Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 10/2019: Vai trò cộng đồng trong công tác phòng chống dịch

(VOH) - Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” tháng 10/2019 có chủ đề: “Vai trò cộng đồng trong công tác phòng chống dịch".

Sáng 26/10, Hội đồng nhân dân TPHCM  phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” với chủ đề: “Vai trò cộng đồng trong công tác phòng chống dịch”.

Tham gia chương trình có ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, ông Trần Văn Phúc - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận Tân Phú và ông Trần Quang Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Tân Bình.

Việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, không cho dịch bệnh tấn công gây nguy hiểm tính mạng, ảnh hưởng sức khỏe luôn là mối ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Hiện nay khi các dịch bệnh lưu hành quanh năm chưa có chiều hướng giảm, vẫn còn trường hợp tử vong thì việc phòng và chống dịch bệnh phải được thực hiện một cách hài hòa và đồng bộ, phải có giải pháp sẵn sàng chống nếu có dịch xảy ra.

Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, sốt xuất huyết và tay chân miệng và sởi cũng đang là 3 dịch bệnh lưu hành đáng lo ngại, nhất là với sốt xuất huyết hiện đã có 9 trường hợp tử vong. Do vậy, công tác phòng chống dịch cần phải thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.

Tuy nhiên, người dân còn lo ngại về việc ảnh hưởng của việc phun hóa chất phòng bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và bản thân hay không. Chị Phạm Thị Hồng Thắm, ở Quận 4 đặt vấn đề hiện nay dịch sốt xuất huyết đang lây lan rất là nhiều và phun xịt thuốc có hiệu quả diệt muỗi cao. Nhưng chị thắc mắc là phun xịt thuốc vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và nhất là đối với những gia đình có nhiều trẻ nhỏ như gia đình của chị.

Các đại biểu tham gia chương trình: “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” tháng 10/2019

Các đại biểu tham gia chương trình: “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” tháng 10/2019.

Về vấn đề này, theo ông Trần Quang Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận Tân Bình cho biết thì khi ngành y tế có tổ chức phun xịt thuốc thì sẽ có những thông tin báo trước đến chính quyền và bà con biết. Mục đích chính của việc phun thuốc xịt muỗi chỉ là biện pháp cấp thời trong thời điểm phun để chúng ta có thể diệt được ngay môt số lượng hoặc hạn chế được mật độ muỗi đang hoạt động trong khu vực dân cư đó. Việc này an toàn cho sức khỏe người dân.

Theo ông Minh việc phun xịt này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Và nếu nhà có những trường hợp mà cần chú ý đến sức khỏe, như có người lớn tuổi, người đang mắc các bệnh khi ngửi thấy mùi hóa chất thì có các phản ứng khó chịu hoặc là sẽ kích ứng đường hô hấp thì nên di chuyển những người này ra khỏi vùng được phun hóa chất trước khi phun chừng 30 phút, sau khi phun xong mới quay trở lại thì cũng không có ảnh hưởng gì đến vấn đề sức khỏe.

Hiện nay, đã vào năm học mới, trẻ em lứa tuổi mầm non, mẫu giáo sau thời gian nghỉ hè cũng đã bắt đầu quay lại trường, việc phòng chống dịch bệnh tại trường học cụ thể là tay chân miệng cần được quan tâm. Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống tay chân miệng trong nhóm trẻ tư thục, vì đây thường là các hộ lẻ, tự phát, rất khó quản lý.

“Ở quận Tân Phú, tôi được biết dân số cũng rất là đông, như vậy thì chúng ta triển khai, quản lý thực hiện việc phòng chống bệnh tay chân miệng trong khu vực này như thế nào?”, ông Đạt hỏi.

Ông Trần Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND Quận Tân Phú chia sẻ việc quản lý các trường mầm non tư thục cũng giống như các trường mầm non công lập. Ngành y tế, giáo dục cùng UBND phường thường xuyên đi kiểm tra các nhóm này. Ở các nhóm trẻ này, khi vào cổng thì đều có nơi rửa tay bằng xà bông cho các cháu, sau đó có khăn lau khô, phải nói là đưa việc này đi vào nề nếp ở quận Tân Phú.

“Khi nhận cháu khi có biểu hiện sốt thì phải báo ngay cho phụ huynh để đưa đi đến bệnh viện khám, không để kéo dài, không để tại các nhóm mầm non”, ông Phúc cho biết.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, việc phòng tránh bệnh tay chân miệng không chỉ phòng từ trẻ lây qua trẻ mà đặc biệt còn phải phòng ngừa từ người lớn lây qua trẻ. Vì khi người lớn mang trùng trên người nhưng chưa phát ra biểu hiện bệnh nên người lớn cũng không biết mình mang mầm bệnh trong người.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố lưu ý thêm, đối với bệnh tay chân miệng đặc điểm lây của nó là qua đường miệng. Vì vậy vấn đề vệ sinh phổ quát đối với tay chân miệng là hết sức quan trọng, khi trẻ chưa mắc bệnh thì chúng ta phải giữ vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh bàn tay.

Bàn tay của trẻ và đặc biệt là bàn tay của người chăm sóc trẻ. Thậm chí trước khi ôm, hôn con mình thì phụ huynh cũng nhớ rửa bàn tay của mình. Khi làm tốt việc rửa tay bằng nước sạch và nếu bằng xả phòng nữa thì đã phòng ngừa được hơn 50% các loại bệnh lây qua đường truyền trực tiếp, trong đó có tay chân miệng.

7 loại thực phẩm ảnh hưởng xấu đến não bộ - Những thực phẩm dùng hàng ngày tưởng chừng như vô hại này lại tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người.

Bình luận