Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu ca dao ‘Anh em như thể tay chân’ khuyên chúng ta điều gì?

(VOH) - Bên cạnh việc phê phán những thói hư, tật xấu của con người, các câu ca dao xưa còn ca ngợi tình cảm đẹp đẽ của những người thân trong gia đình, điển hình có câu ‘Anh em như thể tay chân’.

Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng và trân quý nhất. Nó được thể hiện rõ qua các câu tục ngữ ca ngợi về công ơn dưỡng dục của cha mẹ, tình cảm vợ chồng, đạo làm con,... Bên cạnh đó, một số câu tục ngữ còn nói về tình cảm anh em ruột thịt, như câu “Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”.

1. “Anh em như thể tay chân” có ý nghĩa gì?

anh-em-nhu-the-tay-chan-voh-0
Anh em một nhà, chảy chung một dòng máu thì phải gắn bó keo sơn, luôn yêu thương, quan tâm lẫn nhau

Phần lớn các câu ca dao, tục ngữ thường ghi dấu ấn bằng hình ảnh so sánh ví von, truyền tải những thông điệp quý giá. Câu ca dao “Anh em như thể tay chân/Rách làm đùm bọc dở hay đỡ đần” là một ví dụ điển hình. 

Không phải tự nhiên mà cha ông ta lấy hình ảnh tay chân để so sánh với tình cảm anh em. Tay và chân là hai bộ phận quan trọng không thể thiếu của con người. Hai bộ phận này có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động sống của chúng ta. Còn anh em là những người có chung huyết thống. 

Khi nhắc đến bộ phận trên cơ thể, người ta hay nói tay chân hoặc chân tay, chứ không tách rời từng bộ phận ra để nói. Từ đó cho thấy chúng có mối quan hệ mật thiết, nếu thiếu một trong hai, chúng ta sẽ hoạt động khó khăn, bất tiện. Tay chân kết hợp với các bộ phận khác tạo nên sự hoàn chỉnh và thẩm mỹ cho vẻ đẹp của con người.

Tình cảm anh em cũng vậy. Đã là anh em một nhà, chảy chung một dòng máu thì phải gắn bó keo sơn, luôn yêu thương, quan tâm lẫn nhau, biết “rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Tuy hai mà một, phải biết san sẻ, đỡ đần nhau trong lúc ốm đau, hoạn nạn, khó khăn hay khi giàu sang phú quý cũng không bỏ nhau. 

“Anh em như thể tay chân” có thể hiểu anh là tay, em là chân, chỉ khi phối hợp nhịp nhàng mọi việc mới suôn sẻ, trơn tru. “Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần” là một lời khẳng định về tình nghĩa anh em một nhà. Dù có trải qua gian khó như thế nào cũng phải đồng lòng vượt qua, không rời bỏ nhau.

Xem thêm: 90+ Câu ca dao, tục ngữ về tình cảm gia đình hạnh phúc

2. “Anh em như thể tay chân” - Triết lý sâu xa dạy chúng ta cách làm người

anh-em-nhu-the-tay-chan-voh-1
Lớn lên, tình cảm anh em vẫn còn tồn tại mãi và không bao giờ thay đổi

Có bao giờ bạn tự hỏi mình có yêu gia đình không? Chắc là có rồi nhỉ? Vì gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng, nâng đỡ cả về thể xác lẫn tâm hồn con người và nuôi dạy chúng ta thành người.

Những giây phút chúng ta yếu lòng hay mệt mỏi với những bão giông cuộc đời, gia đình là nơi ta tìm về để được an ủi và sưởi ấm trái tim giá lạnh. Nhà là nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị,... những người cho ta động lực vượt qua thử thách, chông gai để vươn đến bến bờ của hạnh phúc, của thành công.

Ngoài tình cảm cha mẹ, tình cảm anh em cũng quan trọng không kém. Đây là một mối quan hệ tốt đẹp và đáng được chúng ta trân trọng, gìn giữ. Anh em là người cùng ta trải qua những ngày ấu thơ, cùng vui đùa, chạy nhảy,... Lớn lên, tình cảm ấy vẫn còn tồn tại mãi và không bao giờ thay đổi. 

