Cách xử lý các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

(VOH) - Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã bắt đầu được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Để chăm sóc trẻ tốt nhất sau tiêm, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về các phản ứng sau tiêm để có cách xử trí phù hợp.

Hiện nay, loại vắc xin được sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin. Đối với mũi 2 dự kiến tiêm cho trẻ trong vòng 14 ngày, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi trong quá trình tiêm chủng, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng. Kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường nguy hiểm với trẻ.

 tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em trong tình hình dịch Covid-19 đồng thời góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em và giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học (Ảnh: Bộ Y tế)

Xem thêm: Đẩy nhanh việc cung ứng vắc xin, hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II

Các dấu hiệu phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 cần chú ý

Một số phản ứng thường gặp ở trẻ sau tiêm là sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, sốt nhẹ… Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp, thậm chí còn thấp hơn tỷ lệ tiêm phòng cúm thông thường.

Ngoài ra, theo nghiên cứu, tỷ lệ viêm cơ tim không thấy xuất hiện ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Với nhóm trẻ có bệnh nền, cha mẹ nên cho con tiêm tại cơ sở y tế. Do đó, khâu khai báo thông tin về tiền sử bệnh của trẻ cho nhà trường và các cơ sở y tế phải rõ ràng để trẻ nào có bệnh lý nền, bệnh mạn tính sẽ được tiêm tại bệnh viện.

Để yên tâm và phát hiện kịp thời các biến chứng sau tiêm, cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau khi tiêm với sự giám sát của đội ngũ y tế có chuyên môn.

Trong vòng 3 ngày sau tiêm, phụ huynh cần theo dõi sát sao trẻ, chú ý những biểu hiện bất thường nhỏ nhất của trẻ để có thể đưa ra hướng chăm sóc và điều trị kịp thời.

  • Hiện tượng sốt và đau tại chỗ tiêm là phản ứng phổ biến nhất mà trẻ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin phòng vắc xin Covid-19. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh cho trẻ uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ.
  • Hiện tượng vết tiêm bị chai cứng, nổi u cục, phát ban, đau nhức... sẽ tự biến mất sau khoảng một thời gian mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Phụ huynh tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm.
  • Hiện tượng ho, tức ngực, mệt mỏi nếu có cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần.
  • Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở khi hoạt động bình thường và khi nằm, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, vân tím và phát ban trên da thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Chăm sóc trẻ trước và sau tiêm vắc xin phòng Covid-19

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trước và sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, phụ huynh nên:

  • Cho trẻ ăn, uống đầy đủ trước và sau khi tiêm. Tuyệt đối không để trẻ tiêm vắc xin trong tình trạng đói hay quá no;
  • Cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vắc xin;
  • Có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vắc xin;
  • Không nên cho trẻ uống những loại nước có ga, cồn, chất kích thích, caffein như nước ngọt, nước tăng lực... trước và sau ngày tiêm chủng vì những chất này có thể gây tim đập nhanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ;
  • Không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mạn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.

Ngoài các lưu ý trên, trẻ không cần thiết phải kiêng bất cứ loại thực phẩm nào trừ những thực phẩm khiến trẻ bị dị ứng trước đây.

Tuy nhiên, phụ huynh nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, nên ăn nhiều trái cây và rau xanh, đảm bảo cung cấp đầy đủ 4 loại dưỡng chất chính đó là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất.

Trẻ phải được theo dõi trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, tránh vận động mạnh, chạy nhảy quá sức.

Sau khi tiêm vắc xin, phụ huynh nên cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ, mặc đồ thoáng mát rộng rãi, tránh để trẻ bị cảm lạnh. Trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin, kiểm tra nhiệt độ cho trẻ 3-4 tiếng/lần.

Bình luận