Điều dưỡng Trần Thị Hương: "Mỗi ngày đi làm là một ngày vui"

(VOH) - Gắn bó gần hai mươi năm với công việc tại Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy, điều dưỡng Trần Thị Hương đã sống hết mình với công việc dù đang mắc bệnh ung thư tuyến giáp.

Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi thường xuyên phải tiếp nhận hầu như những ca rất nặng, nguy kịch do chấn thương sọ não. Cùng với y bác sĩ, các điều dưỡng tại đây luôn căng mình làm việc trong trạng thái cao nhất, hầu mong níu giữ sự sống cho bệnh nhân từng phút, từng giây.

Bên cạnh các bác sĩ, vai trò người điều dưỡng tại khoa vô cùng quan trọng, họ phải chăm sóc bệnh nhân trong thời gian dài, lại thêm các ca bệnh hầu như rất nặng.

Gắn bó gần hai mươi năm với công việc, điều dưỡng Trần Thị Hương đã không quản ngại khó khăn, gắn bó với công việc dù hiện đang mắc bệnh ung thư tuyến giáp, chị Hương đã có chia sẻ với VOH.

*VOH: Ngay từ ngày đầu vào nghề, đối diện với những khó khăn, chị có cảm thấy phân vân khi quyết định chọn nghề điều dưỡng hay không?

Điều dưỡng Trần Thị Hương: Mình chọn ngành điều dưỡng vì cảm thấy việc chăm sóc bệnh nhân là ước mơ của mình. Khi vào Khoa này, mình từng bị sốc. Vì hầu như bệnh nhân nằm mê không biết gì, chăm sóc bệnh nhân từ ăn uống cho đến đi vệ sinh, tất cả mình làm hết. 

Đôi khi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh. Nhiều trường hợp khi gia đình bệnh nhân có người nhà bị tai nạn giao thông mất, người ta hoảng loạn, cảm giác như mất tất cả. Mìnnh chứng kiến cảnh đó, thấy xót xa lắm.

Lúc còn trẻ, mình cảm thấy hoang mang, nhưng trải qua công việc chừng 4-5 năm, mình nhận thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, thêm yêu cuộc sống này hơn. Vì mỗi ngày mình được đi làm là được sống và cống hiến, đó là niềm vui ! 

Điều dưỡng Trần Thị Hương:
Điều dưỡng Trần Thị Hương đang chăm sóc bệnh nhân - Ảnh: Nhất Hương

*VOH: Công việc điều dưỡng rất cực nhọc và cần chữ Tâm trong đó. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi làm nghề?

Điều dưỡng Trần Thị Hương: Có lần mình chăm sóc bệnh nhân mê man, không biết gì hết. Chăm sóc ngày này qua ngày khác, đến một ngày, bệnh nhân nhận biết và có thể trao đổi với mình. 

Bệnh nhân đang thở ống, không nói chuyện được nhưng vẫn cố gắng viết chữ "cảm ơn", mình thấy vui và hạnh phúc lắm! Với công việc điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân, chỉ bấy nhiêu thôi là quá vui rồi.

Trường hợp người nhà khó chịu, hằn học với điều dưỡng cũng thường xuyên xảy ra, nhưng cũng có những người người thấu hiểu công việc này khó khăn, người ta cũng chia sẻ. 

* VOH: Công việc đòi hỏi phải thức đêm trực ca, đôi khi kéo dài liên tục mấy tháng trời, gia đình có phản đối hay ủng hộ chị?

Điều dưỡng Trần Thị Hương: Đối với gia đình mình, mọi người đều ủng hộ, luôn tạo điều kiện cho mình. Đôi khi đi làm đêm, con khóc đòi đi theo thì mình giải thích "đây là công việc, nếu mà mẹ không đi làm thì bệnh nhân không có ai chăm sóc". Rồi mọi việc diễn tiến đều ổn.

*VOH: Được biết bản thân chị sức khỏe không được tốt. Vì sao chị có thể vượt qua bệnh tật để chị để chị tiếp tục công việc này? 

Điều dưỡng Trần Thị Hương: Mỗi ngày mình được sống là một niềm vui. Nên mình làm cái gì mình thấy vui và ý nghĩa thì sẽ cố gắng.

Sức khỏe mình không được tốt thì cố giữ cho tinh thần thoải mái hoặc là uống thuốc hỗ trợ thêm. Tinh thần tốt thì con người sẽ tốt và công việc tốt. Nói chung tinh thần phải lạc quan thì mình sẽ làm được tất cả.

*VOH: Gắn bó với công việc điều dưỡng suốt 18 năm, chị có chia sẻ gì với thế hệ trẻ về những Đức tính cần thiết nếu muốn theo ngành điều dưỡng này?

Điều dưỡng Trần Thị Hương: Muốn theo ngành điều dưỡng, phải có tính kiên nhẫn, cần cù và chịu khó. Phải biết trải lòng và hiểu được xung quanh, hiểu được nổi khổ, nỗi đau của bệnh nhân, phải có tình thương chân thành thì sẽ làm được.

Mình xem bệnh nhân như người thân của mình vậy. Biết người ta mê man nhưng mình vẫn ngồi nói chuyện như với người thân “Cháu cho chú ăn nha, chú mau khỏe nha", "con tắm cho chú sạch sẽ, người mình thoải mái thì mình sẽ mau khỏe hơn”...

Đi làm mỗi ngày mình cảm thấy rất vui vì được làm việc nhóm, hỗ trợ cho nhau. Các bạn trong nhóm rất đoàn kết, cùng chăm sóc bệnh, cùng chia sẻ niềm vui khi xuống ca, có thể tâm sự, trải lòng. Khi bước chân ra khỏi bệnh viện thì mình không còn ướng bận gì với công việc nữa. 

*VOH: Xin cảm ơn.  

Bình luận