Trong cuộc sống, khi chúng ta vấp ngã trên con đường đời, ngoài cha mẹ thì anh em chính là người sẽ giang rộng đôi tay để che chở chúng ta, mang đến niềm tin, động lực cho chúng ta bước tiếp. Chỉ có những người thân trong gia đình mới sẵn sàng rộng lượng, bao dung cho những lỗi lầm mà chúng ta gây ra bởi “anh em như thể tay chân”, thiếu đi bất cứ bộ phận nào cũng trở nên không hoàn chỉnh.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải luôn yêu thương, giúp đỡ,  sẵn sàng hi sinh cho anh em mà không cần báo đáp. Anh em có sự gắn bó khăng khít, không thể tách rời, tạo nên một bức tranh đầy đủ trong gia đình. Đừng thấy khó khăn, gian khổ mà rời bỏ anh em mình. Hãy kề vai sát cánh với anh em để đối mặt với những thử thách, chông gai vì “Anh em là thể tay chân” mà.

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’ dạy chúng ta bài học về tinh thần đoàn kết trong gia đình

3. “Câu chuyện bó đũa” cùng quan niệm là anh em có cần hơn thua với nhau không?

“Câu chuyện bó đũa” là một bài học ý nghĩa về tình cảm anh em. Câu chuyện diễn ra như sau:

Ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ có hai người anh em sống cùng với cha. Từ khi còn nhỏ, hai anh em rất yêu thương nhau. Thế nhưng, khi đến tuổi “dựng vợ gả chồng” thì hai anh em lại xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh chấp với nhau. Họ hay đối chọi nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất, người cha thấy vậy thì rất phiền lòng.

Đến một ngày, người cha cho gọi bốn người con và đưa ra thử thách bẻ gãy một bó đũa sẽ được thưởng một túi tiền. Lần lượt từng người con cầm bó đũa lên thử sức nhưng không sao bẻ gãy được. Rồi người cha tháo rời bó đũa ra và bẻ gãy từng chiếc một. Bốn người con vô cùng ngạc nhiên và cho rằng bẻ gãy từng chiếc thì đâu có gì khó. 

Thấy thế, người cha liền nói: “Các con thấy đấy, khi chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh. Do đó, các con biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.”

anh-em-nhu-the-tay-chan-voh-2
Chỉ khi anh chị em biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau thì mới có sức mạnh vượt qua nghịch cảnh

Từ câu chuyện trên, chúng ta rút ra được bài học quý giá cho bản thân: Chỉ khi anh em biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau thì mới có sức mạnh vượt qua nghịch cảnh. Mỗi chiếc đũa tượng trưng cho từng cá nhân. Khi cá nhân tách ra khỏi gia đình và xã hội thì sức mạnh cũng trở nên nhỏ bé và yếu ớt vô cùng. 

Xem thêm: 50 câu ca dao, tục ngữ về anh em đầy ý nghĩa có từ ngàn xưa

Cha ông ta thường bảo “Anh em như thể tay chân”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Do đó, đã là anh em thì hà cớ gì phải hơn thua, ganh ghét đố kị với nhau. Tại sao chúng ta không cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ nhau mọi mặt trong cuộc sống. Anh em thì nên biết yêu thương, nhường nhịn nhau để sống, để trở thành “cánh tay” đắc lực, là hậu phương vững chắc của người kia.

Là người một nhà thì không nên đấu đá nhau, chia năm sẻ bảy làm gì. Nó chỉ khiến cho người thân chúng ta đau lòng, thiên hạ cười chê mà thôi. Con người sống với nhau vì cái nghĩa, cái tình chứ không phải chạy theo tiền tài, vật chất để đánh mất đi những tình cảm anh em quý giá, thiêng liêng. Tiền tài mất rồi có thể kiếm lại được nhưng khi tình cảm phai nhạt thì rất khó để hàn gắn như ban đầu.

Câu tục ngữ “Anh em như thể tay chân” là châm ngôn sống, là kim chỉ nam giúp con người có định hướng rõ ràng, hành xử đúng chuẩn mực. Dù có gian nan, sóng gió chỉ cần chúng ta biết nắm tay nhau, đùm bọc lẫn nhau thì chuyện gì cũng có thể giải quyết được. Hãy sống có tình có nghĩa, đối xử tốt với anh em rồi tâm hồn chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và trưởng thành hơn. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận