Giải đáp những câu hỏi thường gặp về Covid-19

(VOH) - Dưới đây là một số câu hỏi đáp thường gặp nhất về Covid-19 và vaccine Covid-19 mà VOH lược dịch từ CNN, trên cơ sở tổng hợp hơn 150.000 câu hỏi và quý độc giả gửi về.

Hỏi (H): Virus Corona và Covid-19 có phải là một không? Vì sao lại gọi như vậy?

Đáp (Đ): Thực chất thì virus Corona và Covid-19 không phải là một, tuy nhiên hiện nay thì thỉnh thoảng hai danh từ này có thể sử dụng thay thế cho nhau.

Virus gây ra Covid-19 là một chủng virus mới thuộc họ Corona (novel coronavirus). Gọi là mới vì chúng chỉ mới xuất hiện ở người vào cuối năm 2019.

Trước đó đã có đến 6 loại virus Corona khác gây ra các bệnh truyền nhiễm ở người, trong đó có SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính thể nặng, dễ gây tử vong) bùng phát năm 2003 và MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) xảy ra vào năm 2012.

Theo Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), sở dĩ có tên Corona vì loài virus này có các protein trên bề mặt nhô ra thành các gai giống như vương miện.

Các nhà khoa học đặt tên cho loài virus Corona mới này là SARS-CoV-2, nghĩa là “Hội chứng suy hô hấp cấp tính thứ hai” (sau SARS).

Tên Covid-19 thì được giải thích là căn bệnh gây ra bởi loài virus Corona mới phát hiện, viết tắt từ các chữ đầu của cụm từ này trong tiếng Anh: “COronaVIrus Disease 2019.”

H: Nếu tôi đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh, vậy có nên tiêm vaccine vì tôi có thể đã có kháng thể rồi?

Đ: Theo thông tin trên website của CDC công bố vào tháng 8/2021 thì bạn vẫn nên tiêm vaccine bất kể rằng bạn từng nhiễm Covid-19 hay không. Các kết luận đều cho thấy nếu so với việc từng nhiễm bệnh thì người dân sẽ nhận được sự bảo vệ tốt hơn bằng cách tiêm đủ liều vaccine.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng người chưa tiêm vaccine nhưng nhiễm Covid-19 sẽ có nguy cơ nhiễm trở lại căn bệnh này cao hơn so với người đã tiêm vaccine.

H: Hiện tại thì vaccine Covid-19 đã được FDA phê duyệt hoàn toàn, điều này có nghĩa gì? Sự khác nhau giữa việc phê duyệt khẩn cấp và phê duyệt hoàn toàn là gì?

Đ: Ngày 23/8, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức phê duyệt hoàn toàn vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech, sử dụng cho người từ từ 16 tuổi trở lên.

Trước đó, tất cả 3 loại vaccine Covid-19 đang được sử dụng ở Mỹ gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson đều được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA).

FDA đã xem xét các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine trong ít nhất 3 tháng, sau đó đưa ra đánh giá dựa trên lợi ích đạt được và rủi ro khi sử dụng vaccine trước khi đưa ra kết luận chính thức.

Tuy nhiên, việc một vaccine chỉ được cấp phép khẩn cấp (EUA) không có nghĩa là vaccine đó ít an toàn hay ít hiệu quả hơn vaccine được cấp phép hoàn toàn.

Bác sĩ Paul Offit - thành viên của Ủy ban Cố vấn Vaccine và các sản phẩm sinh học có liên quan thuộc FDA cho biết: “Thực tế, điểm khác biệt quan trọng nhất của hai loại cấp phép này là thời gian thu thập dữ liệu và theo dõi nhiều hơn 3 tháng.”

Bác sĩ Offit thông tin thêm, có hai điểm khác biệt chính giữa hai loại cấp phép là thời gian cần thiết để đánh giá và bản kế hoạch chi tiết về việc sản xuất đại trà trong tương lai.

Khi FDA phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna, điều này có nghĩa cơ quan này có đủ dữ liệu thu thập trong 3 tháng để kết luận vaccine có hiệu quả 95%. Nếu tiến lên phê duyệt hoàn toàn thì quá trình này phải cần thêm 3 tháng nữa, hay ít nhất dữ liệu phải được thu thập và theo dõi trong ít nhất từ 6 tháng trở lên.

Trong lịch sử phát triển và sử dụng vaccine, các phản ứng phụ nghiêm trọng nhất đều xảy ra trong vòng 2 tháng đầu tiên sau khi một người tiêm vaccine - theo Offit và nhiều chuyên gia y tế khác.

