Chờ...

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội

VOH - Sáng 11/4, phiên tòa xét xử cựu giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục phần xét hỏi.

Mở đầu phiên tòa, luật sư Bùi Phương Lan đặt câu hỏi với ông Đỗ Hữu Ca về nhận thức của bị cáo với hành vi nhận 35 tỉ từ vợ chồng Trương Xuân Đước có thay đổi gì so với khai báo tại phiên tòa hôm qua.

Ông Ca nói xin nhận tội đúng như cáo trạng của viện kiểm sát truy tố. Hôm qua tôi khai trước tòa, tôi với Ngọc Anh không đồng quan điểm, không hiểu ý nhau nhưng vô hình trung tôi đã tiếp nhận ý của bị cáo Ngọc Anh nhưng tôi không cầm tiền chạy án.

Do huu ca 16 1104
Ông Đỗ Hữu Ca - Ảnh: TTO

Ông Ca trình bày: “Theo giải thích, phân tích trước tòa, tôi nhận thức hành vi của tôi đúng như cáo trạng, kết luận điều tra đã nêu”

Cựu giám đốc Công an Hải Phòng cho biết bản thân "hết sức ăn năn hối hận hành vi của mình" và xin được hội đồng xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

VKSND tỉnh Quảng Ninh nhận định bị cáo Đỗ Hữu Ca đã thay đổi lời khai, thành khẩn nhận tội, nộp lại 35 tỉ đồng nhận từ vợ chồng Trương Xuân Đước, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Trương Xuân Đước (người đưa 35 tỉ đồng cho ông Ca để chạy án) bị đề nghị 24-30 tháng tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 7 năm đến 7 năm 6 tháng về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt của bị cáo Đước bị đề nghị từ 9 - 10 năm tù.

Vợ của Đước, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh bị đề nghị 4 năm 6 tháng đến 6 năm tù.

Ở nhóm tội nhận hối lộ, VKSND tỉnh Quảng Ninh đề nghị mức án 6 năm 6 tháng đến 7 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đình Đương, cựu chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, và mức án 4 năm 6 tháng đến 5 năm 6 tháng đối với Đỗ Thanh Hoài (cán bộ dưới quyền của Đương).

Các bị cáo còn lại, người cao nhất bị đề nghị 18 - 24 tháng tù, nhiều người bị đề nghị phạt tiền mức thấp nhất 300 triệu đồng, người cao nhất 3 tỉ đồng.

Viện kiểm sát nhận định vụ án Trương Xuân Đước và đồng phạm là điển hình lợi ích nhóm, sự câu kết giữa doanh nghiệp và một số cán bộ nhà nước, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Theo cáo trạng, từ năm 2014 - 2021, ông Trương Xuân Đước  và vợ đã lập, quản lý điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Tháng 10/2022, biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, ông Đước bỏ trốn và dặn vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca để nhờ "tháo gỡ".

Vợ của ông Đước là bà Nguyễn Thị Ngọc Anh tìm đến nhà ông Ca tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng để trao đổi về việc cháu của mình là Trương Văn Nam đã bị bắt và Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra công ty của gia đình.

Qua trao đổi, được biết doanh số bán ra của Công ty Thái Bình Dương là khoảng 200 tỉ đồng, dù không làm việc gì để lo chạy tội cho Đước nhưng ông Ca vẫn yêu cầu chuẩn bị số tiền 10% doanh thu bán ra của công ty cùng một số tiền "tiêu cực phí" khác để lo việc.

Trong thời gian từ cuối tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, vợ chồng ông Đước đã có bốn lần đến gặp để đưa tổng cộng 35 tỉ đồng cho ông Đỗ Hữu Ca lo việc "chạy án".

Theo cơ quan truy tố, ông Đỗ Hữu Ca đã chủ động nộp lại số tiền 35 tỉ nhận từ vợ chồng Trương Xuân Đước.

 

Bình luận