Chờ...

Hoàng Bách: "Tôi từng khóc trên xe vì chấn thương phải phẫu thuật đầu gối"

VOH - Từng nhiều lần "đổ máu" trên sân cỏ, thậm chí là phải trải qua 2 lần phẫu thuật đầu gối, nhưng Hoàng Bách vẫn dành tình yêu rất lớn cho bóng đá.

Nhắc đến Hoàng Bách, nhiều khán giả sẽ nhớ đến chàng ca sĩ điển trai với giọng hát ngọt ngào khi thể hiện các ca khúc như: Chuyện Chàng Cô Đơn, Vệt Nắng Cuối Trời, Tàn Phai Giấc Mơ,... Dù đã có hơn 20 năm hoạt động âm nhạc, nhưng cái tên Hoàng Bách đến hiện tại vẫn giữ được sức hút trong lòng công chúng.

Gặp gỡ và trò chuyện tại Interview Pick With, Hoàng Bách gây bất ngờ với vẻ trẻ trung và nguồn năng lượng dồi dào mà không phải người đàn ông ngoài 40 nào cũng có được. Nam ca sĩ luôn sẵn sàng trả lời thẳng và thật những câu hỏi về âm nhạc, cuộc sống và cả gia đình. Bởi Hoàng Bách cho biết, anh "không có gì ngoài sự chân thành" khi chia sẻ về bản thân với khán giả. 

Hoàng Bách:

* Xin chào Hoàng Bách! Được biết anh vừa cho ra mắt MV Chiều Nay Ra Sân để cổ vũ bóng đá Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời cũng như câu chuyện phía sau ca khúc này được không? 

Khi đó là một ngày mùa đông tại một quán cafe lề đường ở Hà Nội, tôi đang ôm cây đàn ghita và hát cùng với bạn bè của mình. Bài hát được sáng tác cho đội bóng mà tôi tham gia, gồm những anh em đã chơi với nhau từ năm 2010. 

Chiều Nay Ra Sân là những cảm xúc, trải nghiệm được tôi đúc kết từ hơn 30 năm đá bóng và làm cổ động viên. Ca khúc ra đời vào thời điểm tôi thấy những cảm xúc trong mình chín muồi nhất. May mắn là sau gần 5 năm, với rất nhiều bản demo ra đời thì bằng một cách nào đó, Liên đoàn bóng đá đã nghe thấy và gọi cho tôi, ngỏ ý để Chiều Nay Ra Sân trở thành bài hát cổ động chính thức cho đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2024. 

Đúng lúc đó, tôi quyết định là phải làm một bản hoàn chỉnh cho ca khúc nên đã gọi ngay cho ekip để cùng mọi người sẵn sàng thực hiện. Mặc dù thời điểm cuối năm, mọi người có rất nhiều việc nhưng vẫn đồng ý và quyết tâm cùng tôi làm nên một MV mà với những ai yêu thích bóng đá, chắc chắn sẽ thấy hình bóng của mình trong đó. 

*Cảm xúc của anh như thế nào khi biết bài hát của mình sẽ theo chân đội tuyển Việt Nam đến ASIAN Cup 2024 và được phát trên sân vận động tại Qatar?

Lúc đó tôi cứ phải nhéo mình liên tục vì không biết bản thân có thật sự nhận được cuộc gọi như vậy hay không. Chắc mọi người cũng biết Bách từng sản xuất nhạc phẩm đầu tiên dành cho bóng đá là ca khúc Những Bước Chân Của Rồng. Nhưng bài Chiều Nay Ra Sân mới là đúng với cảm xúc của tôi nhất, bởi vì nó dựa trên cảm nhận của một người chơi bóng đá thật. 

Ban đầu, tôi viết bài hát để dành cho mình và anh em bóng đá phủi thôi, nhưng không ngờ nó lại có thể đến được nơi mà nó nên đến. Bởi vì với bóng đá, dù là cầu thủ nhí, những cụ ông hay cầu thủ chuyện nghiệp thì khi bước ra sân, tất cả đều có điểm chung là khát khao chiến thắng, khát khao được đổ mồ hôi, sôi nước mắt, được va chạm và sống trong từng khoảnh khắc trên sân. 

Đôi khi mọi người hay bảo “ông này chắc điên vì bóng đá” và tôi cũng tự thấy mình như vậy. Cái cảm giác đó giống như là khi mình ghi bàn thắng trong một trận đấu quan trọng và có ý nghĩa quyết định vậy. 

Hoàng Bách:

* Không chỉ có CĐV Việt Nam mà các CĐV quốc tế cũng sẽ được nghe ca khúc, điều đó có khiến anh cảm thấy áp lực?

