Đột quỵ có thể gây ra gần 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050

VOH - Báo cáo mới từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới - Ủy ban Thần kinh Lancet cho biết, số người chết vì đột quỵ trên toàn thế giới sẽ tăng 50% vào năm 2050 nếu không có hành động ngăn ngừa phù hợp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới, gây ra 6,6 triệu ca tử vong vào năm 2020. Con số đó dự kiến ​​sẽ đạt 9,7 triệu vào năm 2050, theo báo cáo.

Tiến sĩ Sheila Martins, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới cho biết, sự thiếu hụt dịch vụ điều trị đột quỵ trên toàn thế giới là rất nghiêm trọng. Chúng ta cần một sự cải thiện mạnh mẽ ngay hôm nay chứ không phải trong 10 năm tới.

Đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới, gây ra 6,6 triệu ca tử vong vào năm 2020. - Ảnh: Getty

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích định tính các cuộc phỏng vấn với 12 chuyên gia về đột quỵ từ 6 quốc gia có thu nhập cao và 6 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong khi xem xét các yếu tố như tăng trưởng dân số và lão hóa.

Họ tìm thấy một số rào cản chính đối với việc giám sát, phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi chất lượng cao. Trong đó nhấn mạnh tới nhận thức thấp về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, cholesterol cao, béo phì, chế độ ăn uống kém và hút thuốc.

Xem thêm: Một nữ sinh ở Huế đột quỵ khi đang ngồi học

Báo cáo cho biết, hầu hết các ca tử vong do đột quỵ – khoảng  91% – sẽ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên những người sống ở mức nghèo khổ ở các nước có thu nhập cao như Mỹ cũng có nguy cơ cao hơn.

Sự gia tăng đột quỵ không chỉ gây thiệt hại về thể chất cho dân số toàn cầu mà còn gây thiệt hại về tài chính.

Tiến sĩ Valery Feigin thuộc Đại học Công nghệ Auckland cho biết: “Đột ​​quỵ gây thiệt hại to lớn cho dân số thế giới, dẫn đến cái chết và thương tật vĩnh viễn của hàng triệu người mỗi năm và gây thiệt hại hàng tỷ đô la”.

Các nhà nghiên cứu dự đoán, chi phí điều trị và hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ cũng có thể tăng gấp đôi từ 891 tỷ USD vào năm 2020 lên 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Hầu hết những tác động này sẽ được cảm nhận ở Châu Phi và Châu Á.

Làm gì để ngăn sự gia tăng ca đột quỵ?

Chuyên gia cho rằng, một trong những biện pháp phòng ngừa là các chính phủ cần đưa ra các quy định pháp lý và đánh thuế đối với các sản phẩm không tốt cho sức khỏe như muối, rượu, đồ uống có đường, chất béo chuyển hóa.

Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống giám sát chi phí thấp, nâng cao nhận thức cộng đồng và thiết lập dịch vụ chăm sóc đột quỵ cấp tính hiệu quả.

Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố một báo cáo xác định, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ.

Các chuyên gia cho biết, cách tốt nhất để ngăn ngừa cả đột quỵ và tăng huyết áp là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân nặng hợp lý, tránh uống rượu và thuốc lá, đồng thời tập thể dục thường xuyên.

Theo Mayo Clinic, dấu hiệu của đột quỵ thường được xác định bằng cơn đau đầu dữ dội đột ngột, các vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt, đi lại khó khăn, tê liệt hoặc tê ở mặt hoặc tay chân, khó nói hoặc hiểu người khác.

Bình luận