Dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn ở trẻ em và cách điều trị

(VOH) – Hen suyễn là 1 vấn đề cần phải được quan tâm đúng mực, nhất là với trẻ em, bởi tỷ lệ trẻ mắc bệnh hen suyễn đang ngày càng tăng cao. Vậy hen suyễn ở trẻ em là bệnh lý như thế nào?

Hen suyễn là một trong những bệnh lý rất cần được quan tâm với những đối tượng là người cao tuổi và trẻ em. Ở trẻ em, hen suyễn là bệnh lý thuộc đường hô hấp khá thường gặp, số liệu thống kê cũng có thấy tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ có thể cao hơn người lớn và nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là những nguy cơ rất nặng nề.

Hen suyễn ở trẻ em là bệnh gì? Gây nguy hiểm như thế nào?

Theo chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Bay (BV Đại học Y dược TPHCM) trong chương trình Phòng Mạch FM, hen suyễn là bệnh hen phế quản mạn tính gây ra tình trạng khó thở, sau cơn khó thở, khò khè nhiều sẽ dẫn đến những cơn ho và những cơn ho này thường rất khó chịu.

Hen phế quản ở trẻ em thường được dùng để nói những đối tượng trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Vì ở độ tuổi này cơ thể các bé vẫn còn yếu và có một số bộ phận chưa hoàn chính. Khi trẻ bị hen phế quản sẽ làm co thắt phế quản và xảy ra cơn hen, cơn khó thở

 dau-hieu-nhan-biet-benh-hen-suyen-o-tre-em-va-cach-dieu-tri-voh

Hen phế quản là sự co thắt của ống phế quản (Nguồn: Internet)

Riêng với trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành ngoài xuất hiện tình trạng hen, căn bệnh này gây ra tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, nếu không được chăm sóc kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến hô hấp của trẻ trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, khi trẻ bị hen phế quản kéo dài sẽ kèm theo những cơn khó thở thường xuyên xuất hiện và khò khè, viêm nhiễm đường hô hấp trên mạn tính. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do hấp thu và sản xuất năng lượng của cơ thể bị thiếu lượng oxy vào, đồng thời nó cũng khiến cho sự phát triển não bộ của trẻ sẽ chậm và kém hơn trẻ bình thường. 

Nguyên nhân nào gây hen phế quản?

Hen phế quản là sự co thắt của ống phế quản. Căn bệnh có thể do di truyền và cũng có thể do những yếu tố cơ địa.

Một số yếu tố được cho là có thể tác động gây nên bệnh hen phế quản là:

  • Ô nhiễm môi trường

Trẻ vô tình hít phải bụi khói ngoài môi trường. 

  • Khói thuốc lá

Trẻ hít phải khói thuốc lá do trong nhà có người hút thuốc lá.

  • Do virus cảm cúm

Các cơn hen ác tính hay những bệnh lý nặng nề có thể xuất hiện sau những đợt cúm trong mùa lạnh, hoặc vào mùa lạnh và có dịch cúm. Khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể gây ra viêm đường hô hấp, đối với em bé có cơ địa hen, cơ địa dị ứng thì ngoài việc mắc bệnh cúm còn có thể gặp phải các cơn hen.

 dau-hieu-nhan-biet-benh-hen-suyen-o-tre-em-va-cach-dieu-tri-1-voh

Trẻ bị hen phế quản thường sẽ xuất hiện những cơn hen, những cơn khó thở (Nguồn: Internet)

Cơn hen bình thường xảy ra vào lúc buổi sáng sớm hay trời trở lạnh. Tuy nhiên, nếu trẻ bị hen phế quản ác tính thì nó sẽ xuất hiện những cơn hen, những cơn khó thở thường xuyên, làm ứ đọng khí cacbonic khiến cho trẻ tím tái cả người nếu liên tục bị hen và khó thở. 

  • Do một số loại vi trùng, vi nấm khác....

Không chỉ có virus, một số loại vi trùng, vi nấm hay các yếu tố từ môi trường xâm nhập cũng đều có thể làm "thức dậy" cơn hen. Đặc biệt, các cơn hen do vi trùng gây ra còn ảnh hưởng nặng nề hơn hen do virus. Bởi chúng không chỉ là những cơn khó thở mà trẻ còn có thể bị sốt cao và bị viêm nhiễm, thậm chí là xuất tiết. Nếu như không kịp thời chữa trị thì cơn khó thở này càng dễ trở thành những cơn khó thở ác tính. 