Có một chút thôi, vì thật sự tôi cũng không biết các nước bạn sẽ mang đến điều gì. Áp lực lớn nhất là mình phải thể hiện được đây vẫn là một bài nhạc mang tính cập nhật, để khi âm nhạc vang lên, khán giả quốc tế vẫn nhận ra âm nhạc này là của năm 2024. 

Áp lực thứ 2 là bài hát phải có chất liệu Việt Nam trong đó, để bạn bè quốc tế nghe qua là cảm nhận được không khí ngay. Tôi đã đưa vào đó chất liệu truyền thống của bóng đá là kèn đồng và trống cái. Tôi nghĩ tiếng trống cái là điểm đặc biệt nhất của bóng đá Việt Nam so với các nước khác vì chỉ nước ta mới có. Tôi tin rằng ai đã từng ngồi trên sân Việt Nam để cổ vũ bóng đá, thì khi nghe tiếng trống cái vang lên sẽ thấy sởn gai ốc. 

Một diều áp lực nữa chính là thời gian vì tôi và ekip chỉ có đúng 1 tháng để làm, nhưng phải xua quân đi hết các vùng miền từ Bắc vào Nam để quay được những khoảnh khắc đẹp nhất của khán giả trên sân. Hơi tiếc một chút là không thể quay ở quê mình là sân Thiên Trường ở Nam Định. Còn lại những khoảnh khắc đá bóng từ trên núi hay dưới biển, từ trẻ em đến cầu thủ, nhà sư đều được ghi lại. 

Thông qua đó, tôi muốn nhắn nhủ đến bạn bè quốc tế rằng: “Chúng tôi là một quốc gia bóng đá. Đội tuyển của chúng tôi có thể chưa phải là đội muốn thắng trận nào là sẽ thắng trận đó. Thậm chí khi đến ASIAN Cup, chúng tôi là đội tuyển mà các bạn có thể xem là lót đường. Nhưng chúng tôi yêu bóng đá và chúng tôi đang đến với bóng đá bằng tất cả sự chân thành và cháy bỏng nhất của gần 100 triệu người dân Việt Nam”. Đó là điều mà tôi muốn thể hiện trong MV Chiều Nay Ra Sân!

Hoàng Bách:

* Qua những chia sẻ thì có thể thấy Hoàng Bách dành tình yêu rất lớn cho bóng đá. Điều đó xuất phát từ đâu? Ai là người đã truyền cảm hứng và đưa anh đến với môn thể thao này? 

Anh trai là người truyền cảm hứng lớn nhất cho tôi, ngày xưa anh là cầu thủ năng khiếu của thành phố Nam Định, cùng lứa với anh Nguyễn Văn Sỹ. Dù cách nhau 8 tuổi nhưng hai anh em thân thiết như hai người bạn. Tôi nhớ ngày bé mình được anh cưng lắm, đi đâu cũng cõng theo, nên lúc 3-4 tuổi là tôi đã ngồi trên sân xem anh mình đá bóng. 

Kỷ niệm đầu tiên với bóng đá khá đau đớn khi tôi phải ăn nguyên một quả bóng vào mặt. Lúc đó, tôi đang ngồi xem thì bị sút một phát lộn cổ té xuống nhưng vẫn không khóc, sau đó vẫn ngồi xem anh trai đá tiếp. Khi tôi lớn lên và biết chạy cũng là lúc bắt đầu chơi đá bóng, đến giờ này thì bóng đá đã theo tôi đến khắp các sân vận động lớn tại Việt Nam, hầu như không có sân nào là tôi chưa ngồi hoặc chưa đá. 

Thật sự bóng đá đối với tôi là tình yêu, là lẽ sống. Tôi hay tự cho cuộc đời mình giống như một trận đấu, nếu cầu thủ may mắn thì sẽ được đá 90 phút cuộc đời và ghi được một số bàn thắng. Tất nhiên cũng sẽ có những lúc căng thẳng, khó khăn phải vượt qua và cả những lúc chấn thương. Ví dụ như tôi đã phải mổ gối 2 lần, mỗi lần phải nằm trên giường bệnh khoảng vài tháng, thậm chí bây giờ tôi vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Nhưng tôi vẫn đặt mục tiêu quay lại sân bóng vì chỉ khi ở đó, mình mới được là chính mình nhất.

Bóng đá giống như món quà mà loài người chúng ta tự tạo ra và tặng lại cho chính mình để làm niềm vui. Cũng giống như âm nhạc, bóng đá là một loại ngôn ngữ chung tạo nên sự gắn kết. Chúng ta có thể không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng nhìn cách đá bóng là có thể biết tính cách của con người, nhìn cách cống hiến trên sân là có thể biết ở ngoài đời người đó nhiệt như thế nào.

