng lúc đó chúng tôi chỉ thực hiện tại một đơn vị của Phòng CSGT. Từ đầu năm 2019, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt nhân rộng mô hình này, tổ chức xử lý vi phạm qua hình ảnh tại tất cả các đơn vị trực thuộc phòng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị chúng tôi đã đề xuất và được Ban Giám đốc Công an Thành phố chấp thuận triển khai đồng bộ tại Công an các quận, huyện, ở đội CSGT, để nghiên cứu xây dựng các tổ tuần tra, kiểm soát, ghi hình xử phạt bằng camera di động hoặc cố định, do đơn vị công an quận, huyện quản lý. Trong 8 tháng từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 59.000 trường hợp vi phạm, đã thực hiện xử phạt gần 18.000 trường hợp, chiếm tỷ lệ gần 30%.

Bên cạnh đó, từ tháng 6/2020, Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, tổ chức tiếp nhận dữ liệu trích xuất các hình ảnh vi phạm qua hệ thống camera do Sở Giao thông vận tải quản lý trên 14 tuyến đường tại TPHCM. Tính đến tháng 8/2020, chúng tôi đã trích xuất 603 trường hợp vi phạm, đã gửi thông báo vi phạm đối với các trường hợp nói trên.

Qua việc xử phạt vi phạm hình ảnh, cũng góp phần làm giảm áp lực đáng kể đối với lực lượng trực tiếp làm công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, cũng như giảm thiểu xảy ra các vụ việc không chấp hành việc kiểm tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông. Qua đó đồng thời nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện chấp hành pháp luật giao thông, đảm bảo cho tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường được thông thoáng hơn, kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông.

Việc thông báo vi phạm hình ảnh được tiến hành song song với việc gửi thông báo đến các cơ quan đăng kiểm, và các tỉnh thành. Do đó, các trường hợp vi phạm được thông báo, khi người dân đưa xe đến cơ quan đăng kiểm để tiến hành thủ tục đăng kiểm, sẽ không được tiến hành công tác đăng kiểm theo quy định. Đây là chế tài nhằm cưỡng chế tác động mạnh đến đội ngũ tài xế, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

*VOH: Đối với việc triển khai việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh, video phản ánh vi phạm giao thông đường bộ từ người dân cung cấp, theo ông sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực như thế nào trong việc đảm bảo trật tự ATGT, nâng cao ý thức tham gia giao thông? 

Trung tá Đoàn Văn Quới: Việc người dân cung cấp thông tin, hình ảnh để làm cơ sở xử phạt, qua đó cũng làm cho các tổ chức và cá nhân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó sẽ duy trì được trật tự giao thông, làm cho người dân chấp hành tốt hơn, luôn luôn thực hiện đúng luật giao thông khi lưu thông trên đường, góp phần đảm bảo tốt tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Mục đích cuối cùng cũng nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất, để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận