Để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 

(VOH) - Với làn sóng COVID-19 thứ hai hiện nay các chuyên gia dự báo sẽ trở nên nguy hiểm, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống dịch.

Điều này đòi hỏi ngành y tế phải có sự chuẩn bị với những giải pháp hợp lý, trọng điểm. Một trong những điểm quan tâm nhất hiện nay đó là kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong môi trường bệnh viện, để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại.

Mới đây nhất, ngày 11/8, Bộ Y tế có công điện số 1263 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với 110 bệnh viện trực thuộc Sở, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, căn cứ vào những yêu cầu và hướng dẫn mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Thành phố, Sở Y tế TPHCM đã cập nhật phiên bản mới về các hoạt động cần được triển khai tại các bệnh viện qua “Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại” hay còn gọi là phiên bản 3.0 với 14 nội dung trọng tâm. Đặc biệt phiên bản này nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 .

COVID-19, bệnh viện, ngày 12 tháng 8 năm 2020

Thực hiện kiểm tra và khai báo y tế cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da Liễu Thành phố 

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, là bệnh viện đa khoa hạng 1, với quy mô 1600 giường nội trú, 05 trung tâm chuyên khoa mũi nhọn là Thần kinh, Tim mạch, Thận - Niệu, Ung thư - Y học hạt nhân, Gây mê hồi sức - Hồi sức tích cực, đặc biệt với Khoa bệnh lý mạch máu não, hàng ngày luôn quá tải với áp lực điều trị nội trú từ 140 – 150 người bệnh nên việc phòng chống Covid – 19 được xem là vấn đề vô cùng quan trọng. Thực hiện chỉ đạo từ Sở Y tế, không phải chờ dịch xuất hiện lại mà công tác này ngay từ khi bắt đầu phát sinh dịch đã được thực hiện nghiêm.

Hiện nay, với phiên bản 3.0 này, bệnh viện đã rà soát, báo cáo Sở Y tế kiểm tra. Qua việc triển khai 14 tiêu chí từ Sở, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Bác sĩ Trần Văn Sóng cho biết: Sở Y tế có hướng dẫn đưa ra để triển khai 14 tiêu chí làm sao để bệnh viện an toàn, chống lây nhiễm tại bệnh viện. Theo phiên bản này có 1 số nội dung được nhấn mạnh hơn trong vấn đề tầm soát người bệnh 24/24 cũng như triển khai ngay tại cấp cứu có phòng sàng lọc riêng đảm bảo người tới cấp cứu đều được sàng lọc thật kỹ. Cũng như triển khai khu vực riêng tại cổng bệnh viện để khám sàng lọc cho bệnh nhân vào bệnh viện đảm bảo an toàn trong chống lây nhiễm. Và triển khai thêm phác đồ mới, những phác đồ cập nhật trong điều trị. Vừa rồi bệnh viện đã triển khai chỉ đạo từ Bộ cũng như Sở trong tập huấn, đào tạo, sẳn sàng nguồn nhân lực, trang thiết bị theo phương châm 5 tại chỗ”.

Tại các bệnh viện hiện nay, việc thực hiện sàng lọc và kiểm tra y tế hoạt động 24/7 ở tất cả các cổng vào của bệnh viện, áp dụng cho mọi người khi đến bệnh viện, đảm bảo mỗi người đều phải mang khẩu trang, đo thân nhiệt, vệ sinh tay và thực hiện tờ khai y tế, đánh dấu nhận diện người đã qua sàng lọc. Nội dung tờ khai y tế thường xuyên cập nhật thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này cũng đã được Bệnh viện Da liễu Thành phố áp dụng nghiêm ngặt với đặc thù tại đây lượng bệnh khám ngoại trú luôn chiếm ưu thế.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố cho biết, trước khi dịch bùng phát lại ở Đà Nẵng, trung bình hằng ngày có khoảng 2500 bệnh ngoại trú, khi dịch bùng phát lại, lượng bệnh có giảm trung bình 1500 lượt khám mỗi ngày và trong mấy ngày nay, lượng bệnh nhân đã tăng trở lại khoảng 2000 bệnh nhân đến khám.

Với lượng bệnh đông, công tác kiểm soát để áp dụng các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh Covid 19 tại bệnh viện luôn được Ban giám đốc bệnh viện quan tâm hàng đầu, triển khai xuyên suốt: “Đúng là lượng bệnh đến đây khá đông tập trung ngoại trú nên ngay từ đầu mùa dịch bệnh viện đã triển khai tất cả các khuyến cáo của Sở để đảm bảo an toàn khi đến đây. Với phiên bản 3.0 này bệnh viện tiếp tục duy trì công tác sàng lọc, bước vào bệnh viện phải thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, nếu không có khẩu trang bệnh viện sẽ phát khẩu trang.

Sau khi sàng lọc người có yếu tố nguy cơ đặc biệt những người đi từ Đà Nẵng về sẽ hướng dẫn đi cổng riêng, có phòng sàng lọc riêng ở đó nhân viên y tế sẽ trang bị đồ bảo hộ tiếp nhận bệnh nhân khai thác xử trí theo khuyến cáo tiếp theo. Trong khoa khám bệnh, đảm bảo độ giãn cách các bệnh nhân với nhau, trang bị các phương tiện bảo vệ cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc. Bên cạnh đó, bệnh viện tập huấn và tập huấn lại kiểm soát nhiễm khuẩn, đẩy mạnh truyền thông để người dân đến đây biết thực hiện đúng khuyến cáo như đeo khẩu trang, thực hiện giản cách, cài đặt bluezone…”.

Nội dung này cũng là một trong những công tác trọng tâm tiếp theo về thực hiện phòng chống COVID-19 của Thành phố. Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế Thành phố đã phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch 10/8 vừa qua:

Chúng ta tiếp tục thực hiện thông báo 284 của Văn phòng chính phủ ngày 8/8, kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng chống dịch, quyết định 3468 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát phòng chống Covid 19, công điện 1196 của Bộ Y tế về tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống Covid 19, công văn số 2809 của Ủy ban về tạm ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ cũng như hạn chế tụ tập đông người phòng chống Covid, thông báo kết luận 590 của Chủ tịch ủy ban Nhân dân Thành phố tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Thứ hai chúng ta tiếp tục thông tin,tuyên truyền tình hình dịch, các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, công tác phòng chống dịch của Thành phố, xử lý việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.Thứ ba các sở ngành, các cơ quan, tổ chức tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế”.

Theo phiên bản 3.0, Sở Y tế còn khuyến cáo các cơ sở y tế trực thuộc triển khai buồng khám sàng lọc ngay gần cổng vào hoặc tiền sảnh, biệt lập với các khoa, phòng khác. Bố trí buồng cách ly tạm ở gần buồng khám sàng lọc nếu bệnh viện chưa có khu cách ly, đảm bảo người bệnh có triệu chứng sốt, triệu chứng hô hấp tách biệt khỏi những người bệnh khác ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh, chuyển ngay người bệnh vào khu cách ly nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và chuyển mẫu đến bệnh viện được phép thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trường hợp bệnh viện không có khu cách ly, cho người bệnh ở buồng cách ly tạm trong thời gian chờ làm thủ tục chuyển đến bệnh viện được phân công tiếp nhận để làm xét nghiệm, theo dõi và điều trị.Bên cạnh đó, khuyến cáo là cần hình thành buồng cấp cứu sàng lọc ngay tại khoa Cấp cứu của bệnh viện, tách biệt hẳn với bộ phận còn lại của khoa Cấp cứu, đảm bảo tất cả trường hợp cấp cứu sau khi được sơ cứu hoặc hồi sức cấp cứu đều được sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19. Đảm bảo nhân viên y tế thường trực tại buồng cấp cứu sàng lọc sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân đúng quy định.

Các cơ sở y tế khi tiếp nhận người bệnh là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam từ nước ngoài về hoặc từ các tỉnh, thành đang bùng phát dịch được chuyển về để điều trị tiếp vì các bệnh lý khác nhau phải thực hiện xét nghiệm tìm SARS-CoV-2, chăm sóc và theo dõi người bệnh trong khu cách ly của bệnh viện theo đúng quy định. Bệnh viện tuyến trên ưu tiên tiếp nhận người bệnh nặng do tuyến dưới chuyển đến, và hạn chế tối đa các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.

Thực hiện giãn để duy trì giữ khoảng cách tối thiểu 1m giữa người bệnh, thân nhân người bệnh, nhân viên bệnh viện. Thời điểm hiện nay, các bệnh viện không tổ chức hoạt động người nhà đến thăm bệnh, hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh. Duy trì hoạt động của các “trạm vệ sinh tay” tại khoa Khám bệnh và các khoa, phòng trong bệnh viện. Triển khai khám bệnh theo giờ hẹn trước, đẩy nhanh tiến độ và đa dạng hoá các loại hình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.Đảm bảo cung ứng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác khám, chữa bệnh. Đảm bảo nhân viên bệnh viện phải sử dụng đúng các loại phương tiện phòng hộ cá nhân trong từng tình huống cụ thể.Triển khai buồng cách ly áp lực âm tại các khoa Hồi sức hoặc khu cách ly của các bệnh viện được phân công chuyên tiếp nhận và điều trị người bệnh mắc COVID-19.

Tăng cường các giải pháp quản lý sức khoẻ đối với nhân viên của bệnh viện, nhân viên cung ứng hàng hoá cho bệnh viện và nhân viên của các công ty hợp đồng với bệnh viện tất cả đều phải khai báo y tế trước khi vào bệnh viện.

Khi phát hiện trong khoa, phòng của bệnh viện có người mắc COVID-19 hoặc có người tiếp xúc với người mắc COVID-19 mà không phải là người bệnh đến khám bệnh, Giám đốc bệnh viện phải ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly đối với quy mô khoa, phòng và quy mô liên khoa, phòng, lập danh sách tất cả người tiếp xúc để thực hiện việc cách ly và làm xét nghiệm chẩn đoán theo quy định, đồng thời báo cáo khẩn về Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố. Chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn thực hiện khử khuẩn toàn bộ khoa, phòng có liên quan đúng theo quy định trước khi hoạt động trở lại.

Nhất Hương

Cập nhật COVID-19: Ghi nhận ca tử vong thứ 17: Sáng 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, thông tin 

 

 

Cập nhật Covid-19 chiều 10/08: Việt Nam thêm 6 ca mắc mới COVID-19, có 4 ca ở Đà Nẵng: Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã ghi nhận 6 ca mắc mới COVID-19, trong đó 01 ca ở Quảng Nam, 04 ca ở 

Bình luận