Bóng đá cũng là nơi tôi nương tựa trong những lúc áp lực công việc, cuộc sống. Bởi khi là một người nghệ sĩ, tôi phải luôn xuất hiện bảnh bao, chỉn chu trước mặt khán giả. Còn khi ra sân đá bóng, tôi được là chính mình, có lúc chiến đấu, có lúc xấu xí nhưng đó mới chính là cuộc sống. 

Hoàng Bách:

* Trong Chiều Nay Ra Sân, Hoàng Bách có đề cập đến những lần "đổ máu" trên sân, bản thân anh cũng từng phải trải qua 2 lần phẫu thuật vì chấn thương. Có lần “đổ máu” nào khiến anh thấy sợ nhất không?

Nếu nói sợ thì cũng không phải là sợ. Thực tế, tôi đã phải trải qua 2 lần mổ tách đầu gối mình ra để thay thế dây chằng, sụn đầu gối bây giờ chỉ còn 50% không bao giờ tái tạo lại được nữa. Chưa kể sau đó còn 1 khoảng thời gian dài phải tập phục hồi trên giường bệnh trong khi mình vốn là người quen bay nhảy. 

Tôi nhớ có 1 lần chấn thương mà mình đã khóc khi ở trên xe đi về vì mình biết chấn thương này là như thế nào và rất nhiều kế hoạch công việc đang đợi chờ. Lúc đó tôi chỉ bực nhất là vì không được di chuyển như bình thường, nhưng sau đó mới nhận ra đây là 1 loại chấn thương rất nặng, có những người phải đi chống nạng suốt đời. Lần thứ 2 xảy ra thì tôi nhận ra khoảnh khắc mình bật khóc là vì mình có thể tránh được việc đó và vấn đề lớn nhất là không được đá bóng trong 6 tháng. 

Tôi cũng phải tự cảm hơn bản thân là mỗi lần như vậy, bóng đá lại tiếp tục là mục tiêu mà mình phải hướng tới và nó rèn luyện cho mình thêm nhiều thứ khác. Sau khi đã dàn xếp về mặt tâm lý thì tôi lại thấy biết ơn, vì MV Chiều Nay Ra Sân chính là thành quả từ 6 tháng không được chạy nhảy và cơ hội đến đúng lúc khi Liên đoàn gọi điện thoại. Đó cũng giống như câu chuyện được và mất trong 1 trận đấu.

* Điều gì ở bóng đá khiến Hoàng Bách cảm thấy mê nhất?

Tôi chơi đá bóng từ khi còn là một thằng bé mới biết chạy, đến hiện tại là đã được hơn 30 năm. Có những giai đoạn, tôi rất thất vọng về bản thân vì đá mãi không được. Cũng có những lúc áp lực cuộc sống, áp lực công việc bên ngoài nhiều quá, tôi đi ra sân mà thấy đầu mình nặng trĩu. Lúc đó tôi nghĩ đây chắc sẽ là trận cuối, năm cuối mình chơi bóng với cường độ này.

Thế nhưng khi anh em nhắn tin bảo “chiều nay ra sân anh ơi” là tôi quên hết tất cả mọi thứ và cứ thế chạy ra sân. Khoảnh khắc được thay quần áo, xỏ đôi giày, chạm vào cỏ, ngửi mùi đất và nghe được âm thanh của quả bóng chạm vào chân, lúc đó mọi thứ khác tôi đều coi nhẹ hết. Lúc đó với mình chỉ có bóng đá, chỉ có đồng đội và đối thủ ở trên sân mà thôi. 

Hoàng Bách:
Hoàng Bách:

* Với tình yêu dành cho bóng đá lớn như vậy, đã bao giờ Hoàng Bách phân vân giữa việc trở thành một ca sĩ hay một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp?

Thật ra là không (cười). Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi bé khi mình được gọi vào đội tuyển bóng đá của phường nên đã xin mẹ cho mình đi tập, nhưng chỉ vừa nói thôi là mẹ đã bảo tôi nên đi học nhạc. Lúc đó tôi cũng giận mẹ lắm, nhưng càng ngày tôi mới hiểu là mẹ đúng, vì thật ra tôi chỉ có đam mêm chứ không có tố chất của dân thể thao chuyên nghiệp. Còn âm nhạc mới là thứ mà tôi thật sự có tố chất. Đó cũng là một lời khuyên của mẹ mà tôi nhớ ơn mãi đến bây giờ. 

Nhưng tôi quan niệm rằng nếu bạn có một giấc mơ, hãy cố gắng theo đuổi nó. Với tôi, giấc mơ cống hiến cho bóng đá đã đưa tôi đến nhiều vùng miền trên thế giới. Thậm chí, khi đi qua Mỹ hát, tôi cũng xách giày theo, nhờ đó mà có duyên chơi thân với anh Bằng Kiều đến giờ này. Tương tư như vậy, tôi có rất nhiều người bạn thân từ bóng đá như Phạm Anh Khoa, chị Phương Thanh,... 

Đặc biệt, giấc mơ thành hiện thực khi tôi được đá trên sân với rất nhiều thần tượng của mình từ bé như anh Huỳnh Đức, anh Hồng Sơn. Hồi bé chỉ toàn được thấy các anh trên tivi chứ đâu bao giờ được nghĩ sẽ chung đội với các anh ấy. Nhưng bây giờ cứ rảnh rỗi là anh em lại gọi nhau để tâm sự, đó là một giấc mơ đối với tôi.

Bóng đá đưa tôi đến những địa điểm mà mình chưa từng nghĩ sẽ được đặt chân tới, cho tôi những cảm xúc đỉnh cao, Tôi không thể đếm nỗi 1 năm mình ra sân bao nhiêu trận và ngồi trên khán đài bao nhiêu trận. Thậm chí, nngười ta có thể thấy tôi trên sân cỏ là nhiều hơn trên sân khấu. 

Bóng đá cũng đưa tôi đến giấc mơ được gặp và giao lưu với ông vua bóng đá Pele từ cách đây 7-8 năm, nhưng lúc đó tôi không chơi mạng xã hội để “flex”. Bây giờ thì Quang Hải, Tuấn Hải, Duy Mạnh hay những anh em trong đội tuyển khi tập dưới sân đều sẽ nghe nhạc của tôi vang trên khán đài. Tất cả đều là một giấc mơ thành sự thật đối với mình.

* Thừa nhận bản thân "ra sân cỏ nhiều hơn sân khấu", anh có sợ khán giả sẽ quên mình?

Người ta có câu “You get what you give - Bạn cho cái gì thì bạn nhận cái đấy”. Thật ra tâm trí của tôi đặt vào lớn nhất vẫn là âm nhạc. Nó không chỉ là công việc, mà còn là đam mê và nguồn sống của gia đình mình. Với chiều dài hơn 20 năm với nhiều cống hiến khác nhau, tôi cũng không sợ khán giả sẽ quên mình.

Mỗi năm tôi cũng cho ra nhiều sản phẩm, dù có cái thành công và cũng có cái chưa thành công, nhưng bây giờ có thể kết hợp được 2 niềm đam mê lớn nhất của mình thì quá tuyệt vời. Giống như 2 cái cây được lai tạo từ giống mới, bản thân mình cũng là người được thụ hưởng những trái ngọt. Các sân bóng đá trong nhiều năm nay cũng đều sử dụng âm nhạc của Hoàng Bách sáng tác và sản xuất, đó là một niềm vui rất lớn. Đặc biệt, âm nhạc vẫn là người bạn lớn nhất của tôi, dù không chơi bóng đá nữa thì tôi vẫn phải làm âm nhạc.

Hoàng Bách:

* Từng nổi tiếng với những ca khúc nhạc tình, nhưng âm nhạc của Hoàng Bách thời gian gần đây thường hướng đến gia đình hoặc xã hội. Điều gì đã khiến anh có những thay đổi phong cách của mình như vậy?

Vì tôi không được thất tình nữa đấy (cười lớn). Bây giờ nói mình thất tình thì ai tin, mà nếu câu chuyện đó là thật thì sẽ rất mệt mỏi đúng không? Nói đùa vậy thôi chứ mình sống như thế nào thì sẽ viết nhạc giống như thế. Tôi tin là với nhiều người, nhạc của mình có thể hay hoặc không, nhưng có 1 điều chắc chắc chính là sự chân thành trong các sản phẩm, trong cách mình sống và làm việc. 

Có những giai đoạn mà tôi làm ra những sản phẩm mà bản thân cũng rất là ưng, nhưng cũng có lúc đi ngược với yêu thích của khán giả. Đó cũng là điều bình thường thôi. Với Hoàng Bách, việc làm âm nhạc đầu tiên phải hướng về khán giả, sau đó là kể đúng câu chuyện mà mình đang đi qua. Vì với những thứ mà mình hiểu về nó nhiều nhất, cảm được nó nhiều nhất và sống với nó nhiều nhất thì sẽ làm nó tốt nhất. Điều đó cũng giúp tôi tìm ra được thế mạnh của mình. 

Sau những bài hát về tình yêu như Chuyện Chàng Cô Đơn, Vệt Nắng Cuối Trời, Tàn Phai Giấc Mơ,... khán giả trong nhiều năm gần đây lại yêu thích Hoàng Bách với Bố Ơi Mình Đi Đâu Thế, Tôi Muốn Về Nhà, Mình Già Đi Cùng Nhau hay những bài hát về xã hội, về mẹ, về bóng đá. Tôi nghĩ cái nào cũng thế thôi, quan trọng là bản thân mình đang cung cấp những gì tốt nhất cho khán giả, thì những gì nhận lại sẽ tương xứng với thứ đã cho đi, thực tế hiện tại đã chứng minh điều đấy. 

* Nhưng bản thân anh có nghĩ việc thay đổi sẽ làm đối tượng khán giả của mình bị hạn chế hơn? 

Khán giả của tôi đã lớn lên cùng với tôi và khi có gia đình rồi thì họ vẫn yêu thích tôi. Khi họ biết được những giá trị khác của cuộc sống từ những trải nghiệm, họ càng yêu thích mình hơn. Ban đầu tôi cũng có những lo ngại giống như vậy, nhưng rồi thấy giá trị tình cảm và con người ta đặt vào nhau, chỉ cần mình làm việc bằng tất cả cái tâm. Sẽ có lúc mình chìm một chút, có lúc mình nổi lềnh bềnh một chút, có lúc mình rực rỡ một chút nhưng quan trọng nhất là mình vẫn nhớ về nhau và giá trị âm nhạc của mình không làm cho người ta phải bức xúc hay nghe xong 1 lần là “next” luôn. Chỉ cần âm nhạc của mình có đọng lại với khán giả, dù nhiều hay ít thì chắc chắn chúng ta vẫn sẽ gặp nhau theo 1 cái cách nào đó. 

Tất nhiên, Hoàng Bách cũng sẽ làm nhạc tình, nhưng theo 1 góc khác bởi mình muốn hát day dứt, đau khổ cũng khó. Bây giờ tôi sẽ kể chuyện, những câu chuyện day dứt, những câu chuyện chia ly đau khổ theo cách của một người có trải nghiệm. Bởi vì tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống này đều quý giá, dù cho đó là nỗi buồn. Đương nhiên, mình cũng phải chấp nhận sự khác biệt so với ngày xưa, mình không phải là con số mà mọi người đang định giá, nhưng mình là chính mình và có vị trí riêng của mình là được. 

Hoàng Bách: “Nếu người khác hay hơn, mình phải chấp nhận bị thay thế”:

* Làng nhạc Việt hiện tại xuất hiện rất nhiều nghệ sĩ trẻ đầy tài năng và bản lĩnh, điều đó khiến cho nhiều nghệ sĩ dù có nhiều năm kinh nghiệm vẫn phải liên tục thay đổi bản thân để theo kịp giới trẻ. Bản thân anh Hoàng Bách có sợ câu chuyện qua thời hay tụt lại so với những bạn nghệ sĩ trẻ hiện tại? 

Tôi nghĩ câu hỏi này sẽ dành cho rất cả mọi người, bởi vì làm nghề nào cũng sẽ luôn có sự cạnh tranh, nên chuyện mình phải “lột xác” liên tục là không thể thiếu. Chúng ta giống như một củ hành, phải lột vỏ liên tục để đáp ứng được những cái mới, dù cho mỗi lần lột là mỗi lần đau đớn, nhưng mình phải chấp nhận cuộc chơi của cuộc sống này là như vậy. Không có ngành nghề nào tránh khỏi cả, đặc biệt với những nghề nhiều cạnh tranh, mang tính chất như một lớp kem trên chiếc bánh như ngành giải trí.

Những người nghệ sĩ chuyên nghiệp khi đứng ở vị trí spotlight thì phải hiểu được cái áp lực đó. Một ngày làm việc, một buổi tối diễn trên sân khấu của người nghệ sĩ đôi khi bằng cả 1 năm người khác lao động. Nên vị trí đó không phải ai cũng làm được, nhưng ai cũng mơ ước có được, nên áp lực sẽ lớn hơn những chỗ khác rất nhiều lần. 

Cũng giống như việc tạo ra một cầu thủ chuyên nghiệp đá bóng tốt thì phải vượt qua hàng nghìn đứa bé khác. Đến khi được ra trên sân, từng khoảnh khắc bạn đều phải quý trọng, cạnh tranh và chấp nhận đổ máu để lao vào và khẳng định bản thân. Với ngành giải trí, để có được khoảnh khắc đứng trên sân khấu, thì trước đó là khoảng thời gian lao động, tư duy, phải thay đổi và dám đánh đổi thì mới xứng đáng đứng ở chỗ có spotlight. Còn nếu người khác hay hơn, bạn phải chấp nhận chuyện bị thay thế. 

Khi nhìn các anh Hoài Sa, anh Bằng Kiều hay anh Lam Trường đến bây giờ vẫn rất đắt show, tôi cũng tự nhủ rằng “Các anh chị vẫn đang làm được, bản thân mình vẫn phải cố gắng mỗi ngày. Thị trường và khán giả không thiên vị bất cứ ai, chỉ cần chạm được vào họ, thì bạn xứng đáng tồn tại". 

Cũng như cầu thủ ra sân, tại sao tôi viết ra sân? Sân cỏ cũng được, sân khấu cũng được, nhưng từng khoảnh khắc sẽ cho bạn biết bạn có xứng đáng hay không, hiệu quả công việc sẽ nói lên là bạn có xứng đáng hay không. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta lại không cố gắng mà ngồi than thân trách phận rằng cái nghề này bạc hay cuộc sống này kinh khủng quá. Đối với Hoàng Bách, chỉ có một cách là cứ làm chính mình và phải chiến thắng trong từng khoảnh khắc để tồn tại. 

Hoàng Bách:

* Từng là thành viên của nhóm nhạc AC&M, sau 20 năm Hoàng Bách vẫn là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm. Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng giúp mình vẫn giữ nhiệt với khán giả?

Tôi nghĩ đó là sự quyết liệt với những lựa chọn, tin vào bản thân mình và tình yêu dành cho công việc. Hoàng Bách luôn xem khán giả của mình là bạn và đối xử chân thành bằng những sản phẩm âm nhạc. Tất nhiên cũng có những giai đoạn tôi bị tuột mood, thất vọng về chính mình và nhìn mọi thứ tiêu cực. Nhưng mà mọi thứ chỉ thoáng qua thôi, vì tôi biết dù có chuyển qua bất cứ công việc nào khác, thì áp lực vẫn sẽ như vậy.

Mỗi ngày khi thức dậy, tôi biết hôm nay mình sẽ có 24 giờ để sống, nếu may mắn. Vậy nên tôi phải làm tốt nhất, trốn chạy chưa bao giờ là lựa chọn của Bách. Vì từ bé mình đã vạch ra những con đường, mục tiêu phải đạt được, những điểm phải đi đến. May mắn là tôi đang làm được những điều đấy, từ 1 thằng cô đơn, tôi đang có một gia đình và mọi người ở bên cạnh. 

Có những giai đoạn tôi gặp nhiều khó khăn trong việc định hình bản thân, không biết mình sẽ làm gì tiếp theo với âm nhạc. Cũng có những giai đoạn tôi nghĩ mình đến đây là hết, không khai thác được nữa rồi, phải tìm một công việc ổn định và nuôi gia đình một cách đơn thuần. Nhưng khi ngồi trong bóng đêm và nhìn sâu vào những suy nghĩ, tôi nhận ra đây là công việc mình giỏi nhất và mình không thể làm công việc nào giỏi hơn. Vậy tại sao mình không tiếp tục làm nó sau một khoảng thời gian dài đi cùng nhau? 

Chúng ta có thể ngồi than trách và lo sợ, nhưng mình cũng có thể chọn đứng dậy và làm tiếp. Nhưng có một điều tôi học được từ thực tế là “tất cả những gì mình làm đều là thành công. Nó có thể trông không giống như mình mong muốn, thậm chí là trông giống một thất bại nhưng nó không phải thất bại". 

Như bài hát Tôi Muốn Về Nhà được mình viết năm 2014 và đặt rất nhiều hy vọng nhưng hiệu ứng lại không được tốt. Lúc đó mình đã nghĩ ca khúc là một sự thất bại, nhưng không ngờ rằng một vài năm sau, bài hát lại được chọn làm nhạc phim Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình và được nhiều người khen ngợi. Cho nên thành công và thất bại vốn có nhiều góc nhìn và cần thời gian để trải nghiệm. Thành công cũng chưa chắc là thành công, thất bại cũng chưa chắc là thất bại, quan trọng nhất là mình được làm, được cống hiến thì như thế đã là thành công rồi.

Hoàng Bách:

* Bên cạnh âm nhạc thì Hoàng Bách cũng được nhiều người ngưỡng mộ khi có một gia đình hạnh phúc. Bí quyết giúp anh chị giữ lửa hôn nhân sau gần 20 năm bên nhau là gì?

Vợ chồng Hoàng Bách không bao giờ nghĩ đến việc phải như thế nào để giữ lửa hôn nhân, mà tất cả những gì dành cho nhau đều rất tự nhiên. Bởi vì mình yêu nhau, mình cần nhau và mình thích ở bên cạnh nhau giống như trong mối quan hệ của bất cứ ai hay gia đình nào khác, mình cứ chân thành với nhau. Đôi khi sẽ có một chút căng thẳng, nhưng hơn 90% còn lại là sự sát cánh, vì nhau và cảm xúc thật sự cứ rung lên mỗi lần gặp nhau. Tôi nghĩ tình yêu tự nhiên đó chính là điều đầu tiên. 

