Bệnh viện Đại học Y dược tự thực hiện hoàn toàn 2 trường hợp ghép gan

(VOH) - Trong tình huống dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các chuyên gia bệnh viện Asan Hàn Quốc không thể đến hỗ trợ, bệnh viện đã nỗ lực tự thực hiện 2 ca này

Chiều 30/6, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cho biết, tính từ ca ghép gan đầu tiên vào tháng 6/2018 đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 11 ca ghép gan, trong đó đặc biệt có 2 ca gần đây nhất, bệnh viện đã thực hiện không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.

Cụ thể ca ghép gan thứ 10 của bệnh viện là nam thanh niên 37 tuổi, ngụ tại TPHCM, đã may mắn được nhận trọn vẹn là gan từ một người cho chết não tại Hà Nội. Bị viêm gan siêu vi B từ năm 2013, biến chứng thành xơ gan giai đoạn cuối, trong những ngày chờ có gan để ghép, bệnh nhân phải liên tục nằm viện, dùng các biện pháp để khống chế tạm thời các khối u trong gan để duy trì sự sống.

Còn trường hợp thứ 11 là bệnh nhân nữ 61 tuổi, ngụ tại TPHCM, bà có tiền sử viêm gan C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Một tháng trước khi ghép, bà vài lần rơi vào hôn mê. Các bác sĩ đánh giá, nếu không được ghép gan, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%. Bệnh nhân này nhận gan từ người cho là con ruột.

Ê-kíp ghép gan cho người bệnh

TS.BS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy -  Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cho biết, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém. Đối với người hiến, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường. Đặc biệt, 2 ca 10 và 11 diễn ra trong tình huống dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các chuyên gia bệnh viện Asan Hàn Quốc không thể đến hỗ trợ, bệnh viện đã nỗ lực tự thực hiện 2 ca này thành công.

Bình luận