Cập nhật Covid-19 ngày 15/3: Italy vượt 20.00 ca nhiễm, Tây Ban Nha phong tỏa 46 triệu dân

(VOH) - Italy tiếp tục có thêm 175 người thiệt mạng và hơn 3.500 ca mắc mới trong ngày 14/3, nhiều bệnh viện kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ.

Theo Reuters, số ca nhiễm mới ở Italy tăng lên 21.157, từ 17.660 ca của một ngày trước đó. Italy vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 tại châu Âu và chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc - nơi khởi phát dịch.

Cơ quan bảo vệ dân sự Italy cho biết 1.966 bệnh nhân đã bình phục, so với 1.439 người của một ngày trước đó.

Số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt tăng lên 1.518 so với 1.328 ca của một ngày trước đó.

Covid-19, Covid 19, virus corona

Điểm kiểm tra Covid-19 ở Italy. Ảnh: REX.

Lời kêu cứu đáng chú ý nhất trong ngày 14/3 được phát đi từ vùng Lombardy, nơi chịu tổn thất nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 tại Italy. Uỷ viên Y tế vùng này, ông Giulio Gallera cảnh báo, hiện các bệnh viện tại vùng Lombardy sắp vượt qua ngưỡng chịu đựng khi phải tiếp nhận hàng trăm ca nhập viện mỗi ngày trong khi chỉ còn chưa đến 20 giường điều trị tăng cường.

 Ngoài ra, các đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang chuyên dụng, cũng vô cùng thiếu thốn khiến các y bác sỹ phải đối mặt với rủi ro cực kỳ cao khi chữa trị cho các bệnh nhân.

Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, Angelo Borrelli thừa nhận, nước này đang có nhu cầu khẩn cấp với khẩu trang và đồ bảo hộ. Ông Borrelli cho biết trong tuần qua Italy đã đặt hàng 55 triệu khẩu trang từ tất cả các nhà sản xuất trên thế giới, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ các nước Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, chỉ sau khi Uỷ ban châu Âu gây sức ép, hiện mới chỉ có Đức chấp nhận viện trợ cho Italy 1 triệu khẩu trang còn hầu như tất cả các nước châu Âu khác đều im lặng. Việc các nước ồ ạt đóng cửa biên giới cũng khiến việc vận chuyển hàng hoá y tế sang Italy gặp rất nhiều khó khăn.

Tuần này, sau khi tuyên bố phong tỏa toàn quốc, chính phủ Italy tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp khác, bao gồm đóng cửa, quán bar, nhà hàng, hầu hết cửa tiệm, cấm việc đi lại không thực sự cần thiết. Cho đến nay, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa trên không giảm được đà tăng số ca tử vong.

Lãnh đạo y tế vùng Lombardy Giulio Gallera cho biết các lệnh giới hạn là chưa đủ đối với vùng này, nơi có trung tâm tài chính Milan và có tới 3/4 số ca tử vong của cả nước.

Sau Italy, đến lượt Tây Ban Nha áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, khi số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tăng chóng mặt. Số ca tử vong vì virus corona tại nước này đã lên tới 193 hôm 14/3, từ 120 ca hôm 13/3, theo đài TVE.

Số ca nhiễm bệnh đã lên tới 6.250, tăng so với 4.209 ca của một ngày trước đó, đồng thời cũng tăng cao so với 5.753 được công bố trước đó trong ngày 14/3.

Thủ tướng Pedro Sanchez đã thông báo lệnh phong tỏa trong phát biểu được phát sóng trên truyền hình hôm 14/3. Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà để mua thức ăn và thuốc men, đến bệnh viện và ngân hàng, hoặc chuyến đi liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và người già. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ 8 giờ (giờ địa phương) ngày 16/3.

Tây Ban Nha cũng đóng cửa tất cả trường học, nhà hàng, quán bar và khách sạn trên toàn quốc, cùng với các cửa hàng không thiết yếu, một bước mà một số quốc gia đã thực hiện.

Covid-19, Covid 19, virus corona

10 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trong số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch theo dữ liệu của WHO tính đến ngày 14/3. Nguồn: WHO.

Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc đã giảm, nhưng trong những tuần gần đây virus corona đã lan rộng theo cấp số nhân ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Mỹ vào ngày 13/3.

Châu Âu giờ trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19. Một loạt các quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại trong nỗ lực ngăn hệ thống y tế của họ sụp đổ do quá tải bệnh nhân.

Ở một số nước châu Âu đã chuyển sang áp dụng biện pháp cách ly mình khỏi các nước láng giềng. Đan Mạch đã đóng cửa biên giới và tạm dừng lưu lượng hành khách đến và đi từ nước này, một biện pháp kéo dài đến ngày 13/4.

Du khách sẽ bị từ chối tại biên giới, nếu họ không thể chứng minh rằng họ có lý do hợp pháp để vào, ví dụ nếu họ là công dân Đan Mạch.

Ba Lan dự định đóng cửa biên giới lúc nửa đêm 14/3 và từ tối tất cả người nước ngoài nhập cảnh, trừ khi họ sống ở Ba Lan và có quan hệ cá nhân ở đó. Những người không phải là công dân Ba Lan sẽ bị cách ly 14 ngày.

Cộng hòa Czech và Slovakia có động thái tương tự. Latvia cho biết sẽ kiểm dịch biên giới với Ba Lan và Latvia trong 10 ngày và đang xem xét cấm du khách nước ngoài. Nga cho biết biên giới đất liền với Ba Lan và Na Uy sẽ bị đóng cửa từ ngày 15/3.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 14/3, đại dịch Covid-19 đã lan rộng ở 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 145.622 người, số ca tử vong là 5.542.
Số ca nhiễm ở Trung Quốc đại lục là 80.824, số ca tử vong 3.189, số ca nhiễm mới trong ngày chỉ 11 ca, số ca tử vong trong ngày là 13.

Ở Iran tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp, Số ca nhiễm ở nước này là 12.729, số ca tử vong 611, đặc biệt số ca nhiễm mới trong ngày tới 1.365 người.

Hàn Quốc số ca nhiễm là 8.086, tử vong 72, số ca nhiễm mới trong ngày là 107. Tây Ban Nha có số ca nhiễm là 6.043, tử vong 191, số ca nhiễm mới trong ngày tới 811. Đức có số ca nhiễm là 4.181, tử vong 8, số ca nhiễm mới trong ngày 505.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu đã vượt quá 30.000 ca và có thể tăng mạnh trong những ngày tới, dù chính phủ các nước đã áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn.

Vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc để phòng chống dịch bệnh Covid-19

(VOH) - Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp với tốc độ lây nhiễm cao trong cộng ...

Tây Ban Nha: Ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai ở châu Âu sau Italy

(VOH) - Số ca nhiễm nCoV ở Tây Ban Nha tăng mạnh khiến chính phủ nước này dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngày 14/3 nhằm huy động các nguồn lực ứng phó dịch bệnh.

Bình luận