Thứ 2 là khi nhìn vào những quãng đường khó khăn mà mình đã vì nhau vượt qua. Sau bao nhiêu đó thời gian, mình hiểu ít nhất giờ đây chúng ta là 1 cặp, chúng ta là người yêu thương nhau nhất và muốn vì nhau nhất, chúng ta lại có thành quả chung là 3 đứa con như thế. Mỗi lần hôn con, ôm con vào lòng, nhìn thấy con mình đang trưởng thành là tôi lại thấy hạnh phúc. Hóa ra những thứ mình làm mỗi ngày, bây giờ đã được đắp vào da vào thịt của các con, vợ chồng cứ nhìn nhau như vậy mà sống. 

Thỉnh thoảng, hai vợ chồng cũng dành cho nhau những khoảng thời gian riêng, nhắn tin trêu nhau suốt ngày như những người bạn. Bây giờ mối quan hệ không chỉ là hai người yêu nhau, mà đã trở thành 2 đứa bạn đời. Cuộc sống này muôn hình vạn trạng lắm, mọi thứ rồi sẽ phát triển, cả tâm lý của mình cũng thế. Mình không thể nói trước cái điều gì cả, nhưng ít nhất ở khoảng thời gian này và những gì đã qua, mình đều chân thành với nhau 100% và hy vọng là sẽ tiếp tục như thế. 

Hoàng Bách:

* Từng là một người mẫu, nhưng bà xã hiện tại đã lui về làm hậu phương và làm mẹ của 3 con, anh có muốn bù đắp nhiều hơn cho bà xã?

Tôi và vợ gặp nhau lần đầu đúng là trên sân khấu, đến lần thứ 2 gặp lại thì thấy cô ấy catwalk áo dài đẹp quá nên quyết định làm quen thử, ai ngờ đi với nhau đến tận giờ này. Nhưng phải nói rõ rằng việc bà xã trước đó từng làm người mẫu cũng chỉ là công việc bán thời gian, kiếm thêm tiền thời sinh viên chứ không hẳn là sự nghiệp. Khi gặp tôi thì cũng là lúc cô ấy nhận ra bản thân chỉ xem công việc đó là một trải nghiệm chứ không phải là hy sinh quá về sự nghiệp.

Cũng may mắn là cả hợp nhau và tôi cũng nhìn thấy niềm đam mê lớn nhất của bà xã mình đó là rất yêu việc làm mẹ. Cô ấy cũng rất lanh lợi trong việc kinh doanh, quản lý nên những năm gần đây, tôi được tập trung nhiều hơn cho sự nghiệp là nhờ có bà xã hỗ trợ quản lý công việc cùng ekip. Nhờ đó mà tôi có thể làm thêm được những thứ lớn lao hơn cho xã hội, được tung bay nhiều hơn.

Tôi cảm thấy biết ơn vì bà xã luôn đồng hành trong mọi quyết định của mình, cả về công việc lẫn cuộc sống. Thay vì mua thêm chiếc túi, đổi chiếc xe hay mua một cái nhà, cô ấy luôn sẵn sàng để mình đầu tư cho các dự án mà mình muốn. 

* Những lúc anh đi đá bóng và gặp chấn thương, bà xã có phàn nàn, lo lắng nhiều không? 

Thấy chồng của mình, cha của các con mình đau, rồi nằm một chỗ thì cũng đau và lo lắng chứ. Nhưng vợ cũng biết tính tôi đôi khi muốn làm gì là sẽ làm cho bằng được, thậm chí là bất chấp. Điều mà vợ lo nhất khi tôi đi đá bóng là da của mình sẽ bị nám, mà với người nghệ sĩ thì khi lên sân khấu phải đẹp, phải tôn trọng khán giả của mình. Đó là điều mà tôi hoàn toàn đồng ý. 

Nhưng bóng đá cũng tạo cho mình tính quyết liệt, kỷ luật, năng lượng và sự phản xạ, bởi kết nối của bóng đá vốn đẹp và tự nhiên lắm. May mắn là người phụ nữ của mình biết và hiểu được điều đó, nhưng đôi khi cũng phải can ngăn mình bớt đá bóng vì âm nhạc lành hơn. Những khi trong đội hay anh em có chuyện gì là phải mất cả ngày để giải quyết. 

