Làm việc dưới ánh nắng mặt trời là nguyên nhân lớn nhất gây ra ung thư da

VOH - Theo dữ liệu mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế, làm việc dưới ánh nắng mặt trời có thể là nguyên nhân chính gây ung thư da trên toàn thế giới.

Hai cơ quan của Liên Hợp Quốc cùng công bố những ước tính mới cho thấy, mối liên hệ giữa làm việc ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời với bệnh ung thư da không phải khối u ác tính.

Báo cáo được công bố trên tạp chí nghiên cứu Environment International cho biết, gần 1 trong 3 ca tử vong do ung thư da không phải khối u ác tính - là do bức xạ cực tím từ công việc ngoài trời.

“Ung thư da không phải khối u ác tính” dùng để chỉ một nhóm bệnh ung thư phát triển ở các lớp trên của da, bên ngoài các tế bào hắc tố tạo ra sắc tố da. Nó bao gồm các bệnh ung thư như ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy.

ung thư da
Một công nhân dọn dẹp đường phố trước Nhà thờ Santa Maria ở Girona, Tây Ban Nha - Ảnh: Getty

Dữ liệu mới xếp hạng phơi nhiễm bức xạ cực tím nghề nghiệp – thực hiện công việc ngoài trời, dưới ánh nắng mặt trời – là tác nhân gây ung thư nghề nghiệp lớn thứ ba, chỉ sau amiăng và bụi silic.

Frank Pega, nhà dịch tễ học tại WHO và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Đây thực sự là một vấn đề lớn vì đây là ước tính đầu tiên về bệnh ung thư da liên quan đến điều mà chúng ta gặp phải trên toàn cầu - bức xạ mặt trời”.

Bức xạ tia cực tím từ ánh sáng mặt trời là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bức xạ mặt trời có thể làm hỏng tế bào da và theo thời gian có thể gây ung thư da.

Do đó, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO công nhận, bức xạ mặt trời là chất gây ung thư Nhóm 1, được biết là gây ung thư ở người.

Theo nhà dịch tễ học Pega, phải mất 7 năm mới có đủ dữ liệu toàn diện để đưa ra những ước tính mới.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các trường hợp tiếp xúc với bức xạ mặt trời tại nơi làm việc và các trường hợp ung thư da không phải khối u ác tính ở gần 200 quốc gia. 

Pega cho biết, báo cáo đã tổng hợp 763 cuộc khảo sát về lực lượng lao động để phân tích 166 triệu quan sát trong các năm 2000, 2010 và 2019, khiến đây trở thành một trong những nghiên cứu lớn nhất về ánh sáng mặt trời và ung thư tại nơi làm việc.

Báo cáo cho thấy, vào năm 2019, 1,6 tỷ công nhân đã tiếp xúc với bức xạ tia cực tím nghề nghiệp: gần 30% tổng số người trong độ tuổi lao động, thường làm việc trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và đánh bắt cá. 

Nam giới và thanh niên bị phơi nhiễm nhiều nhất, nhưng tổng số người tiếp xúc với bức xạ cực tím tại nơi làm việc đã giảm 32% từ năm 2000 đến năm 2019.

Bất chấp sự suy giảm đó, số ca tử vong do ung thư da liên quan đến bức xạ tia cực tím nghề nghiệp vẫn tăng khoảng 90% so với cùng kỳ. Phơi nhiễm bức xạ tia cực tím tại nơi làm việc đã gây ra 18.960 ca tử vong do ung thư da không phải khối u ác tính vào năm 2019, phần lớn trong số họ là nam giới.

Pega cho biết, trên toàn cầu, ung thư da thường tập trung ở các khu vực như Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Nhưng trong dữ liệu mới, ung thư da nghề nghiệp có nhiều khả năng xảy ra hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các vùng của Châu Phi.

Mối nguy hiểm do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tại nơi làm việc là không thể tránh khỏi, Pega cho biết. Người sử dụng lao động và các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ người lao động tiếp xúc với bức xạ UV. Ví dụ, người sử dụng lao động có thể thay đổi giờ làm việc cho những người làm việc ngoài trời để tránh ánh nắng gay gắt vào khoảng giữa trưa.

Người sử dụng lao động cũng có thể cung cấp bóng mát cho người lao động ngoài trời và luật lao động có thể bao gồm các yêu cầu về quần áo bảo hộ như mũ rộng vành và áo sơ mi dài tay, kem chống nắng.

Ở cấp độ y tế, Pega kêu gọi cải thiện khả năng tiếp cận sàng lọc sớm ung thư da để bệnh có thể được phát hiện và điều trị nhanh chóng.

Theo ông, các quốc gia có thể đưa bệnh ung thư da do tiếp xúc với ánh nắng vào danh sách quốc gia về các bệnh nghề nghiệp, điều này có thể mở ra cơ hội cho những người bị ảnh hưởng nhận được sự chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế.

Bình luận