Đà Nẵng: Phát hiện 1 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ

VOH - Ngày 19/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa nhận được thông tin về 1 bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trường hợp này được báo cáo nhanh tại Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng). CDC cũng đã phát đi công văn khẩn gửi trung tâm y tế các quận, huyện thực hiện các biện pháp xử lý với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

đậu mùa khỉ
Trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Đà Nẵng đang được cách ly

Lãnh đạo CDC Đà Nẵng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã triển khai các biện pháp chuyên môn áp dụng trong công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, thông qua việc điều tra dịch tễ, lịch sử đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân thì không có mối liên hệ nào với các bệnh nhân đã mắc bệnh trước đó.

Ngoài ra, các triệu chứng, yếu tố lâm sàng của bệnh nhân thiên về bệnh tay chân miệng bị bội nhiễm hơn là đậu mùa khỉ. Để chắc chắn, CDC Đà Nẵng đã gửi mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang.

Trong lúc chưa có kết quả cuối cùng, ngành y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định.

Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, CDC Đà Nẵng đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng cách ly tạm thời bệnh nhân theo đúng quy định, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Đồng thời, lập danh sách nhân viên, người tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ trên để tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả âm tính (nếu có).

Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, các quận, huyện khác điều tra thêm thông tin bệnh nhân, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần để tư vấn, hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe.

Xem thêm: Cách nhận biết triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 22 ca đậu mùa khỉ, trong đó TPHCM 19 ca, Bình Dương 2 ca, Long An 1 ca. Phần lớn bệnh nhân chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Các chuyên gia cho rằng mầm bệnh đã âm thầm lưu hành trong cộng đồng, những bệnh nhân trên được xem là "ca nội địa".

Căn bệnh này có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc, song sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.

Triệu chứng nghi ngờ bệnh là phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược...

Bình luận