Chờ...

Phải làm sao khi gặp phải tình trạng cho vay nặng lãi?

VOH - Hiện nay nhiều tổ chức, nhóm người cho vay rất với những điều kiện rất dễ dàng nhưng với lãi suất rất cao người có nhu cầu vốn sẽ dễ dàng vướng vào tình trạng không thể trả lãi.

Các băng nhóm, công ty cầm đồ (núp bóng) cho vay với lãi suất rất cao, người vay đến một lúc nào đó sẽ rơi vào tình trạng không thể trả lãi được. Các hợp đồng cho vay thường là “hợp đồng giả cách” hay hợp đồng "miệng".

Phải đối phó với các hợp đồng cho vay của các băng, nhóm này như thế nào? Luật sư Nguyễn Thế Hùng, đoàn luật sư TPHCM trao đổi với VOH.

cho vay lai nang
Phải làm sao khi gặp phải tình trạng cho vay nặng lãi? - Ảnh minh họa

*VOH: Hiện nay cho vay với lãi suất bao nhiêu  %/ tháng, bao nhiêu %/năm thì bị coi là cho vay nặng lãi ?

Luật sư Nguyễn Thế Hùng: Pháp luật hiện nay cho phép bên vay và bên cho vay tự thỏa thuận về lãi suất tiền vay tuy nhiên mức lãi suất tự thỏa thuận không được vượt quá 20% một năm đối với khoản tiền vay.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, lãi suất cho vay tối đa trung bình trong một tháng sẽ chỉ được cho phép ở mức 1,666% và cho vay với lãi suất trên quy định này được xem là không phù hợp.

Trong trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn, tức cao hơn 20% một năm, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

*VOH: Việc cho vay nặng lãi thì có vi phạm pháp luật hay không? Tội danh là gì mức xử phạt là bao nhiêu?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Cho vay nặng lãi là một hành vi sẽ phải chịu sự chế tài theo quan hệ pháp luật hình sự.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có quy định tại Điều 201, khi cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về tội cho vay nặng lãi.

Mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định để thỏa thuận cho vay trong một tháng là khoảng 8,33% (1,666 X 5 lần). Cho vay trên mức lãi suất này là hành vi cấu thành tội cho vay nặng lãi.

Nếu phạm tội cho vay nặng lãi, tùy mức thu lợi bất chính có thể bị xử lý hành chính hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

*VOH: Trường hợp một cá nhân vay của một nhóm, một tổ chức cho vay nặng lãi không trả nổi nữa thì người đi vay đưa ra công an địa phương thì công an nói đó là quan hệ dân sự không giải quyết. Trường hợp này phải làm sao?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Khi trình báo đến cơ quan công an địa phương về việc bị cho vay nặng lãi, nhớ cung cấp đầy đủ và chính xác các chứng cứ cần thiết nhằm giúp cơ quan công an nhanh chóng xác định được hành vi cấu thành của người phạm tội bị tố cáo.

Đó có thể là giấy ghi nợ có thể hiện mức lãi suất hoặc băng ghi âm các cuộc trao đổi giữa chủ nợ và bên vay…

Đây là căn cứ để tiến hành tổ chức điều tra, tiếp tục thu thập bằng chứng phạm tội của bên cho vay nặng lãi. Có thể cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến tới việc khởi tố và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

*VOH: Việc cho vay nặng lãi thường được làm giấy tờ, hợp đồng “giả cách”, hợp đồng thật là hợp đồng cho vay nặng lãi, người đi vay đưa ra công an thì công an có thể xem xét đây là vụ án hình sự được không? Người đi vay phải làm sao để giải quyết tình trạng này?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Theo nguyên tắc chung, bên nào đưa ra yêu cầu thì bên đó có nghĩa vụ phải chứng minh. Trong tình huống nêu trong câu hỏi, bên vay cần chứng minh trước cơ quan công an điều tra là hợp đồng mà hai bên đã ký, về hình thức không trái với quy định của pháp luật nhưng chỉ là hợp đồng giả cách còn hợp đồng thật là hợp đồng cho vay nặng lãi.

Nếu bên tố cáo đưa ra được căn cứ để chứng minh thì cơ quan công an điều tra hoàn toàn có thể xem đây là vụ án hình sự phải tiến hành điều tra và truy tố, tùy theo mức độ vi phạm.

Do đó, trước khi ký hợp đồng vay, người đi vay cần đọc kỹ, cân nhắc, thương thảo các điều khoản trong dự thảo hợp đồng.

Nếu buộc phải vay bằng việc ký hợp đồng theo các điều khoản mà bên cho vay đưa ra thì có thể có những biện pháp nhằm chứng minh hợp đồng cho vay này là hợp đồng “giả cách” để làm bằng chứng nếu cần cho sau này.

*VOH: Việc xử lý hình sự việc cho vay nặng lãi này thì cơ quan nào có chức năng tiếp nhận và xử lý? Ông có điều gì khuyên người đi vay để tránh gặp trường hợp cho vay nặng lãi?

Ls Nguyễn Thế Hùng: Chúng ta có thể nộp đơn tố cáo việc cho vay nặng lãi đến các cơ quan có thẩm quyền khi có căn cứ xác định được bên cho vay có hành vi cấu thành tội cho vay nặng lãi.

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận việc tố cáo này chính là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc cơ quan công an ngay tại địa phương nơi cư trú…

Như đã nói ở trên, khi xác định có yếu tố hình sự, các cơ quan thẩm quyền này sẽ tiến hành điều tra và truy tố.

Đáng chú ý là bất cứ ai khi phát hiện hành vi cho vay nặng lãi đều có quyền đứng ra tố giác các hành vi này.

Không khó để có thể tránh được việc trở thành nạn nhân do “vay nặng lãi”. Khi có nhu cầu vay vốn, chúng ta cần tiếp cận các chủ thể cho vay đáng tin cậy như ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc các nguồn vốn vay phù hợp.

Đối với những tổ chức hoặc cá nhân khác cần tìm hiểu kỹ về tư cách pháp nhân của họ và nếu cần thiết phải xúc tiến việc vay vốn thì nên kiểm tra tất cả các điều khoản trong hợp đồng sao cho đảm bảo rằng không có bất cứ thỏa thuận nào, đặc biệt về lãi suất, trái với các quy định của pháp luật dân sự.

Cuối cùng không nên đặt niềm tin với những cá nhân, tổ chức cho vay với điều kiện mang nặng tính quảng cáo theo kiểu “nhanh chóng, tiện lợi, mọi lúc, mọi nơi, không cần thế chấp…”.

*VOH: Xin cảm ơn Ls.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Bình luận