Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng

(VOH) – Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 14.704 ca sốt xuất huyết trên cả nước, trong đó 6 ca tử vong. Bộ Y tế dự báo số ca sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới.

Trong văn bản mới đây của Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết nêu rõ, trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương và đã ghi nhận các trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết với những triệu chứng điển hình là chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết dưới da.
Sốt xuất huyết với những triệu chứng điển hình là chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết dưới da.

Theo báo cáo từ các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp. Riêng tại TPHCM, tính đến 15/4 có gần 4500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai у chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gây đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.

Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật; Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Các địa phương tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quả tải bệnh viện.

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị thì cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Trong trường hợp được bác sỹ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu có cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay.

Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sỹ.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, tính đến 15/4 TPHCM ghi nhận có gần 4500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Sốt xuất huyết do 4 chủng của virus Dengue gây ra, muỗi vằn Aedes egypti đốt và truyền virus từ người bệnh sang người lành. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Triệu chứng là các nốt ban đỏ trên da, kèm thân nhiệt tăng cao. Biến chứng sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong vì gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn đến sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất gồm diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy, ngủ màn tránh muỗi đốt.

Bình luận