Chờ...

Chuyển đổi số và kiểm soát “quyền lực” mạng xã hội

(VOH) – Trong xu thế số hóa, mạng xã hội đang có được “quyền lực” truyền thông lan tỏa và tác động đến dư luận xã hội.

Đã có ngày “Chuyển đổi số quốc gia 10/10”; chuyển đổi số gần như là yêu cầu chọn lựa bắt buộc đối với chiến lược phát triển của tất cả địa phương, ban ngành và doanh nghiệp; hơn 90 triệu thuê bao sử dụng smartphone với hơn 80% lướt web tin tức hàng ngày và theo dõi mạng xã hội. Việt Nam là quốc gia tiếp cận và tăng trưởng nhanh công nghệ số đối với hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống.

Thương mại điện tử, số hoá hoạt động, mạng xã hội…đang là những ngôn từ xuất hiện thường trực trong các phát biểu chỉ đạo định hướng của lãnh đạo cũng như trong những câu nói cửa miệng của đời sống thường nhật. Nó không chỉ ảnh hưởng qua lời nói mà còn tạo thay đổi thói quen hành vi trong hành xử hàng ngày. Chụp hình bằng smartphone để gửi và đăng ảnh đã trở nên quá phổ biến; làm việc gần nhau nhưng vẫn thói quen thao tác nhắn tin; ngồi họp vẫn thường đọc xem nội dung trên phần mềm quản lý văn bản và lướt web tin tức bằng smartphone…

Đó là những mặt tích cực của xu thế số hoá đã ăn sâu vào các ngóc ngách xã hội.

Chuyển đổi số và kiểm soát “quyền lực” mạng xã hội 1
Ảnh minh họa

Nhưng số hoá và mạng xã hội cũng làm con người ít giao tiếp trực tiếp, dễ rơi vào trầm cảm hơn; tạo không ít những thói quen mới xung khắc với những giá trị truyền thống vốn dĩ là văn hoá bấy lâu của nhiều thế hệ, kể cả những tập tục, lề lối, cách ứng xử, ngôn phong…

Mạng xã hội đôi khi “đưa thế giới lại gần nhưng lại đưa gia đình ra xa” là vậy.

Với truyền thông, số hoá đã tạo cho con người có cơ hội tiếp cận rộng hơn, nhanh hơn với nhiều nguồn tin, kiến thức. Số hoá và mạng xã hội đã tự trao cho mỗi chủ thể quyền được phát ngôn, được xuất bản thông tin trên các nền tảng số hoá, nơi lan tỏa nhanh, chi phối sâu-rộng đến dư luận xã hội, kể cả đến tận từng nhóm người dùng thiết bị số…

Nhà báo công dân ra đời với quyền xuất bản thông tin ngang bằng với những nhà báo chuyên nghiệp; thậm chí có những cá nhân tạo lượng theo dõi đông đến mức ảnh hưởng mạnh hơn cả một cơ quan báo chí. Nguy hại hơn, ở đó cá nhân tự do thể hiện thông tin một cách chủ ý.

Mạng xã hội ngày nay có sức mạnh tựa như “quyền lực vô hình” chi phối và ảnh hưởng lớn đến nhận thức, cảm xúc, hành vi, thậm chí là các quyết định xã hội.

Trên mạng xã hội, những nội dung vi phạm quy định pháp luật về thông tin thì dễ xử lý và tém dẹp; nhưng với những thông tin chưa tới mức, thậm chí không vi phạm quy định mà lại gây ảnh hưởng bất lợi cho xã hội, phương hại đến uy tín cá nhân… là điều đáng quan ngại.

Ngày xưa những thông tin bị “đồn thổi” chỉ ảnh hưởng ở không gian thông tin hẹp, nhưng với mạng xã hội ngày nay, những thông tin “đồn thổi” đó lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền cá nhân và lợi ích xã hội bởi sự lan tỏa nhanh, rộng mà thiếu kiểm chứng.

Nguy hiểm còn nằm ở chỗ những loại thông tin “đồn thổi” đó thường tạo sự ly kỳ hấp dẫn dễ được số đông tiếp nhận, bởi trong tiềm thức con người vốn tồn tại tâm lý tò mò, thích những chuyện lạ, chuyện giật gân, câu view, đặc biệt liên quan đến những người có tiếng.

Vô hình trung mạng xã hội có được “quyền lực” truyền thông lan tỏa và tác động đến dư luận; nguy hiểm nhất trong trường hợp những thông tin giật gân chưa được kiểm chứng. Thậm chí có những thế lực sử dụng không gian mạng để thao túng dư luận đối với các vấn đề nhạy cảm, gây bất ổn đời sống kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại Củ Chi đã chia sẻ: “Mạng xã hội thông tin đa chiều, tạo những ảnh hưởng phức tạp; nhiều biện pháp ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại đã được các ban ngành triển khai, nhưng việc ngăn chặn thông tin bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo các cấp vẫn còn khó khăn, hạn chế. Mở YouTube, Facebook lên vẫn còn nhan nhản thông tin nói xấu, 1 nói thành 1.000…”

Như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phát biểu “quyền lực không được kiểm soát thì hết sức nguy hiểm” và mạng xã hội cũng vậy. Trên không gian mạng xã hội ngày nay ai cũng có quyền phán xét, kết luận và đưa ra quan điểm định hướng người dùng; ai cũng trở thành luật sư, quan toà và hàng triệu người theo dõi là những “công tố viên”, “hội thẩm nhân dân”…

Quản lý nội dung tiêu cực, thông tin "đồn thổi" trên mạng xã hội đang là vấn đề rất nan giải. Ngay trong câu từ, các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại ở “hạn chế”, “ngăn chặn” chứ chưa đề cập đến cụm từ “triệt tiêu”, “chấm dứt”… những thông tin tiêu cực, độc hại trên không gian mạng.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng kèm theo đó vẫn sẽ là thách thức lớn trong câu chuyện kiểm soát “quyền lực” của mạng xã hội.

Bình luận