Đi tắm thác nước, sông suối, ao hồ có thể nhiễm xoắn khuẩn Leptospira?

VOH - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân ở Định Hóa (Thái Nguyên) bị tổn thương thận cấp và suy gan cấp do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.

Vào ngày 24/7, bệnh nhân P.V.T được chuyển từ Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa trong tình trạng sốt, chóng mặt, da sẩn ngứa toàn thân, quanh miệng có các vết loét, đau ngực âm ỉ.

Trước khi vào Bệnh viện đa khoa Định Hóa 7 ngày, bệnh nhân cùng bạn đi chơi ở thác nước. Sau đó về nhà người bệnh xuất hiện sốt, mẩn ngứa toàn thân, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và sử dụng thuốc nam 1 ngày không rõ nguồn gốc để tự điều trị. Khi thấy nôn nhiều, đi tiểu ít, người bệnh vào viện.

Tại bệnh viện đa khoa Huyện, người bệnh được chẩn đoán suy thận cấp, được chỉ định truyền dịch, đặt sonde tiểu, chống toan máu nhưng tình trạng không đỡ chuyển Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị.

nhiễm xoắn khuẩn
ThS.BS Đỗ Văn Tùng - Phó trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu kiểm tra lại phổi cho người bệnh sau điều trị.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy các chỉ số đều cao hơn gấp nhiều lần so với người bình thường (trong đó chỉ số Creatinin - chỉ số đánh giá chức năng thận tăng gấp 10 lần so với chỉ số bình thường, các chỉ số đánh giá tổn thương gan như Bilirubin tăng cao, tiểu cầu giảm nặng.

Bệnh nhân sau đó được lọc máu cấp cứu. Sau lọc máu, các chỉ số được cải thiện rõ rệt, người bệnh đã đi tiểu nhiều (trên 4 lít/ngày), tiếp tục được dùng kháng sinh, truyền dịch, bù dinh dưỡng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, trên cơ thể bệnh nhân có những biểu hiện điển hình của một loại vi khuẩn gây tổn thương gan thận, như: sốt, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có tổn thương chức năng gan, thận và đặc biệt có tiền sử dịch tễ là đi chơi ở thác nước.

Sau làm thêm các xét nghiệm về vi khuẩn và virus, kết quả người bệnh dương tính với xoắn khuẩn Leptospira.

Bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ dùng kháng sinh đặc trị, hỗ trợ lọc máu, các thuốc bổ gan, tăng cường dinh dưỡng. Sau 1 tuần được điều trị tích cực, người bệnh đã hồi phục, ăn uống ngon miệng, các chỉ số đánh giá phục hồi chức năng gan, thận cải thiện đáng kể, bệnh nhân không phải lọc máu. 

Xoắn khuẩn Leptospira nguy hiểm như thế nào?

Xoắn khuẩn Leptospira - nguyên nhân gây bệnh Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn vàng da) thường ký sinh trên gia súc, gia cầm và nguồn nước ô nhiễm, thường lây nhiễm cho người qua tổn thương niêm mạc.

Khi sống trong cơ thể người, ở giai đoạn đầu người bệnh có biểu hiện sốt, đau cơ, mệt mỏi, ho, chảy nước mũi. Đến giai đoạn nặng hơn (từ ngày thứ 6) nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận, viêm phổi và viêm màng não.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần quản lý vật nuôi tránh thải nước tiểu, phân trực tiếp ra ao hồ gây ô nhiễm nước, tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, giám sát bệnh ở vật nuôi; Sử dụng bảo hộ lao động đối với người nguy cơ cao như đi găng, đi ủng, đeo kính bơi…;

Không tắm ở ao hồ, sông, suối; Tiêm phòng vaccine phòng bệnh Leptospira, dùng kháng sinh dự phòng đúng chỉ định cho những người nghi ngờ nhiễm bệnh khi có dịch.

Bình luận