Chờ...

Vụ án AIC: Một số bị cáo đang bỏ trốn sẽ về chấp hành án

(VOH) - Chiều 26/12, phiên tòa xét xử vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC tiếp tục với phần luật sư nêu quan điểm tranh luận với bản luận tội.

Trong vụ án, ngoài bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, tòa án đưa ra xét xử cùng 7 người khác đang trốn truy nã. Những người này đều có luật sư chỉ định hoặc có người chủ động thuê luật sư. 

Bà Đỗ Mỹ Hạnh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa - là một trong 8 người bị Viện kiểm sát xác định đã bỏ trốn. Đại diện cơ quan công tố tại tòa đề nghị bà Hạnh mức án 6 - 7 năm tù vì tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bà Hạnh nhấn mạnh, nguyện vọng của bà Hạnh gửi gắm là "sẽ quay về chấp hành bản án và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật".

Đưa ra quan điểm bào chữa, luật sư phân tích: trong vụ án này, việc gian lận thầu được lập trình sẵn theo "quy trình 70 bước" mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập để Công ty AIC trúng thầu. Quy trình này được vận hành theo sự chỉ đạo cao nhất là bà Nhàn.

Người bào chữa cho bà Hạnh cho rằng, thân chủ của mình chỉ có vai trò giúp sức nhưng "cần đánh giá đó chỉ là vai trò thứ yếu". Có Công ty Cát Vân Sa hay không, có bị cáo Hạnh hay không thì việc gian lận thầu vẫn diễn ra, vì mọi thứ đã được lập trình sẵn trong "quy trình 70 bước".

Luật sư bào chữa cho bà Hạnh đề nghị viện kiểm sát xem xét lại phần đề xuất mức án để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Xem thêm: Vụ AIC: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù; Cựu bí thư, chủ tịch Đồng Nai 9-11 năm tù

AIC, BỊ CÁO
3 bị cáo có thể quay về chấp hành án

Luật sư bào chữa cho ông Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) cho hay, thân chủ của mình có quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Dù ông Vinh đang có bệnh nhưng có thời gian đã quay về Việt Nam hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp tài liệu liên quan vụ án.

Ông Vinh phải quay lại Mỹ vào tháng 8/2022 trong hoàn cảnh bất khả kháng vì vấn đề sức khỏe phải điều trị. Trước khi quay lại Mỹ, ông Vinh đã ủy quyền hợp lệ cho Phó giám đốc công ty làm việc với cơ quan chức năng.

Trước khi mở phiên tòa, gia đình ông Vinh đã chủ động nộp 500 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả. Mẹ ông Vinh cũng có đơn gửi đến tòa trình bày nguyện vọng ông xin hợp tác xét xử.

Luật sư cho rằng: "Có căn cứ xác định bị cáo không bỏ trốn, thậm chí còn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Bị cáo Vinh mong muốn được gỡ bỏ lệnh truy nã, được hưởng khoan hồng đặc biệt, được miễn hình phạt. Ông Vinh hứa sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả dù đại diện Công ty AIC cho biết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại".

Bào chữa cho bị cáo đang bỏ trốn là ông Nguyễn Văn Thuyết (cựu Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, đơn xin xét xử được thân chủ mình gửi về từ Mỹ đã được tòa chấp thuận.

Luật sư phân tích: "Ông Thuyết xin được xét xử vắng mặt vì lý do bất khả kháng. Như hồ sơ thể hiện, vụ án này khởi tố ngày 29/4/2022, trong khi đó bị cáo đã xuất cảnh hợp pháp từ tháng 4/2021. 

Bị cáo cư trú tại Hoa Kỳ vì mình là người giám hộ duy nhất cho hai con theo học tại đây. Khi biết tin bị truy tố, đưa ra xét xử thì thời gian là quá ngắn để có thể sắp xếp trở về tham dự phiên tòa mặc dù rất mong muốn được có mặt trình bày trực tiếp".

Từ các căn cứ trên, luật sư đề nghị tòa chấp thuận rằng "ông Thuyết không bỏ trốn và tích cực hợp tác với các cơ quan pháp luật theo phương án tối ưu nhất có thể", luật sư nói tại tòa.

Cũng bào chữa cho ông Thuyết, luật sư Nguyễn Văn Tú đề nghị "tòa và và viện kiểm sát kiến nghị cơ quan phát lệnh truy nã gỡ bỏ lệnh truy nã", để thân chủ của mình nhận được chính sách khoan hồng tối đa của pháp luật.

Theo lời luật sư, ông Thuyết không từ bỏ quyền tự bào chữa và cũng không từ bỏ bất cứ quyền, nghĩa vụ tư pháp nào mà pháp luật dành cho bị cáo trong vụ án này.

Bình luận