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về Covid-19

Sau thời gian đó, “cơ thể của bạn đã sản sinh ra kháng thể và vaccine đã hoàn thành nhiệm vụ” - theo bác sĩ Julia Garcia-Diaz, giám đốc bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế Ochsner ở New Orleans, Mỹ. Bất kỳ vấn đề nào khác xảy ra thì hầu như “không liên quan đến vaccine” - bà Julia nói.

Một lý do khác giải thích cho việc cấp phép hoàn toàn cần nhiều thời gian hơn, đó là kế hoạch chi tiết về việc bảo đảm đủ sản xuất vaccine đại trà trong tương lai.

Khi FDA phê duyệt hoàn toàn một vaccine, điều này có nghĩa không chỉ một sản phẩm được cấp phép mà là cả một quá trình sản xuất sản xuất đó được cấp phép. Theo đó, nhà sản xuất phải cung cấp rất nhiều tài liệu từ bản nghiên cứu, chứng nhận kiểm tra nhà máy sản xuất, quy trình vệ sinh, công nghệ áp dụng và vô vàn đề mục khác có liên quan - theo bác sĩ Offit.

Với việc được phê duyệt hoàn toàn, vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech sẽ được thương mại hóa và xuất hiện trên thị trường với tên thương mại là Comirnaty.

H: Biến thể Delta là gì? Đây là biến thể nghiêm trọng hơn các chủng khác của họ virus Corona phải không?

Đ: Biến thể Delta là một biến thể virus gây bệnh đường hô hấp lây nhiễm mạnh nhất, khiến bệnh nặng hơn so với các biến thể khác và nhiều khả năng vượt qua hàng rào phòng vệ kháng thể của cơ thể người.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, biến thể Delta đã trở thành chủng virus trội gây Covid-19, chiếm hơn 93% số ca mắc mới, theo CDC. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay biến thể này cũng đã lan ra hơn 135 quốc gia trên thế giới.

Biến thể Dela không chỉ lây lan mạnh hơn mà còn gây bệnh nặng hơn các biến thể khác. Khi xét nghiệm mẫu quét phần mũi, tải lượng virus ở người mắc biến thể Delta cao gấp 1.000 lần so với những biến thể trước đó.

Ông Eric Topol, nhà sáng lập và giám đốc của Viện Nghiên cứu Xuyên Quốc gia (bang California, Mỹ), cho biết biến thể Delta chết chóc hơn là do chúng nhân đôi nhanh chóng ở khoang mũi. Một cuộc nghiên cứu chưa được duyệt phát hiện, biến thể Delta mất trung bình khoảng 4 ngày để đạt đến ngưỡng có thể bị phát hiện kể từ khi tiếp xúc người bệnh, so với khoảng 6 ngày ở chủng virus của Vũ Hán.

Bên cạnh đó, biến thể Delta cũng mang theo năng lực tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn, do đột biến ở vị trí 681 của protein gai (P681R) phá hủy tế bào ở người. Điều này cho phép nó đột phá thành công hơn hàng rào phòng vệ miễn dịch ở người.

H: Với việc biến thể Delta đang lây lan nhanh như hiện nay thì việc tiêm vaccine giúp giảm tỷ lệ nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19 như thế nào?

Đ: Nếu so sánh với những người chưa tiêm vaccine thì những người đã tiêm đủ vaccine sẽ có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn khoảng 3,5 lần - theo giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ Francis Collins phát biểu ngày 1/8.

Ông cũng cho biết thêm: “Các triệu chứng khi nhiễm bệnh nếu đã tiêm đủ vaccine hạ thấp xuống khoảng 8 lần và việc bệnh trở nặng khiến bạn phải nhập viện giảm 25 lần so với người chưa tiêm vaccine.”

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về Covid-19

H: Vì sao xuất hiện nhiều trường hợp đã tiêm vaccine Covid-19 nhưng lại nhiễm bệnh? Có phải họ nhiễm từ chính vaccine không?

Đ: Không thể có việc nhiễm Covid-19 từ vaccine vì không có virus Corona trong bất kỳ một loại vaccine nào, ít nhất là các loại được sử dụng ở Mỹ.

Vaccine không thể ngăn chặn hoàn toàn việc người dân nhiễm bệnh. Điều mà vaccine có thể làm là nhanh chóng kích hoạt phản ứng của cơ thể để loại bỏ virus nếu có sự tiếp xúc. Trong quá trình này, một số người thực tế sẽ có các triệu chứng của bệnh.

Tuy nhiên, hơn 99,99% những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 nếu có nhiễm bệnh cũng không phải nhập viện điều trị chuyên sâu và tử vong - theo nghiên cứu của CNN dựa trên dữ liệu của CDC.

Hầu hết những người này đều không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ hơn những người chưa tiêm, theo CDC.

Cũng theo CDC, hơn 90% những người phải điều trị hồi sức tích cực hoặc tử vong vì Covid-19 đều chưa tiêm vaccine.

