Hậu COVID, bị mất ngủ phải làm sao?

(VOH) -  Tỷ lệ những người bị mất ngủ, có chất lượng giấc ngủ kém chiếm khoảng 40% số người bị mắc COVID-19. Bạn phải làm gì khi rơi vào trường hợp này?

Tỷ lệ người bị Hội chứng hậu COVID-19 chiếm khoảng 20% số người đã mắc COVID-19. Tuy không nhiều nhưng với số người này, hội chứng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do có những biến chứng nguy hiểm về hô hấp, tim, đặc biệt là đột quỵ. Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 gặp các triệu chứng COVID-19 như ho kéo dài; ảnh hường đến tim mạch, gan, cơ, thận, khớp, da như nổi mày đay, phát ban hoặc gây rối loạn thần kinh như lo âu, trầm cảm…thậm chí đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Những biến chứng đó góp phần đáng kể làm cho giấc ngủ giảm chất lượng, dẫn đến tình trạng bị mất ngủ hậu COVID làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc hàng ngày, suy giảm đến năng suất và chất lượng cuộc sống.

mất ngủ
Hình minh họa

Mất ngủ là loại di chứng mà nhiều người mắc phải hậu COVID. Có khoảng 40% người dân bị mất ngủ khi mắc COVID-19, trong khi tỉ lệ này đối với các bệnh dịch khác mà trước đây gặp phải là khoảng 24%. Mất ngủ, ngủ không ngon, giấc ngủ kém chất lượng có thể do nhiều nguyên nhân:

Stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do COVID-19 đặc biệt là những gia đình có người thân bị mất vì COVID-19. 

Thói quen ngủ của người bệnh sau khi khỏi COVID-19 cũng thay đổi do liên quan đến giãn cách xã hội, cách ly, về thu nhập, lo sợ bị biến chứng do chính bệnh COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó một số thuốc đã được sử dụng để điều trị COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ.

Hoặc có thể là do triệu chứng bệnh COVID khiến người bệnh mất ngủ nhiều hơn

Mất ngủ được chia làm 2 loại phổ biến là:

Mất ngủ cấp tính: Kéo dài vài ngày hoặc vài tuần;

Mất ngủ mãn tính: Kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần, trong vòng 3 tháng.

Mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân như bị rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp lo âu, trầm cảm, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Để giải quyết tình trạng mất ngủ cần:

Tạo môi trường ngủ thích hợp

Phòng ngủ cần tối, yên tĩnh, có nhiệt mát mẻ, nhiệt độ từ 20 độ C - 25 độ C là nhiệt độ tối ưu để ngủ nhưng sau khi ngủ đến gần sáng thì nhiệt độ cần cài đặt tăng lên đến 26 -27 độ C để tránh việc cơ thể bị đánh thức khi nhiệt độ phòng ngủ quá lạnh về sáng.

Giường, chăn ga, gối đệm sạch sẽ, thoải mái. Chỉ sử dụng giường ngủ để ngủ hoặc quan hệ tình dục. Việc chỉ dùng giường để ngủ làm tăng cường liên kết giữa não bộ và giấc ngủ khiến chúng ta dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Ra khỏi giường khi bạn không ngủ, đừng cố nằm ườn trên đó nếu bạn không muốn ngủ.

Buổi trưa chỉ nên ngủ tối đa 30 phút hoặc ít hơn để tối dễ ngũ hơn. Tránh ngủ vào khoảng giờ chiều có thể làm gián đoạn giấc ngủ đêm.

Cố gắng không suy nghĩ, lo lắng trước khi đi ngủ. Tránh căng thẳng trước khi đi ngủ tối như tranh cãi, lo nghĩ về khó khăn trong cuộc sống, suy nghĩ giải quyết công việc…

Buổi tối hạn chế sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống cà phê, trà, nước tăng lực và đồ uống có chứa caffeine vì chúng có thể cản trở giấc ngủ.

Rượu có thể giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ nhưng nó thường khiến bạn thức giấc giữa đêm.

Để cải thiện giấc ngủ bạn nên thực hiện một số cách sau:

Đi ngủ và thức dậy vào khoảng thời gian giống nhau. Điều này giúp củng cố đồng hồ sinh học của bạn. Đảm bảo ngủ đủ thời gian theo nhu cầu cơ thể (7-8h/đêm).

Cần uống đủ lượng nước hàng ngày khoảng 2 lít, bên cạnh đó cần bổ sung nước trái cây ép như nước cam, xoài, dưa hấu, lê… Lượng thức ăn hàng ngày nên dùng loại dễ tiêu, ăn vừa đủ không nên ăn no quá cũng gây khó ngủ. Không ăn ít nhất 3 tiếng trước khi ngủ.

Hãy xây dựng một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ dành cho bản thân. Đó là những hoạt động mà bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn như:

Tắm nước ấm. Tập thiền để giúp cơ thể và tâm trí của bạn được thư giãn.

Thả lỏng cơ thể giúp cơ thư giãn và giải phóng căng thẳng. Nghe một số bản nhạc nhẹ nhàng trong khi bạn tập trung vào hơi thở.

Đọc sách có cốt truyện nhẹ nhàng, nhưng cố gắng tránh xa các thiết bị đọc sách điện tử.

Tắt các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ vì các thiết bị điện tử có thể kích thích não bộ của bạn làm bạn mất ngủ. Các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh có thể làm giảm mức melatonin trong cơ thể bạn (melatonin là chất hóa học kiểm soát chu kỳ ngủ).

Đặc biệt không để điện thoại di động ở gần đầu (cách xa đầu trên 1,5 mét) vì sóng điện từ phát ra từ điện thoại có thể làm ảnh hưởng đến não bộ của bạn cũng như cuộc gọi, tin nhắn, ánh sáng màn hình… cũng làm bạn mất ngủ.

Tập thể dục 30 phút hàng ngày, nhưng tránh tập, hoạt động cơ thể với cường độ mạnh 2 giờ trước khi ngủ.

Nếu bạn đã thực hiện các cách trên nhưng vẫn không có hiệu quả hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Bình luận