2 lần phẫu thuật liên tiếp cứu thành công bé sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp

VOH - Vừa qua, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai đã cứu chữa và can thiệp thành công cho một trẻ sơ sinh bị hẹp khít động mạch phổi (một bệnh tim bẩm sinh phức tạp).

Đây là kết quả của việc phát hiện, theo dõi từ trong bào thai và xử trí thành công ngay sau khi cháu bé chào đời chưa đầy 24 giờ.

bé sơ sinh
Sau can thiệp, bé M. được theo dõi sát sao tại Phòng sơ sinh - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Bé gái tên là Đ.T.M, ở Lập Thạch, Vĩnh phúc. Khi mang thai tuần thứ 31, mẹ của bé đã đi siêu âm thai ở Bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán nhiều khả năng thai có vấn đề về tim.

Các bác sĩ ở đây đã gọi điện trao đổi chuyên môn với ThS. BS Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai, sau đó mẹ bé đã lên Bệnh viện Bạch Mai để được thăm khám kỹ càng hơn.

Bác sĩ Kiên đã siêu âm chẩn đoán dị tật bào thai tuần thứ 31 bị hẹp van động mạch phổi nặng, thiểu sản tâm thất phải. Với những trường hợp như vậy, cần phải can thiệp sớm ngay sau khi bé chào đời, nếu không xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi nghe bác sĩ Kiên giải thích, bố mẹ bé M. đã có sự chuẩn bị về tinh thần để sẵn sàng phối hợp với bác sĩ để kịp thời điều trị cho cháu bé ngay sau khi ra đời.

Bé Đ.T.M chào đời ở tuần thứ 39 của thai kỳ, nặng 3,5 kg tại Bệnh viện sản nhi Vĩnh Phúc vào sáng ngày 20/2/2024. Sau khi ra đời, bé đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai ngay vào chiều hôm đó.

Sáng hôm sau, bé M. được bác sĩ Kiên cùng các cộng sự can thiệp lần 1 với kỹ thuật nong van động mạch phổi. Ba ngày sau đó, bé được can thiệp lần 2 với kỹ thuật đặt stent ống động mạch. Đây là một kỹ thuật khó, tinh vi, nhất là với trẻ sơ sinh, bởi các mạch máu của bé sơ sinh cực kỳ mỏng manh.

Bác sĩ Kiên giải thích, sở dĩ phải xử trí can thiệp 2 lần với bệnh nhi này vì tâm thất phải của bé thiểu sản, nên sau khi cần nong van động mạch phổi phải tiến hành đặt stent để duy trì ống động mạch. Sau khi nong van động mạch rồi, để bé hồi phục, 3 ngày sau mới đặt stent để đảm bảo an toàn.

Trẻ sơ sinh khi mới chào đời cân nặng thấp, sức đề kháng yếu, nên trong quá trình làm can thiệp phải hết sức cẩn trọng nhưng cũng hết sức khẩn trương, nếu để xảy ra sai sót trong lúc thực hiện kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bé.

Bác sĩ Kiên chia sẻ thêm, thời gian làm can thiệp kéo dài từ 01 - 02 giờ với gây mê nội khí quản, đặc biệt bệnh nhi luôn trong tình trạng tím tái do thiếu oxy nên cần thao tác nhanh, dứt khoát để mở đường máu lên phổi nhanh nhất.

Sau 2 lần can thiệp, sáng ngày 29/2/2024, bé Đ.T.M đã hồi phục, khỏe mạnh và được xuất viện.

TS. BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua trường hợp bé M. nêu trên và nhiều trường hợp khác đã được cứu chữa thành công tại Trung tâm Nhi khoa, chúng ta thấy vai trò quan trọng của siêu âm tim thai.

Qua đây, bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ ngoài việc siêu âm kiểm tra thai nhi theo lịch thông thường thì cũng nên siêu âm tim thai để sàng lọc tim bẩm sinh cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ để được chẩn đoán và có những xử trí kịp thời ngay khi trẻ ra đời.  

Bình luận