Hội chẩn liên viện, cứu được người bị ngưng tim, ngưng thở

(VOH) - Sở Y tế hoan nghênh tinh thần của e kíp cấp cứu Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã phối hợp kịp thời cứu sống người bệnh hợp ngưng tim ngưng thở ngoại viện.

Ngày 26/10, Sở Y tế cho biết e-kíp cấp cứu Bệnh viện Quận 7 đã kịp thời hội chẩn với chuyên gia của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khi phát hiện người bệnh có tình trạng nhồi máu cơ tim thành trước rộng cần can thiệp cấp cứu của Bệnh viện tuyến trên. Nhờ vậy người bệnh T.H.T đã qua cơn khỏi nguy kịch. Sở Y tế hoan nghênh tinh thần của e kíp cấp cứu Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã phối hợp kịp thời cứu sống người bệnh.

Trước đó, chiều ngày 21/10/2022, người bệnh T.H.T đang làm việc tại công trường xây dựng thì đột ngột tím tái, khó thở. Người bệnh được đồng nghiệp đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quận 7 với tình trạng mạch = 0 và huyết áp = 0.

Nhờ hội chẩn liên viện, cứu được người bị ngưng tim, ngưng thở 1
Ảnh minh họa

Sau khi tiếp nhận và nhận thấy bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở trước nhập viện, ê-kíp cấp cứu của bẹnh viện Quận 7 đã hồi sức tim phổi nâng cao với ấn tim ngoài lồng ngực, bóp bóng giúp thở, đặt nội khí quản, xử lý sốc điện 3 lần. Điện tim trên monitor cho thấy bệnh nhân có tình trạng nhồi máu cơ tim thành trước rộng, ê-kíp cấp cứu hội chẩn liên viện với chuyên gia của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương qua điện thoại và được chuyên gia tư vấn xử trí về chuyên môn. Đồng thời đề nghị chuyển người bệnh về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để được điều trị tích cực, đảm bảo an toàn người bệnh.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ê-kíp trực cấp cứu của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hội chẩn ngay với bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp, chẩn đoán lúc này là một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp thành trước rộng giờ đầu biến chứng ngưng tim ngoại viện đã được hồi sức thành công. Bệnh nhân có chỉ định phải tái thông mạch vành cấp cứu, nên bác sĩ đã giải thích cho người nhà tình trạng người bệnh rất nặng và nguy cơ tử vong cao, người nhà đã đồng ý can thiệp mạch vành và bác sĩ đã thực hiện tái thông mạch vành khẩn cấp.

Sau 30 phút can thiệp, bệnh nhân được thông tắc 1 nhánh động mạch vành lớn nhất, sau đó chuyển về khoa tim mạch can thiệp theo dõi và điều trị tiếp. Hiện người bệnh đã hết đau ngực, tự thở được, các giá trị sinh hiệu trong giới hạn bình thường.

Bệnh nhân T. đã được cứu sống thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chuyển viện an toàn giữa Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Bình luận