Bản tin Covid-19 ngày 11/1/2022: 400.000 liều Molnupiravir được phân bổ cho 53 tỉnh thành

(VOH) - Bộ Y tế cho biết đến nay đã phân bổ trên 400.000 liều Molnupiavir - thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa - cho 53 tỉnh thành đang tham gia chương trình điều trị có kiểm sát.

TIN TRONG NƯỚC

Người dân các tỉnh trở lại TP.HCM sau tết không phải cách ly

Trả lời câu hỏi về việc người dân từ các tỉnh, thành quay lại TP.HCM sau tết Nguyên đán có cần cách ly hay không, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP.HCM không cách ly theo địa giới hành chính, mà chỉ cách ly những người dựa vào yếu tố nghi ngờ. Tuy nhiên, khi đến TP người dân cần phải thực hiện khai báo y tế.

Về chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao, ông Tâm đánh giá chiến dịch này đã đạt được kết quả. Trước đây phân tích tỉ lệ tử vong phần lớn rơi vào nhóm nguy cơ như lớn tuổi, bệnh nền. Sau đó, TP.HCM rà soát, tiêm vaccine phòng COVID-19, chăm sóc tốt hơn nên số ca tử vong giảm nhiều.

TP.HCM: Tổ chức chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết, Viện Y dược học dân tộc TP và các đơn vị đồng hành sẽ tổ chức chương trình "Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19", với chủ đề: "Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc". Lễ phát động chương trình sẽ diễn ra vào lúc 7h30 ngày 16-1 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Tại khu khám và điều trị ban/Viện Y dược học dân tộc TP.HCM triển khai thực hiện hai giai đoạn của chương trình, cụ thể:

Giai đoạn 1: chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe, tặng quà cho người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi trên địa bàn toàn TP. Thời gian thực hiện từ 7h30 đến 16h30 hằng ngày từ ngày 16-1 đến ngày 27-2.

Giai đoạn 2: chương trình chung tay chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn hậu nhiễm COVID-19 trên địa bàn toàn TP. Thời gian thực hiện từ 7h30 - 16h30 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, từ ngày 1-3 đến ngày 29-4.

Thành lập và triển khai Tổ tâm lý lâm sàng thực hiện tham vấn, trị liệu tâm lý cho người bệnh có nhu cầu đến khám, chữa bệnh. Thành lập Tổng đài tư vấn, hỗ trợ thông tin chăm sóc, điều trị người dân hậu nhiễm COVID-19. Chương trình sẽ khám bệnh tầm soát; sàng lọc, tư vấn tâm lý hậu COVID-19; chụp X-quang tim và phổi, đo điện tim, siêu âm đều miễn phí. Đồng thời, phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình và tặng 12.000 phần quà.

Bản tin Covid-19 ngày 11/1/2022: 400.000 liều Molnupiravir được phân bổ cho 53 tỉnh thành 1
 

Bộ Y tế: Đã phân bổ 400.000 liều Molnupiravir cho 53 tỉnh thành

Bộ Y tế cho biết đến nay đã phân bổ trên 400.000 liều Molnupiavir - thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa - cho 53 tỉnh thành đang tham gia chương trình điều trị có kiểm sát.

Chương trình này đã được khởi động từ giữa tháng 8 vừa qua tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam. Qua đánh giá ban đầu, hiệu quả điều trị trên bệnh nhân có sử dụng thuốc này khá tốt, giúp giảm số ca chuyển nặng, không có ca tử vong trong nhóm dùng thuốc đầu tiên được đánh giá.

Hôm 5/1, Hội đồng tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc cũng đã thống nhất đề nghị Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, sau khi Quốc hội và Chính phủ cùng cho phép cơ chế đặc biệt để sớm cấp phép lưu hành cho thuốc và vắc xin trong dịch. Thời gian qua do nhu cầu dự trữ thuốc phòng dịch tăng cao nhưng thị trường không có, đã có "chợ đen" Molnupiravir trên mạng xã hội, trong khi thuốc này đang sử dụng theo diện "có kiểm soát" và có tác dụng phụ với một số nhóm người bệnh, cần chỉ định của bác sĩ.

Bản tin Covid-19 ngày 11/1/2022: 400.000 liều Molnupiravir được phân bổ cho 53 tỉnh thành 2
 

Quảng Nam: 12 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đã xuất viện

Sáng 11/1, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết 12 trong số 14 người nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron đã được xuất viện, về nhà.

12 người này đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với Covid-19 và được xuất viện, đưa về địa phương. Hai bệnh nhân còn lại đang ở lại tiếp tục điều trị tại khách sạn nơi họ cách ly do chỉ số CT dưới 30. Hiện ngành y tế tỉnh Quảng Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lây nhiễm chủng Omicron.

