Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau

VOH - Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta bắt gặp những kẻ “thùng rỗng kêu to”. Thế nhưng, "thùng rỗng kêu to" nghĩa là gì?

Trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ được đúc kết từ những kinh nghiệm sống quý báu của người xưa. Thành ngữ, tục ngữ không chỉ ngợi ca tinh thần dân tộc, tính đoàn kết, lòng nhân ái… mà còn dùng để châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu của con người trong xã hội. Một trong những câu thành ngữ thể hiện sự rõ điều này chính là “thùng rỗng kêu to”.

Hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa của thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và những ẩn dụ đằng sau nhé!

"Thùng rỗng kêu" to là gì?

"Thùng rỗng kêu to" là một câu thành ngữ quen thuộc, được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày.

Chúng ta biết rằng, “thùng rỗng” là cụm từ dùng để chỉ một chiếc thùng không chứa bất kỳ thứ gì ở bên trong. Thông thường, với chiếc thùng có chứa đồ vật bên trong, khi gõ vào thì thùng sẽ dao động với biên độ nhỏ vì bị các đồ vật bên trong cản lại, nên âm thanh phát ra cũng nhỏ. Ngược lại, với chiếc thùng rỗng, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh rất to, bởi nó không gặp bất kỳ sự cản trở dao động nào ở bên trong.

Thùng rỗng kêu to 1
"Thùng rỗng kêu to" là câu thành ngữ được dùng để chỉ những kẻ ba hoa, khoác lác, rỗng tuếch và lố bịch - Ảnh: Ineternet

Trong dân gian, ông cha ta đã dùng thành ngữ “thùng rỗng kêu to” để ám chỉ, phê phán những người có sự hiểu biết hạn hẹp nhưng lại thích khoe khoang, khoác lác.

Theo đó, “thùng rỗng” được ví như người có trình độ, năng lực thấp kém nhưng lại thích “kêu to”, nghĩa là lúc nào cũng tỏ vẻ tri thức, thông thái. Những người này thường phô trương sự hiểu biết của mình để nhận được sự ngưỡng mộ và ganh tị từ người khác.

"Thùng rỗng kêu to" và “căn bệnh” tự cao tự đại

Trong xã hội, không phải ai cũng có chí tiến thủ, nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện bản thân. Bên cạnh những người khiêm tốn, có rất nhiều người thích thể hiện bản thân dù họ chẳng hề tài giỏi.

Tính cách xấu khiến cuộc sống chúng ta tụt xuống mỗi ngày. Ban đầu có thể chỉ là những câu chuyện vụn vặt, nhưng sau đó nó có thể sẽ trở thành thói quen khó bỏ.

Với những người “thùng rỗng kêu to” cũng không ngoại lệ. Đầu tiên, phải kể đến chính là căn bệnh tự cao, tự đại. Chính vì thói quen tự mãn, kiêu căng, họ dường như chẳng coi ai ra gì, lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây, cái gì cũng biết, cũng giỏi. Từ đó sinh ra bảo thủ, không chịu đổi mới và cũng chẳng muốn đổi mới.

Người có tính tự cao, tự đại luôn thích tâng bốc bản thân lên cao, cho rằng ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi người khác, cũng không thích bị góp ý, phê bình. Đây là một “căn bệnh” cực kỳ gây khó chịu cho người khác.

Dân gian có câu “núi này cao còn có núi cao hơn”, mình tài giỏi thì cũng có người tài giỏi hơn, mình biết thì cũng có người biết hơn. Trí tuệ, tri thức, thông tin của loài người không ngừng biến đổi, phát triển liên tục. Nếu bản thân tự mãn, không chịu học hỏi, tiếp thu cái mới thì đến cuối cùng sẽ bị xã hội đào thải.

Cổ nhân từng dạy: "Mình không biết mà bảo rằng mình không biết. Như vậy coi như là đã biết rồi vậy”. Câu nói này được dùng để khuyên răng những người hay tự cao, tự đại phải biết khiêm tốn, học hỏi người khác, bởi không chịu học thì không biết, mà không biết thì không thể làm được.

Thùng rỗng kêu to 2
Tính cách "thùng rỗng kêu to" có thể hình thành nên căn bệnh tự cao , tự đại - Ảnh: Internet

Thứ hai, người hay “thùng rỗng kêu to” thường dễ mắc phải căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩa là họ mới biết được một chút, làm được một ít thì đã cho rằng bản thân rất tài giỏi, hiểu biết hết mọi thứ trên đời nên phải đứng trên người khác. Hành động, lời nói đều mang phong cách “lãnh đạo”, “chỉ đạo” người khác.

