Cập nhật dịch COVID-19 ngày 27/3: Số ca mắc gần cán mốc 500.000

(VOH) - Tính đến ngày hôm nay (27/3), số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã gần cán mốc 500.000 – theo SCMP vừa cập nhật.

Theo số liệu từ SCMP, trong số gần 496.912 ca mắc bệnh có khoảng 108.368 ca đã được chữa khỏi và 22.948 ca tử vong vì dịch bệnh này.

Đến nay, Italy là quốc gia có số người tử vong do COVID-19 cao nhất – khoảng 8.165, xếp sau đó là Tây Ban Nha và Iran với số ca tử vong lần lượt là 4.089 và 2.234.

Như vậy, sau khi bùng phát tại Trung Quốc, COVID-19 đã lan ra toàn thế giới, đặc biệt, dịch bệnh đã làm khuynh đảo các quốc gia châu Âu và khiến các quốc gia này chật vật ứng phó trong tình trạng thiếu nhân viên y tế, thiếu cả trang thiết bị y tế.

dịch COVID-19

Cập nhật số ca bệnh mới vào sáng nay (27/3) của SCMP (Ảnh chụp màn hình)

Thống kê mới nhất cho thấy, Ý đã có hơn 8.100 người tử vong và hơn 809.000 ca nhiễm COVID-19. Tuy vậy, tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở Ý được ghi nhận có phần chậm lại trong 4 ngày gần đây nhờ chính phủ siết chặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Tại Tây Ban Nha, số người chết do COVID-19 ở Tây Ban Nha tăng lên hơn 4.000 sau khi nước này ghi nhận thêm 655 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 6.673 ca nhiễm mới nCoV, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên 56.188. Số ca tử vong cũng tăng lên 4.089 do thêm 655 người chết, tăng 19% so với hôm qua.

Khu vực Madrid chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 17.166 ca nhiễm, chiếm gần 1/3 số ca toàn quốc, và 2.090 ca tử vong, tương đương 51% trường hợp tử vong của cả nước.

Dù Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ 14/3 và hôm nay được quốc hội chấp thuận gia hạn đến 11/4, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này vẫn không ngừng tăng lên. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ tư trên thế giới, nhưng là nước ghi nhận số ca tử vong nhiều thứ hai, chỉ sau Italy.

Tại Anh, các bệnh viện ở thủ đô nước Anh đang bị quá tải bệnh nhân COVID-19 và thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế và máy thở.

Chính phủ Anh đang xây dựng bệnh viện dã chiến 4.000 giường ở trung tâm triển lãm tại London. Truyền thông Anh cho biết 10 cơ sở tương tự cũng sẽ được dựng lên trên khắp cả nước.

Anh hiện ghi nhận hơn 11.500 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 578 trường hợp đã tử vong. London chiếm 1/3 trong tổng số ca nhiễm và tử vong ở Anh. Một nghiên cứu gần đây của Financial Times cho thấy số ca tử vong ở London tăng gấp đôi cứ sau hai ngày, nhanh hơn một ngày so với tỷ lệ trung bình trên toàn nước Anh. Đáng chú ý, một số nơi tỷ lệ nhân viên y tế nhiễm bệnh lên tới 50%.

Tại Mỹ, thượng viện nước này đã thông qua gói ngân sách giải cứu kinh tế lên tới 2.000 tỉ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Khoản tiền này sẽ được chi để ứng phó đại dịch, hỗ trợ người dân, bệnh viện cũng như các doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại vì COVID-19. Hạ viện sẽ bỏ phiếu thông qua gói ngân sách này vào ngày hôm nay 27/3 và cuối cùng là Tổng thống Donald Trump ký thành luật để giải ngân.

Động thái này được đưa ra khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ trở nên đáng báo động. Đã có hơn 1.100 người chết và hơn 80.000 ca nhiễm COVID-19 tại nước này.

Ấn Độ ra lệnh buộc 1,3 tỉ người dân phải ở nhà trong vòng 3 tuần để phòng COVID-19 lan rộng, theo Reuters. Điều này nâng tổng số người bị hạn chế ra ngoài trên khắp thế giới lên tới hơn 3 tỉ.

Ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin thông báo người dân sẽ được nghỉ làm có lương vào tuần tới để giảm tốc độ lây lan của vi rút. Chính phủ Nga đồng thời tuyên bố lệnh ngừng các chuyến bay quốc tế, đóng cửa tất cả cửa hàng ở thủ đô Moscow từ cuối tuần này, trừ một số ngoại lệ.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã hoãn tổ chức Thế vận hội trong năm nay và chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi người dân ở nhà vào cuối tuần này, cảnh báo về “đợt bùng nổ” COVID-19 sắp tới.

Chính phủ Thái Lan cùng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài, đóng cửa các cơ sở, dịch vụ không cần thiết và tụ tập đông người. Tình trạng khẩn cấp cũng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26/3 ở Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Philippines, tình trạng đáng báo động khi 9 bác sĩ đã tử vong vì Covid-19, giữa lúc nhiều bệnh viện quá tải và nhân viên y tế tuyến đầu không có đủ thiết bị bảo hộ.

Indonesia thông báo có thêm 103 trường hợp dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 893, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này là 78. Indonesia hiện ghi nhận số người chết vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong do nCoV ở nước này là 8,7%, gần gấp đôi mức trung bình 4,4% toàn thế giới.

Tại Trung Quốc, chính quyền đã bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế đi lại đối với người dân ở tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 12/2019, sau khi nước này không có ca nhiễm nội địa mới. 

Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc sẽ góp phần ổn định kinh tế thế giới - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 về Covid-19 diễn ra ở Bắc Kinh vào tối ngày 26/3.

Hàn Quốc: Vi phạm quy định cách ly sẽ bị trục xuất hoặc phạt tù - Hàn Quốc ngày 26/3 công bố nước này sẽ áp dụng hình phạt cứng rắn đối với người vi phạm quy định cách ly nhằm tầm soát và phát hiện nhanh nguy cơ nhiễm Covid-19.

Bình luận