Tại Quảng Nam, các ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron được điều trị tại các khách sạn nơi họ đang cách ly, mỗi người một phòng. Ngoài ra, 2 trường hợp vì lo lắng nên xin vào điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam).

Hà Nội ghi nhận hơn 2.800 ca mắc Covid-19, 17 ca tử vong

Sở Y tế Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 9-1 đến 18 giờ ngày 10-1, TP Hà Nội ghi nhận 2.832 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 712 ca cộng đồng. Theo công bố ngày 10-1 của Bộ Y tế, có 17 ca tử vong được ghi nhận trong ngày ở Hà Nội. Cộng dồn số ca bệnh tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 73.790 ca.

Nhiều cửa khẩu phía Bắc thông quan trở lại

Bộ Công thương thông tin, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới thuộc TP Đông Hưng, đối đẳng với các cửa khẩu và lối mở thuộc Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh. Đây là những cặp cửa khẩu, lối mở có ý nghĩa quan trọng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cả hai bên. Phía Quảng Tây cho biết, trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, nhất là nông sản và hàng đông lạnh.

Trước đó, để rà soát và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Tây đã tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Đông Hưng từ ngày 21/12. Sau một thời gian rà soát, căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, tỉnh Quảng Tây quyết định khôi phục thông quan tại các cửa khẩu, lối mở này để phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.

TIN THẾ GIỚI

Campuchia ứng phó khẩn trước tình hình lây nhiễm biến thể Omicron

Tối 10/1, Thủ tướng Campuchia đã chỉ đạo khẩn các cơ quan chức năng nước này cần có “hành động ngay lập tức” sau khi Campuchia phát hiện 34 ca nhiễm biến thể Omicron cùng ngày gồm 24 ca nhập cảnh và 10 ca lây nhiễm cộng đồng.

Thủ tướng Campuchia yêu cầu cơ quan chức năng nước này cần tăng cường các biện pháp phòng dịch, tiếp tục thực hiện “Ba bảo vệ, ba không”. Yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh triển khai ngay chương trình tiêm mũi tăng cường trong thời gian sớm nhất có thể, bằng mọi loại vaccine. 

Thủ tướng Hun Sen giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các cấp nhanh chóng khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường, qua đó góp phần đảm bảo việc đất nước tiếp tục mở cửa trở lại và thích nghi với hoàn cảnh có biến thể Omicron lây nhiễm.

Bản tin Covid-19 ngày 11/1/2022: 400.000 liều Molnupiravir được phân bổ cho 53 tỉnh thành 3
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo về biến thể Omicron đã lây lan trong cộng đồng.

Trung Quốc: siết hạn chế tại 2 thành phố lớn

Nhằm nâng cao cảnh giác trong bối cảnh phát hiện ca Omicron trong cộng đồng, Giới chức thành phố An Dương thuộc tỉnh Hà Nam đã đình chỉ bán vé tàu hỏa và xe khách đường dài ra khỏi thành phố, trong khi các chốt kiểm dịch đã được dựng lên khắp các tuyến cao tốc để "bảo đảm dịch bệnh không lan ra địa phương khác”.

Thành phố Thiên Tân, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km, cũng kêu gọi "người dân không rời thành phố trừ khi có lý do thiết yếu", những người muốn di chuyển phải xin phép chính quyền và có kết quả xét nghiệm âm tính với CoVid 19 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Trường học và ký túc xá ở Thiên Tân đã bị đóng cửa, các chuyến tàu từ đây đến Bắc Kinh cũng bị hủy.

Hiện Trung Quốc ghi nhận gần 104.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong. Ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đều ở trên mức 150 suốt thời gian qua. Nước này đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 87% dân số.

Indonesia: kêu gọi người dân không đi du lịch để tránh lây nhiễm biến thể mới

Ngày 10/1, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia đã yêu cầu du khách quốc tế tuân thủ các quy trình về sức khỏe và chính sách kiểm tra y tế do chính phủ nước này quy định. 

Bộ trưởng cũng cho biết bản thân ông và các quan chức khác đã trải qua kiểm tra y tế sau khi trở về từ các chuyến công du nước ngoài. Ông cũng kêu gọi mọi người dân tránh đi du lịch nước ngoài trong vòng hai hoặc ba tuần tới để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập các biến thể COVID-19 mới. 

Ngày 16/12/2021, Bộ Y tế nước này xác nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên. Cho đến nay, số ca mắc bệnh Omicron ở Indonesia đã tăng lên 414 ca.

