Cách phòng ngừa Covid-19 khi trẻ nhỏ quay trở lại trường học

(VOH) - Bắt đầu từ ngày 14/2, toàn bộ học sinh trên địa bàn TPHCM sẽ quay trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài phải học trực tuyến vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn thì hiện nay, trước khi học sinh nhất là khối lớp tiểu học, mầm non quay lại trường, nhiều phụ huynh vẫn còn khá băn khoăn, lo ngại vấn đề phòng chống dịch cho trẻ tại môi trường trường học, cũng như làm sao để trẻ đi học trở lại được an toàn.

covid-19, đi học
Từ ngày 14/2, toàn bộ học sinh trên địa bàn TPHCM sẽ quay trở lại trường học trực tiếp (Ảnh: HL) 

Liên quan vấn đề này, phóng viên Nhất Hương có phỏng vấn Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1.

* VOH: Nhiều phụ huynh khá lo lắng về việc đảm bảo an toàn trong phòng ngừa Covid-19 khi trẻ nhỏ quay trở lại trường học? Về vấn đề này bác sĩ có khuyến cáo gì gửi đến các bậc phụ huynh?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thứ nhất mình không thể nói, trẻ đi học nguy cơ cao hơn trẻ đi quán ăn, đi chơi hay đi siêu thị bởi vì những chỗ đó khó kiểm soát hơn vì tự trẻ đi tự do. Thứ hai phụ huynh hay hàng xóm, người quen của mình cũng không lạ gì khi một bé bị Covid-19.

Tôi nghĩ trẻ đi học cũng như vậy thôi nhưng đi học có chuẩn cao hơn một chút, trường học sẽ phải chuẩn bị cực hơn, giám sát kỹ hơn nhất là lúc trẻ ngồi học, đi chơi hay lúc ăn, lúc nghỉ. Nếu mình làm tốt việc làm theo cụm như vậy sẽ không có vấn đề gì lo ngại.

Bên cạnh đó, khi đi học thì trẻ sẽ không đi chơi và tan học thì tốt nhất là trẻ đi thẳng về nhà để không bị lây trên đường đi. Thứ ba quan trọng nhất khi trẻ bị bệnh thì phụ huynh phải hết sức bình tĩnh, thường thì phụ huynh rối lên chứ trẻ không vấn đề gì vì đa số trẻ nhỏ bệnh rất nhẹ.

Làm sao để cho các phụ huynh có trẻ cùng chơi với em bé bị nhiễm đó (F1) phải bình tĩnh, như vậy là ổn. Mình phải có kịch bản trước như vậy thì mọi thứ sẽ yên thôi.

Chúng ta cũng không nên nói trẻ nhỏ không tuân thủ bằng trẻ lớn vì tuổi đó trẻ cũng đã hiểu biết những vấn đề cơ bản hết rồi, thêm vào có sự giám sát của giáo viên nữa. Cái chính là phụ huynh và nhà trường phải hợp tác chặt chẽ với nhau nếu phụ huynh có em bé có nguy cơ rồi thì phải liên lạc với trường tránh đưa em bé vào trường thêm xáo trộn.

Tôi nghĩ mỗi phụ huynh nên có kịch bản cho mình cũng như mỗi trường nên có kịch bản khi có sự cố xảy ra thì sự việc sẽ êm thôi vì không đi học bình thường ở nhà trẻ cũng mắc bệnh khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ.

* VOH: Thưa bác sĩ, tại trường thì trẻ có sự giám sát của giáo viên, vậy khi quay về nhà thì khi trẻ có triệu chứng gì phụ huynh nên báo ngay với nhà trường?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Khi trẻ quay về nhà nếu trong gia đình hay hàng xóm trẻ đến chơi có người F0 thì nên báo ngay với nhà trường và y tế địa phương để làm xét nghiệm cách ly. Nếu không có bị thì đánh giá lại để xem trẻ có đi học tiếp hay không. Còn nếu trẻ có bất cứ triệu chứng gì liên quan đến sốt hay hô hấp thì đưa trẻ đi khám nếu trẻ không có nguy cơ thì cho đi học bình thường thôi.

Nếu không may tự nhiên có em bé hôm qua đi học hôm nay là F0 thì nên báo với nhà trường để trường khoanh vùng lại, tìm hiểu lại những em đã từng chơi để giám sát. Cũng giống như trẻ đi qua nhà hàng xóm chơi với nhau thôi.

* VOH: Vậy trong vấn đề tuân thủ 5K ở trẻ tiểu học bác sĩ có khuyến cáo gì ạ?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nếu mình nói trẻ khối tiểu học không tuân thủ 5K như những người lớn là mình nói sai vì thường người lớn hay lơ là còn trẻ em là tờ giấy trắng, cha mẹ phụ huynh hay cô giáo hướng dẫn thì trẻ con luôn tuân thủ tốt. Chỉ khi nào trẻ quá vui có quên thì có người giám sát, nhắc nhở như vậy là tôi thấy đủ rồi.

* VOH: Để trẻ trở lại trường học an toàn thì những yếu tố nào được xem là căn bản nhất để giúp cho môi trường trường học được an toàn và hiệu quả nhất trong phòng ngừa Covid-19?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tôi nghĩ cần có một kịch bản tốt khi có sự cố xảy ra khi ở trường cũng như ở nhà. Và thứ hai là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh với nhà trường làm sao giảm tối đa F0 mình biết rồi lại đi học. Như vậy là ổn!

* VOH: Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Ngày 10/2/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 37/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc Covid-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm Covid-19, hoặc quá tải.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động các tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để gia đình, phụ huynh và giáo viên chủ động phối hợp, đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức cho các em học sinh yên tâm đến trường học tập trung trở lại mạnh khoẻ, an toàn và hiệu quả.

Bình luận