Chờ...

Mỹ trừng phạt Huawei : Một cuộc 'chiến tranh lạnh' mới?

(VOH) - Phải chăng Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới thông qua những diễn biến vụ trừng phạt tập đoàn Huawei ?

Việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do công ty nước ngoài được đưa ra ngày 15/5 với lý do “gây nguy cơ cho an ninh quốc gia”. Động thái này được cho là sẽ mở đường cho việc cấm các sản phẩm của Tập đoàn Công nghệ Huawei hiện diện trên thị trường Mỹ.

Ngay sau đó vài giờ, Bộ Thương mại Mỹ thông báo bộ này vừa đưa Huawei và 70 chi nhánh vào cái gọi là Entity List, một động thái cấm tập đoàn này có được các linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự phê chuẩn của Washington.

tổng thống trump ký sắc lện mới

Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài.. Hình minh họa

Lý giải về quyết định này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố Tổng thống Trump đưa ra quyết định vừa nêu nhằm “ngăn chặn công nghệ Mỹ bị các công ty nước ngoài sử dụng theo cách có nguy cơ làm tổn hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích về chính sách đối ngoại của Mỹ”. Mặc dù Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến giữa tháng 8 tới, nhưng tác động của các biện pháp này ngay lập tức khiến thị trường toàn cầu “sốc” và giá các sản phẩm của Hoa-uây, đặc biệt là điện thoại di động sụt giảm thê thảm.

Như vậy, từ cuộc chiến thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu, Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang cuộc chiến công nghệ và quyết định mới nhất của Tổng thống Trump nhằm vào Huawei được cho là một 'cú đấm chí mạng' của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Bởi Huawei là một trong những tập đoàn “xương sống” của kinh tế Trung Quốc và là đối thủ đáng gờm hàng đầu đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.

Với việc cung cấp các dòng sản phẩm công nghệ mới, giá rẻ, cấu hình tốt, kỹ thuật chụp ảnh số một toàn cầu và các dòng điện thoại cao cấp, Huawei đã khiến cho các tập đoàn lớn như Apple, Samsung… phải dè chừng. Trong quý I/2019, Huawei đã xuất xưởng 59 triệu điện thoại thông minh, nhiều hơn gần 23 triệu chiếc so với Apple.

Vì thế, lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei sẽ là một “mũi tên trúng nhiều đích”. Việc Google loại bỏ phần mềm Android trong các tính năng của Huawei đã khiến cho điện thoại thông minh của hãng này giờ chỉ còn một vài tính năng. Chỉ chừng đó tổn thất cũng đã đủ khiến người tiêu dùng bỏ qua sản phẩm của Huawei song nguy cơ lớn nhất chính là Huawei sẽ bị loại bỏ thẳng thừng khỏi cái gọi là "hệ sinh thái công nghệ" mà Goolge và chính quyền Washington đã và đang thiết lập.

Rõ ràng, với một hệ điều hành Android bị tinh giản hóa chỉ còn lại những tính năng cơ bản nhất, người tiêu dùng có thể sẽ quay lưng với Huawei và chuyển sang sử dụng các dòng sản phẩm của các thương hiệu khác. Với 48% số điện thoại của Huawei bán trên thị trường toàn cầu, cú đòn của Mỹ có thể khiến cho dòng điện thoại này phá sản.

Ông Ryan Koontz, nhà phân tích của thị trường chứng khoán Rosenblatt, Huawei đang chiếm lĩnh một phần thị trường không nhỏ của Mỹ và phụ thuộc vào dòng linh kiện rất lớn của quốc gia này. Nếu Huawei bị cấm hoàn toàn ở thị trường Mỹ, vị thế của Huawei sẽ bị lung lay và đây sẽ là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với tập đoàn này. Nhà phân tích Rô-giơ Roger Entner nhận định: "Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn đối với Huawei. Thay vì trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới trong năm nay, Huawei sẽ bị tụt lại phía sau".

Quyết định của Tổng thống Trump không chỉ tác động tới số phận của Huawei trên thị trường Mỹ mà nó còn tác động tới chiến lược công nghệ toàn cầu của Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc có tham vọng xây dựng mạng lưới 5G trên quy mô toàn cầu. Tập đoàn Huawei thông báo hiện đã ký hơn 40 hợp đồng 5G thương mại trên toàn thế giới, bao gồm cả ở châu Âu, Trung Đông và châu Á.

Rộng hơn, những "cú đòn" của Mỹ đối với Huawei có lẽ còn mang tính chiến lược. Mỹ vốn lo ngại sự trỗi dậy “quá đà” của Trung Quốc với lo ngại rằng Trung Quốc có thể xoay chuyển cục diện địa chính trị quốc tế và cán cân quyền lực toàn cầu. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng căng thẳng thương mại hay cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ-Trung quốc liên quan tới Huawei đã vượt xa khỏi nội hàm kinh tế thuần túy, mà còn là một phần của cuộc cạnh tranh địa-chính trị sâu sắc và sự đối địch để xác lập vị thế "người đứng đầu" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những tác động với Huawei là điều dễ thấy. Trong một động thái mới nhất, hãng tin Anh Reuters cho biết sau Huawei, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ “nhắm” tới 5 công ty lớn của Trung Quốc trong đó có tập đoàn Hải Khang Uy Thị (Hikvision) bị liệt vào danh sách đen. Theo các nguồn tin, chính quyền Mỹ lo ngại Hải Khang Uy Thị và Đại Hoa, 2 tập đoàn chuyên sản xuất camera có công nghệ nhận diện, có thể phục vụ cho mục đích do thám. Reuters cho biết 40 nghị sỹ Mỹ đã gửi thư đến Tổng thống Donald Trump vào tuần trước yêu cầu “giám sát” các tập đoàn Trung Quốc này.

Trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang lâm vào bế tắc, quyết định của Washington nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei càng khiến mâu thuẫn giữa hai nước khó hóa giải. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có thể sẽ là cuộc đấu dài hạn và toàn diện. Cuộc 'chiến tranh lạnh' theo mô-tuýp kiểu mới dẫn tới những rủi ro chưa thể lường hết trên thị trường toàn cầu.

Bình luận