Bộ Y tế sớm có phương án sản xuất, mua vaccine COVID-19

(VOH) – Đây là một trong những nội dung Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu thời gian còn lại của năm 2020 các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép” trên tinh thần ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tạo tiền đề vững chắc phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch COVID-19; sớm có phương án về việc sản xuất, mua vắc-xin, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vả các bộ, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, xây dựng các chính sách và mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em, đặc biệt đối với các trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Ảnh minh họa: TTO

Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, hạ tầng giao thông trọng điểm. Có giải pháp khắc phục và hạn chế tình hình sạt lở các tuyến đường giao thông, bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tàu thuyền khi có bão lũ. Phối hợp với Bộ Công an có phương án bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm, nhất là dịp Năm mới 2021, Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta.

Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ phục vụ học tập với học sinh, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Bình luận