Một điều quan trọng khác, kể từ sau mũi tiêm cuối cùng thì cũng phải mất đến 2 tuần sau cơ chế bảo vệ của vaccine mới hoàn thiện trong cơ thể, do đó trong thời gian này bạn cũng là đối tượng dễ mắc bệnh và cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh.

H: Sau khi hồi phục, miễn dịch đối với Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu?

Đ: Các nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được tiến hành, nhưng một nghiên cứu về kháng thể gần đây cho rằng hệ miễn dịch của bạn đối với Covid-19 sẽ có hiệu quả kéo dài vài tháng sau khi nhiễm bệnh và phục hồi.

Một nhà nghiên cứu từ Mount Sinai cho biết: “Dù không thể cung cấp bằng chứng kết luận rằng các kháng thể này có thể bảo vệ bạn trước việc tái nhiễm, nhưng chúng tôi tin rằng chúng sẽ có tác dụng kéo giảm tỷ lệ mắc bệnh trở lại của bạn.”

Nhiều báo cáo ghi nhận có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 hai lần trong vài tháng.

Một nam thanh niên 25 tuổi ở bang Nevada là trường hợp ghi nhận đầu tiên tái nhiễm Covid-19 ở Mỹ. Người này nhiễm Covid-19 lần đầu tiên vào tháng 4/2020, sau đó hồi phục và có kết quả âm tính 2 lần. Nhưng chỉ một tháng sau, kết quả xét nghiệm lại là dương tính.

Một nhóm nghiên cứu độc lập khác thì báo cáo về một người đàn ông 33 tuổi ở Hong Kong nhiễm Covid-19 2 lần vào tháng 3 và tháng 8/2020.

Năm ngoái, một cụ bà 89 tuổi người Hà Lan là trường hợp đầu tiên tử vong sau khi tái nhiễm Covid-19. Bà có bệnh nền là ung thư máu và đã nhiễm Covid-19 hai lần.

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về Covid-19

H: Những ảnh hưởng về mặt lâu dài của virus Corona là gì?

Đ: Nhiều người hồi phục sau khi mắc Covid-19 cho biết họ vẫn xuất hiện một số vấn đề về sức khỏe từ vài tuần cho đến vài tháng sau khi nhiễm bệnh.

Ngay cả những thanh niên trẻ tuổi vẫn có thể xuất hiện một số triệu chứng kéo dài như: khó thở, mệt mỏi, đau đầu, sốt kéo dài, ho, sụt giảm trí nhớ và cả mất vị giác, khướu giác.

Một khảo sát của CDC cho thấy, 35% số người khỏi bệnh ở Mỹ vẫn tồn tại các triệu chứng kéo dài từ 2-3 tuần sau, đặc biệt ở nhóm từ 50 tuổi trở lên có đến 47% số người được hỏi cho biết họ vẫn xuất hiện các triệu chứng của bệnh trong nhiều tuần sau đó.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), nguy cơ tử vong do các tổn thương tim có liên quan đến Covid-19 dường như cao hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây.

Các rủi ro về tổn thương hệ mao mạch và tim xảy ra ở 20%-30% số bệnh nhân nhập viện điều trị Covid-19 ở Mỹ và chiếm đến 40% số ca tử vong - theo AHA. Chủ tịch AHA - bác sĩ Mitchell Elkind cho biết các biến chứng về tim có liên quan đến Covid-19 có thể tồn tại lâu dài ngay cả khi bạn hồi phục.

H: Nếu phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, liệu em bé trong bụng có nhiễm theo không? Trẻ sơ sinh có nhiễm Covid-19 khi người mẹ cho con bú?

Đ: Theo Viện Nhi khoa Mỹ, có gần 2-5% trẻ em sơ sinh nước này nhiễm Covid-19 trong thời gian 4 ngày sau sinh, nếu mẹ nhiễm bệnh trước đó.

Tuy nhiên, người mẹ sẽ không lây Covid-19 cho bé con mới sinh nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh, theo tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet.

Theo đó, trong cuộc khảo sát với 116 người mẹ nhiễm Covid-19 thì không có ca nhiễm nào được ghi nhận với 120 trẻ sơ sinh được sinh ra, ngay cả khi mẹ và bé ở chung một phòng và người mẹ cho con bú bình thường.

Mặc dù vậy, trẻ sơ sinh vẫn được khuyến cáo nên ở cách xa người mẹ khoảng 2m, trừ những lúc bú sữa. Người mẹ cũng phải đeo khẩu trang y tế đúng quy cách khi bế con, đồng thời thực hiện đầy đủ các bước tẩy trùng và vệ sinh trước và sau khi cho con bú.

Bình luận