Tuy nhiên, cha mẹ tránh nhầm lẫn bệnh hen phế quản là bệnh lây truyền, bởi những cơn hen suyễn thuần túy hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm mà nó chỉ có yếu tố cơ địa, do yếu tố dị ứng nguyên, do cha mẹ di truyền. Tuy nhiên những yếu tố này lại có thể lây, ví dụ như trẻ đang bị virus cúm và khi trẻ bật ra tiếng ho thì virus có trong nước bọt sẽ bắn ra và lây cho những đứa trẻ khác. 

Mặc dù là bệnh không lây nhưng trong điều kiện những chất dịch tiết ra khi ho sẽ bắn ra những loại virus có mang yếu tố dị ứng nguyên làm ảnh hưởng đến những đứa bé khác. Có thể đứa bé khác không bị hen nhưng nếu bị viêm phế quản hay bị những bệnh đường hô hấp trên, thì đó chính là những yếu tố nguy cơ có thể xảy  ra hen phế quản bên cạnh cơ địa dị ứng nguyên hay di truyền từ cha mẹ.

Làm thế nào để biết trẻ bị hen do cơ địa, dị ứng hay di truyền?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, rất khó để có thể xác định trẻ bị hen suyễn là do yếu tố nào gây ra nếu chỉ nhìn trên biểu hiện lâm sàng. Cách tốt nhất để xác định nguyên nhân chính là cho trẻ làm xét nghiệm máu.

Nếu bạch cầu ái toan trong máu tăng lên thì có thể trẻ đang bị viêm phế quản thông thường. Nếu bạch cầu đa nhân trung tính tăng thì trẻ có thể đang bị viêm phế quản do vi trùng.

Riêng trường hợp có yếu tố cơ địa dị ứng thì eosinophil - bạch cầu ái toan cũng tăng, nhưng các bác sĩ sẽ không thể khẳng định trong trường hợp này trẻ có bị hen phế quản hay không. Bởi có rất nhiều những dị ứng khác ví dụ như: dị ứng gây ra eczema, chàm, chàm sữa hay nhọt, mề đay… do bụi, mạt nhà… có gây ngứa ngáy thì eosinophil cũng sẽ tăng nhưng tăng nhẹ.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể cho trẻ làm một số cận lâm sàng khác để xác định bệnh hen phế quản. Ví dụ như đo hô hấp ký sẽ giúp chẩn đoán được nguyên nhân hen và cả bậc hen. (Bậc hen là bậc zero, bậc 1, 2, 3, 4,... tùy mỗi bậc bác sĩ có phác đồ điều trị và chăm sóc riêng để tránh trường hợp cơn hen chuyển thành ác tính hoặc có thể qua độ tuổi thì sẽ hết hẳn cơn hen bậc này).

Dấu hiệu nhận biết cơn hen và cách xử lý tại chỗ

Cơn hen ở trẻ có thể xảy ra ở cấp độ nhẹ, vừa và nặng. Dấu hiệu của cơn hen nhẹ có thể nhận biết như sau:

  • Triệu chứng đầu tiên chính là khó thở và thở khò khè. Sau đó, các cơ của ức đòn chũm, cơ cổ, cơ liên sườn, xương đòn gánh, cơ ngực bắt đầu co kéo.
  • Trẻ cảm thấy khó thở và bắt đầu há miệng để thở bằng miệng nhưng không thở được. Lúc này trẻ chỉ có thể hít vào mà không thể thở ra được bởi bên trong đang bị ứ đọng cacbonic.
  • Sau khi cơn khó thở đi qua trẻ sẽ bị ho và khi đã ho được rồi thì cơn khó thở cũng sẽ không còn nữa.

Những dấu hiệu của cơn hen vừa và nặng giống với cơn hen nhẹ, nhưng diễn ra với tần suất nhiều hơn, một đêm có thể lên 3 - 4 cơn hen làm cho bé không ngủ được. Nếu là cơn hen ác tính thì gần như nó kéo dài liên tục hết cơn hen này đến cơn hen khác.

Thông thường với cơn hen nhẹ, cha mẹ có thể chăm sóc bé ở nhà nhưng khi bắt đầu cơn hen vừa thì bạn phải đưa bé vào bệnh viện để bé được thở oxy, tránh tình trạng bị thiếu oxy quá nhiều sẽ dẫn đến suy hô hấp hoặc diễn biến qua cơn hen ác tính.  

