Các cơ sở khám, chữa bệnh đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng kháng sinh

(VOH) - Ngày 21/11, Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố đã tổ chức hội thảo: “Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Hội thảo tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề cơ bản về tổng quan đề kháng kháng sinh, kháng kháng sinh và chăn nuôi, sự cần thiết phải quản lý sử dụng kháng sinh và chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, hoạt động phòng chống đề kháng kháng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố phát biểu tại hội thảo: “Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Từ khi phát hiện ra kháng sinh đầu tiên - Penicillin vào năm 1928 đến nay, hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng. Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học và điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn cho người và động vật khi được kê đơn và điều trị đúng. Tuy nhiên, theo như khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố thì những loại kháng sinh này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội.

Ở Việt Nam, hầu hết cơ sở khám, chữa bệnh phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do làm tăng chi phí điều trị, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, của gia đình người bệnh nói riêng và ảnh hưởng cho cộng đồng, và sự phát triển xã hội nói chung.

Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp kịp thời. Do đó, việc tăng cường sự hiểu biết để chung tay bảo toàn các thuốc kháng sinh, sử dụng hợp lý hết sức cần thiết với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính và cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ kháng kháng sinh chiếm khoảng 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

Bình luận