Bệnh nhân sốt xuất huyết hạn chế truyền dịch tại nhà

VOH - Các bác sĩ cảnh báo, bệnh nhân sốt xuất huyết hạn chế truyền dịch và đặc biệt không truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân cần bù nước điện giải bằng đường uống như oresol.

Từ ngày thứ 3 - 7, bệnh nhân cần tái khám để đánh giá nguy cơ nặng.

Đặc biệt, người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.

muỗi đốt
Trong các biện pháp phòng bệnh thì cách hữu hiệu nhất là phòng tránh muỗi đốt và xua đuổi muỗi.

Theo thống kê tuần 4-10/9, cả nước ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại Hòa Bình. Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị 157 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Chỉ riêng Khoa Cấp cứu cơ sở Kim Chung mỗi ngày điều trị 3-5 ca nặng. Các trường hợp khám cấp cứu trên dưới 50 ca.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, trong 3 ngày đầu bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp. Người bệnh nên đi khám và làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền. 

Bình luận