Bệnh nhân bị chó cắn đứt lìa chân

VOH - Ngày 11/9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Phòng tiêm chủng Vaccine của bệnh viện mới tiếp nhận một bệnh nhân đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại.

Qua khai thác được biết bệnh nhân bị chó nhà cắn cách đây 3 ngày. Bệnh nhân bị đứt rời bàn chân phải và nhiều vết cào xé trên người. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Hiện bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

chó cắn
Bệnh nhân bị chó cắn đứt lìa chân - Ảnh: ệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền do virus dại xâm nhập qua các vết cắn, vết cào của động vật đã mắc bệnh như các loại dơi, chuột, dê, cừu, trâu, bò..., đặc biệt là loại chó.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể virus dại gây tổn thương trên hệ thần kinh trung ương. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, người đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100%.

Vì vậy, nếu nuôi chó, người dân phải nhốt, không được thả rông, khi đưa chó ra đường phải rọ mõm, có người trông. Tiêm phòng và quản lý tốt chó đang ngồi tại khu vực cụm dân cư.

5 bước cần làm sau khi bị chó hoặc động vật cắn

Bước 1: Cầm máu nếu vết thương vẫn còn chảy máu

- Dùng khăn sạch che và dùng lòng bàn tay ấn mạnh, giữ nguyên áp lực lên vết thương trong 15 phút. 

- Dùng một miếng đệm bằng vật liệu sạch (như khăn tay, khăn tắm…), cuộn lại, băng ép trực tiếp lên khu vực bị tổn thương.

- Dùng băng thun quấn quanh miếng đệm để cố định lại; không quấn băng quá chặt vì có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu.

Nếu máu tiếp tục chảy nhiều, có thể thấm cả qua băng. Nên sử dụng băng thứ hai để che cho băng thứ nhất. Khi thấm ướt cả băng và miếng đệm, bạn chỉ việc thay đổi băng thứ hai. Lưu ý đừng "canh chừng" vết thương xem nó đã ngừng chảy máu chưa vì việc bạn ngưng băng ép sẽ khiến chảy máu trở lại.

Bước 2: Nếu vết thương không chảy máu

Rửa kỹ các vết cắn/cào dưới vòi nước trong 15 phút với xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Việc rửa nước vết thương đặc biệt quan trọng nếu con chó bị nghi ngờ mắc bệnh dại. Sau khi rửa nước, nên thấm khô bằng vải sạch, băng lại bằng băng vô trùng hoặc một miếng vải khô sạch.

Lưu ý thật nhẹ nhàng với vết thương, không làm dập nát thêm hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng huyết thanh kháng dại vào các vết thương.

Bước 3: Đến cơ sở y tế gần nhất để được vệ sinh kỹ lưỡng

Các nhân viên y tế sẽ biết cách vệ sinh vết thương kỹ lưỡng, cắt bỏ những mô hư, trì hoãn đóng vết thương nếu có thể. Ngoài ra, các nhân viên y tế sẽ nâng và cố định chi nếu có chấn thương sưng tấy nhiều.

Với vết thương nghi nhiễm trùng, các bác sĩ có thể lấy mủ hoặc phết vết thương để xét nghiệm nuôi cấy vi trùng. Đồng thời bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh tùy thuộc vào nguy cơ nhiễm trùng của vết thương.

Bước 4: Cần chủ động đi tiêm phòng dại ngay, càng sớm càng tốt.

Bước 5: Theo dõi cả người và chó

Hằng ngày bạn nên kiểm tra vết thương để biết các dấu hiệu nhiễm trùng như đau ngày càng tăng, đỏ, sưng hoặc tiết dịch vàng.

Theo dõi chó trong ít nhất 10 ngày. Khi không thể theo dõi con vật (chó hoang hoặc lạc mất…), hoặc khi chúng xuất hiện triệu chứng bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn tiếp.

Bình luận