Có những hôm ra sân mà đội mình thua là về nhà vợ con nhìn mặt là đều biết ngay. Cả nhà đều biết tôi sống với năng lượng bóng đá nên bản thân mình cũng cố gắng cân bằng, tìm những điểm tích cực để tham gia. Đó là sự cố gắng của mình thôi, còn vợ la vì bóng đá thì cứ la hoài! 

* Nhiều nghệ sĩ thường không công khai hình ảnh của con vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của bé. Bản thân anh có cảm thấy việc mình là một nghệ sĩ sẽ ảnh hưởng đến các con?

Điều đó phụ thuộc vào lựa chọn,tư duy của mỗi người, nhưng tôi thấy càng ngày mọi người càng có xu hướng công khai con mình. Bởi vì nếu điều đó đẹp thì có gì phải giấu? Nếu con mình được sinh ra là con của 1 người nổi tiếng, luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của mọi người thì mình phải chấp nhận cái thực tế ấy. 

Chúng ta có thể lo sợ áp lực truyền thông, lo sợ ngôn từ tiêu cực nhắm vào con mình khi bé còn quá ngây thơ, cần sự bảo vệ. Nhưng với sự phát triển của truyền thông bây giờ thì dù có cố gắng, chúng ta vẫn không thể tránh được. Ngay cả bản thân tôi khi cho con tham gia Bố Ơi Mình Đi Đâu Thế mấy năm trước cũng không nghĩ đến việc đó đâu, nhưng khi mọi thứ xảy đến thì mình nhận ra rằng mình không tránh được và cũng không cần phải tránh. 

Tất nhiên, mình sẽ không sử dụng con như tấm khiên hay một công cụ để thu hút sự chú ý, nhưng hãy để mọi thứ tự nhiên, các con không có tội gì mà mình phải giấu. Giống như khi tôi cưới vợ mới nhận ra điều đó làm mình mất fan nhiều. Nhưng tôi cũng tự hỏi tại sao vợ lại không được đi bên cạnh khi hào quang của tôi tỏa sáng? Cô ấy là một phần cuộc đời tôi mà!

Tôi nghĩ là các con mình bây giờ cũng đã thoải mái với việc là con của bố Hoàng Bách. Tôi nhớ hồi gia đình mới chuyển nhà và các con chuyển trường mới, ngày đầu tiên tan trường, tôi đến đón con và hỏi có ai nói gì con không, cậu bé vô tư đáp: “Cũng có, nhưng mà có mấy anh kia bảo rằng bố mày là ca sĩ hết thời”. Lúc đó, bé cũng đâu thể tránh được việc là con mình, nên mình cũng phải rèn luyện cho con cách để đối mặt.

Thật ra mình hay nói con của người bình thường và con của người khác thường, nhưng chẳng có ai là người bình thường, ai cũng là người khác thường khi làm cha mẹ. Dù là con ai thì cũng sẽ có những áp lực là con của người đấy. Chúng ta không thể mơ ước mình là con người này, không phải con người kia. Chúng ta đầu tiên phải biết ơn việc mình có mặt trên đời, thứ 2 là thích nghi và thứ 3 là sống tốt. Đó là phương châm của gia đình mình. 

Hoàng Bách:

* Từng được mẹ khuyên nên theo đuổi âm nhạc và rất thành công, anh có định hướng cho các con theo đuổi nghệ thuật giống mình? 

Tôi có cho các con học nhạc nhưng định hướng thì không hẳn. Bạn lớn 17 tuổi và có chơi piano cổ điển, sắp tốt nghiệp bậc trung cấp của một văn bằng quốc tế về piano cổ điển. Bạn có năng khiếu âm nhạc nhưng bạn lại không có đam mê và chịu dấn thân. Cậu bé chia sẻ rằng mình học nhạc để đi du học có thể đi dạy gia sư piano thay vì phải đi phục vụ, dọn dẹp. 

Bạn con gái thứ 2 thì mê văn nghệ hơn, ở trường có bao nhiêu câu lạc bộ là bé đều tham gia hết. Nhưng đây chỉ là những cái làm con vui, còn tương lai thế nào sẽ do con tự quyết định, mình sẽ chỉ cho các con môi trường để phát triển niềm đam mê mà thôi. 

Bé út thì cũng mê nhạc, cứ hát nghêu ngao cả ngày vậy thôi. Mình cho các con học nhạc, muốn các con có âm nhạc trong người là để các bé có thể khai phá tâm hồn, nhìn mọi thứ mềm mại, uyển chuyển và có tư duy sống khác hơn. Còn về công việc như một nghề thì đó là lựa chọn của các bé! 

Cảm ơn những chia sẻ của anh Hoàng Bách! 

Hãy cùng VOH Giải trí cập nhật những thông tin nhanh nhất tại chuyên mục tin show.

Thiết kế: Thảo Nguyên

Bình luận