Cách xử lý tại chỗ khi trẻ lên cơn hen suyễn

Khi thấy trẻ bắt đầu lên cơn hen cha mẹ hãy lập tức cho bé ngồi ở tư thế duỗi thẳng chân hoặc nằm với tư thế đầu rất cao để giúp thông thoáng đường thở. Sau đó phải làm cho không khí môi trường xung quanh được thông thoáng.

 dau-hieu-nhan-biet-benh-hen-suyen-o-tre-em-va-cach-dieu-tri-2-voh

Cho trẻ sử dụng khí dung theo chỉ định bác sĩ để giúp giảm co thắt phế quản (Nguồn: Internet)

Nếu bé đã thăm khám bác sĩ và bác sĩ cho chỉ định dùng khí dung thì sau khi ổn định tư thế lập tức cho bé sử dụng khí dung để hạ cơn co thắt phế quản, giúp bé giảm cơn ho. Đồng thời, cha mẹ hãy luôn đứng bên cạnh bé để giúp bé lấy lại bình tĩnh, không sợ hãi.

Bên cạnh việc xử lý tại chỗ nhanh và kịp thời khi trẻ lên cơn hen, cha mẹ cũng cần quan tâm đến việc phòng tránh hen suyễn ở trẻ. Có thể giúp trẻ phòng ngừa hen suyễn bằng cách:

  • Luôn luôn giữ vệ sinh cho trẻ. Ví dụ như: ở đường thở của bé nên thường xuyên cho bé súc miệng bằng nước muối sau khi ăn xong. Nếu bé bị sâu răng hãy chữa ngay để tránh nhiễm trùng, tạo cơ hội gây ra hen phế quản. 
  • Trong môi trường có những cháu bé khác có hắt hơi nhảy mũi nước thì nên cho trẻ đeo khẩu trang để ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, những dịch trong không khí.
  • Luôn giữ ấm cơ thể trẻ, cho trẻ uống nước ấm, ăn thức ăn ấm... không cho yếu tố lạnh tác động. Đồng thời, phải tuân theo phác đồ điều trị, giúp bé sử dụng các loại khí dung hoặc điều trị dứt điểm các bệnh lý cảm, viêm phế quản, hay viêm đường hô hấp trên để không là cơ hội xuất hiện cơn hen.

Điều trị bệnh hen phế quản bằng cách nào?

Bác sĩ Bay cho biết, hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính của đường hô hấp trên. Mặc dù nó là sự co thắt của cơn phế quản, sau khi co thắt có xuất tiết cuối cùng là ho và bật ra v.v… nhưng thường đây là loại bệnh cơ địa nên có thể căn bệnh này sẽ duy trì cơn khó thở, cơn hen đến suốt đời và phải điều trị suốt đời.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp trẻ em bị hen phế quản đến một độ tuổi nào đó ví dụ như bắt đầu tuổi dậy thì, nội tiết bên trong cơ thể thay đổi thì có thể làm thay đổi bản chất cơ địa và khi đó hết cơn hen một cách tự nhiên.

Hoặc là có trường hợp là trẻ nhỏ không bị hen nhưng đến khi bước vào độ tuổi thiếu niên thì bị hen phế quản và kéo dài đến khi lập gia đình. Sau khi lập gia đình nếu có một thay đổi về nội tiết hay có một số theo dõi điều trị đàng hoàng, thì một lúc nào đó cũng có thể chấm dứt cơn hen, tuy nhiên tỷ lệ này chỉ ở một mức độ nhất định chứ không cao. 

Với những trẻ có cơ địa dị ứng nhưng cha mẹ không tìm ra được dị ứng nguyên, ví dụ ăn thực phẩm, thình lình uống ly sữa vô, ăn tôm hay ăn cá hay bất cứ thứ gì đó… sau đó liền xuất hiện cơn hen, thì chứng hen đó sẽ đi theo trẻ và việc chăm sóc này cần phải thực hiện suốt đời bởi vì nó sẽ tăng bậc lên.

Nhìn chung nếu thấy trẻ có dấu hiệu khò khè, khó thở mà cha mẹ nghi ngờ là hen phế quản thì nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành đo phế dung, đo hô hấp ký để chẩn đoán bậc hen và tiến hành điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh và bậc hen. 

Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc con mình làm sao để tránh cơn hen đến, khi cơn hen đến phải chữa trị như thế nào. Đồng thời, với những trẻ lớn bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cho trẻ cách tự chăm sóc để cho giảm bớt tối đa tình trạng xuất hiện cơn hen, và khi cơn hen đến thì liệu trình của xịt khí dung hay sử dụng các loại thuốc như thế nào là tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

Kiến thức trong bài viết được tham khảo từ những trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Bay trong chương trình Phòng Mạch FM phát sóng trên VOH Radio - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

Hen phế quản : Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đúng nhất : Hen phế quản (hen suyễn) là căn bệnh phổ biến và theo thống kê thì có 4 trẻ thành thị thì có 1 trẻ bị hen suyễn.
 5 dấu hiệu trẻ bị viêm phổi : Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm phổi ở trẻ em đã lấy đi gần 20 sinh mạng mỗi giây và chiếm đến 16% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bình luận