Thái Lan phát miễn phí 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19

Bộ trưởng Y tế Thái Lan ngày 10/1 đã chỉ thị các cơ quan y tế phát miễn phí 1 triệu bộ dụng cụ tự xét nghiệm trên cả nước. Các bộ xét nghiệm này sẽ được phân phối chủ yếu tại những cộng đồng đông dân cư, gần chợ và bến giao thông công cộng.

Thái Lan đến nay ghi nhận tổng cộng 5.397 ca nhiễm biến thể Omicron ở 72/77 tỉnh, thành. Hiện biến thể Omicron chiếm 35,17% số ca mắc COVID-19 ở nước này và biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19, giải trình tự DNA ngẫu nhiên cho thấy biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra 70,3% số ca nhiễm ghi nhận từ ngày 2 - 8/1. Biến thể Delta chỉ chiếm 29,7% số ca mắc trong cùng thời kỳ.

Mỹ: số ca nhập viện do biến thể Omicron tăng cao

Ngày 10/1, Mỹ ghi nhận 132.646 nhập viện do Covid-19, vượt qua kỷ lục 132.051 người nhập viện được ghi nhận vào tháng 1 năm ngoái.

Các quan chức y tế đã cảnh báo rằng số lượng lớn người nhiễm biến thể Omicron có thể gây áp lực lên hệ thống y tế. Một số bệnh viện đã tạm dừng chương trình mổ theo yêu cầu do đang chật vật xử lý lượng bệnh nhân tăng cao trong bối cảnh thiếu nhân viên.

Trong 6 ngày qua, Mỹ ghi nhận trung bình nửa triệu ca nhiễm mới mỗi ngày, Washington D.C. đang dẫn đầu cả nước Mỹ về số ca nhiễm mới theo quy mô dân số. Tiếp đó là các bang Rhode Island, New York, New Jersey, Massachusetts và Vermont.

Bản tin Covid-19 ngày 11/1/2022: 400.000 liều Molnupiravir được phân bổ cho 53 tỉnh thành 4
Ảnh minh họa: Reuters

Chile bắt đầu chương trình tiêm mũi vaccine thứ 4

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Chile đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, hôm qua, nước này đã chính thức triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người dân, với đối tượng đầu tiên là những người có hội chứng suy giảm miễn dịch.

Việc Chile liên tiếp ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày là dấu hiệu cho thấy sự bùng phát trở lại của dịch bệnh và nước này có thể phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm, với số ca mắc mới có thể lên tới ít nhất 10.000 ca/ngày. Chính vì vậy, Chính phủ Chile cần phải có sự chuẩn bị sớm để đối phó với làn sóng dịch mới và một trong những biện pháp quan trọng là khởi động sớm chương trình tiêm mũi vaccine thứ tư.

Pfizer xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 10/1 đã tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 có tên gọi Paxlovid do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất. EMA cho biết cơ quan này sẽ có đánh giá toàn diện về biệt dược này. Dự kiến, quy trình đánh giá sẽ diễn ra trong vài tuần. 

Trước đó, Mỹ đã cấp phép sử dụng Paxlovid tại nước này. Đây là thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, chỉ định dùng cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ đến vừa phải với các yếu tố bắt buộc đi kèm là từ 12 tuổi trở lên, có trọng lượng cơ thể hơn 40 kg và có nguy cơ cao bệnh trở nặng.

Cảnh giác Mùa Covid-19:

Tự ý mua dùng thuốc trị COVID-19, nhiều nguy cơ tiềm ẩn…

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học dược Hà Nội), thuốc kháng virus là một loại thuốc được sử dụng đặc biệt để điều trị bệnh do virus gây ra. Có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau và mỗi loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng trên loại virus đặc trưng, nói cách khác - không thể đem thuốc điều trị virus này để dùng cho bệnh do virus khác gây ra. Các thuốc tác dụng trên vi khuẩn như các kháng sinh cũng hoàn toàn không có tác dụng trên virus.

Tại Việt Nam, molnupiravir được sử dụng trong khuôn khổ chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. Do thuốc chỉ có ưu điểm trên một nhóm đối tượng bệnh nhân nhất định và cần kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ của thuốc, và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không được tự ý sử dụng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam, favipiravir được dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. Bệnh nhân dùng thuốc chú ý ít nhất hai ngày đầu do có thể gây rối loạn tâm thần. Người tiền sử gout càng cần chú ý theo dõi sức khỏe khi dùng thuốc vì có thể tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.

Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị COVID-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng COVID-19 ở người bệnh. Để tránh mắc COVID-19, cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng vaccine đầy đủ và tuân thủ 5K của Bộ Y tế…

Bình luận