Thế nhưng, họ lại chẳng hề biết rằng, những việc họ làm nếu đem so với những người tài giỏi thật sự thì vô cùng nhỏ bé, chẳng đáng là bao. Điều cấm kỵ nhất khi làm người chính là tự mãn với năng lực của bản thân và phô trương những gì mình có trước mặt mọi người. Mỗi người chỉ cần làm tốt những việc mình được giao đã là một cách giúp bản thân tiến bộ.

Thứ ba, “thùng rỗng kêu to” cũng là một biểu hiện của thói ba hoa, khoác lác, mà ngôn ngữ giới trẻ hiện nay hay gọi là “nổ”, “chém gió”… Ngoài mặt lúc nào cũng tỏ ra luôn có ánh hào quang xung quanh mình còn bên trong thì đang lo sợ không biết có bị mọi người phát hiện ra lỗi gì không?

Thực tế, đó chẳng qua chỉ cách che giấu đi sự yếu kém của bản thân, không muốn để người khác biết “trí tuệ” thật của mình, nên họ chủ động khoe khoang ra trước mặt mọi người.

Nên biết rằng, những người tài giỏi thật sự thường rất kín tiếng, bởi chỉ cần họ có tài, có thành tựu nổi bật thì ai cũng biết, chẳng cần phải khoe. Chỉ có những người “vô danh tiểu tốt” chẳng ai biết nhưng lại thích nổi tiếng thì mới tìm cách khoác lác để “lòe" thiên hạ.

Thế nhưng, họ đâu biết chính bản tính ba hoa, khoác lác của mình có thể tạo ra “lỗ hổng” để kẻ khác lợi dụng, trở thành những cái “loa" phát ngôn không công, lừa đảo người thân, bạn bè mà ngay cả bản thân cũng không hề hay biết. Nhẹ thì gây mất thiện cảm, lòng tin. Nặng thì có thể vướng vào vòng lao lý.

Có thế thấy, ban đầu “thùng rỗng kêu to” chỉ là một thói quen trong tính cách nhưng dần dà nó lại trở thành một “căn bệnh” trầm kha có thể lây lan cho người khác.

Mà đã là bệnh thì bắt buộc phải trị. Cách đơn giản nhất để chữa căn bệnh “thùng rỗng kêu to” chính là bản thân mỗi người phải tự “biết mình, biết ta”. Hãy học cách sống khiêm tốn, thật thà, chân thành, tôn trọng người khác, luôn cố gắng nâng cao tri thức bản thân để không bị tụt lại phía sau xã hội.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cầm đèn chạy trước ô tô’ là gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ 'Hứa hươu hứa vượn' nói lên điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’ khuyên chúng ta điều gì?

Những câu nói hay về "thùng rỗng kêu to"

Ý nghĩa thành ngữ “thùng rỗng kêu to” vô cùng rõ ràng, thể hiện sự phê phán những người hiểu biết thì ít nhưng lại thích tỏ ra vẻ tri thức, hiểu biết sâu rộng. Trong dân gian, ngoài câu “thùng rỗng kêu to” thì vẫn còn một số câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao khác có ý nghĩa tương tự. Chẳng hạn:

1. Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng.

2. Tiền giấy luôn im lặng, tiền xu luôn có tiếng.

(chèn link) Ý nghĩa thành ngữ
Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về tính tự cao, tự mãn ý nghĩa - Ảnh: Internet

3. Chiều chiều mượn ngựa đi đua
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về tới chợ Tầm Vu
Mua một cây dù che nắng che mưa.

Rõ ràng, tính cách "thùng rỗng kêu to" chẳng mang lại bất kỳ lợi ích nào cho bản thân, gia đình và xã hội. Thậm chí, nó còn có thể biến chúng ta trở nên xấu xí hơn trong mắt mọi người. Vậy nên, đừng để bản thân trở thành một hình ảnh minh họa cho câu thành ngữ “thùng rỗng kêu to”. Chúng ta phải biết rõ năng lực của mình ở đâu và chú tâm cải thiện nó. Nếu không thay đổi, thì 10 năm, 20 năm sau hoặc có khi về già, chúng ta vẫn chỉ là những kẻ vô danh thích “làm màu”.

Đừng bỏ lỡ những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận