Mẹ bầu cần biết : Phòng tránh sinh non

(VOH) – Khi mang mầm sống mới, bà mẹ nào cũng muốn cuộc chuyển dạ “mẹ tròn con vuông" nhưng các thai phụ có thể phải đối diện với nguy cơ sinh non. Bác sĩ sản khoa chỉ cách phòng tránh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, giảng viên Đại học Y dược TPHCM cho biết, thai được xem đủ ngày đủ tháng là từ 38 tuần đến 42 tuần, trung bình là 40 tuần.

Nhưng các bà mẹ sinh con đầu lòng (con so) có thể sanh sớm hơn 1 tuần đến 10 ngày.

Nếu thai phụ sinh trước 38 tuần, trong y khoa lấy mốc là 37 tuần 6 ngày trở xuống gọi là sinh non.

sinh non 10/10/2017 voh.com.vn

Hình minh họa: internet

Nghe nội dung tư vấn từ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà:

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non

Những bà mẹ tử cung bất thường (tử cung đôi, tử cung có vách ngăn, tử cung hình tim…) khoang tử cung nhỏ nên khi có thai, thai giãn đến mức độ nào đó thì tử cung đẩy thai ra.

Mẹ bị chấn thương, ví dụ bị té đụng vào phần bụng.

Mẹ có bệnh lý nội khoa hoặc ngoại khoa dẫn đến phải mổ. Quá trình mổ có thể tác động đến tử cung làm tử cung gò dẫn đến sinh sớm. Hoặc các bệnh lý nội khoa khác như bệnh lý về tim mạch, hô hấp, tiểu đường. Chẳng hạn nếu mẹ bị bệnh về hô hấp khiến mẹ thở kém, tình trạng thiếu oxy của trẻ sẽ tăng lên.

Ối vỡ non hay nhau thai bám thấp chứ không bám vào đáy tử cung như bình thường (gọi là nhau tiền đạo).

Mẹ bị huyết áp cao làm nhau thai bong trước khi đến thời gian sinh nên phải lấy thai ra sớm

Hở eo tử cung: cổ tử cung cơ vòng siết lại giữ bé đủ 9 tháng 10 ngày nhưng có thể do cấu tạo bẩm sinh, do thai phụ từng nạo thai, từng hư thai… khiến khả năng giữ thai kém.

Những bà mẹ bị trường hợp như vậy nhất định phải gặp bác sĩ, để được can thiệp khâu tử cung lại để giữ thai nhi cho đến lúc sinh

Sinh non ảnh hưởng cả mẹ lẫn con

Khi thai phụ sinh non sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

Với mẹ chủ yếu là ảnh hưởng về tâm lý (dễ trầm cảm, hoảng loạn). 

Bé bị sinh non có thể phổi chưa trưởng thành, ra ngoài bé chưa thở được, dễ bị suy hô hấp (có thể dẫn đến nhiễm trùng thậm chí gây tử vong).

Các cơ quan chưa hoàn thiện nên chưa hoạt động tốt, khả năng đề kháng kém, trẻ dễ nhiễm trùng, dễ mắc các bệnh lý khác

Tỷ lệ tử vong của trẻ sinh non tăng cao hơn trẻ sinh đủ ngày đủ tháng.

Dấu hiệu sinh non

Những trường hợp bị hở eo tử cung thì không có dấu hiệu gì rõ ràng nhưng trường hợp này không nhiều.

Trong quá trình mang thai nếu thai phụ thấy đau bụng, ra huyết, ra nước âm đạo thì có thể đó là các triệu chứng báo sanh. Thai phụ cần đến các cơ sở y tế ngay để được can thiệp kịp thời

Cách phòng tránh, trì hoãn sinh non

Không phải 100% trường hợp có thể trì hoãn thành công việc sinh non nhưng hiện đã có những giải pháp khoa học:

Hiện có 1 số thuốc giúp giảm cơn gò của thai phụ tối đa thì khả năng chuyển dạ sẽ trì hoãn

Vòng đặt trong âm đạo để nâng cổ tử cung lên (vòng pessary) giúp thai đừng tụt sâu xuống và cổ tử cung không mở rộng thêm, để giữ thai trong bụng mẹ gần đến ngày sanh nhất có thể.

Nếu bác sĩ khám thai tiên lượng mẹ có thể sanh trong vài ngày tới hoặc trong thời gian rất ngắn thì bác sĩ sẽ hỗ trợ chích loại thuốc để phổi em bé phát triển sớm hơn bình thường để phổi bé nở ra, có khả năng tiếp nhận và trao đổi oxy, để giảm khả năng tử vong do suy hô hấp.

Để phòng tránh sinh non, thai phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch của bác sĩ sản khoa để có thể phát hiện việc sinh non hoặc các vấn đề khác với thai nhi.

3 tháng cuối thai kỳ. các thai phụ hạn chế đi xa, làm việc nặng và hạn chế giao hợp. Đây là những yếu tố có thể làm tăng cơn gò, dễ gây sinh non.

Mẹ bầu cập nhật thông tin mới về Các bệnh thường gặp trong thai kỳ
Bình luận